CPI năm 2022 tăng 3,15%, đạt mục tiêu đề ra

29/12/2022 - 12:52

PNO - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2022 đạt 8.02%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3.15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4%). Với mức tăng này, kinh tế Việt Nam là điểm sáng của thế giới năm 2022.

Theo số liệu tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 do Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Ước tính, GDP năm 2022 tăng 8.02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế đã được khôi phục.

Trong năm 2022, sản xuất nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế - Ảnh minh họa
Trong tháng 12 này, giá lương thực, thực phẩm đều tăng - Ảnh minh họa

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Riêng khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021).

Riêng về chỉ số CPI trong tháng 12 này có xu hướng giảm 0,01% so với tháng trước do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới, tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước.  

Trong nhóm ngành hàng dịch vụ tiêu dùng, ngoài xăng dầu giảm còn có chỉ số giá USD giảm 2,6%. 9 nhóm hàng khác gồm lương thực, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, may mặc, nhà ở vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình, giá vàng, giáo dục, hàng hóa dịch vụ đều tăng. Trong đó, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng nhiều nhất với 0,66% so với tháng trước, kế đến là giá lương thực (các loại gạo, ngũ cốc, bột mì, miến, phở…) tăng 0,48%, xếp vị trí thứ ba là các loại đồ uống, quần áo may mặc.

Theo Tổng cục Thống kê, tính cả năm 2022, CPI tăng 3,15% đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lý do khiến CPI trong năm 2022 tăng là do giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 34 lần, so với năm 2021 thì giá xăng dầu trong nước đã tăng 28,01%, làm CPI chung tăng 1% điểm. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng cũng được điều chỉnh tăng giá cao hơn so với năm 2021 khiến CPI tăng. Điển hình, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 5 đợt, tăng 11,49%; giá gạo tăng 1,22%; giá thực phẩm tăng 1,62%; giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,11%; giá vé máy bay tăng 27,58%, giá vé tàu hỏa tăng 10,96%...

Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021. Như vậy trong năm 2022 mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên theo đánh giá của Tổng cục Thống kê thì lạm phát năm 2023 là rất lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể kéo theo nhu cầu năng lượng gia tăng. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Thanh Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI