Nền âm nhạc thích ứng nhanh
Ngay khi dịch COVID-19 bùng lên tại nhiều quốc gia, mọi hoạt động không cần thiết, trong đó có giải trí, buộc phải dừng lại. Chính trong thời gian tưởng chừng xáo trộn, hoang mang nhất, nhiều nghệ sĩ chọn hình thức livestream để tương tác với khán giả.
Từ các chương trình miễn phí, đến đêm nhạc quyên góp, và gần đây là thu phí, giới ca nhạc sĩ các nước đều đang đổ dồn lên mạng xã hội, sử dụng các ứng dụng trực tuyến để hoạt động. Dịch COVID-19 buộc nghệ sĩ phải thay đổi thói quen trình diễn, từ đứng trước hàng ngàn khán giả, nay chỉ đơn độc ca hát trước điện thoại, máy quay. Nhưng không đơn thuần là tương tác vui chơi, những đêm nhạc này hái ra tiền, minh chứng cho sức hút từ một format mới - nơi các chương trình âm nhạc trực tuyến thắng thế.
Đêm nhạc trực tuyến mang tên Living room concert for America có sự góp mặt của loạt tên tuổi đình đám như Mariah Carey, Lady Gaga, Billie Eilish, Lizzo, Alicia Keys, nhóm nhạc Backstreet Boys... thu hút 8,7 triệu người xem trực tiếp, nhận được 8 triệu USD quyên góp.
Buổi hòa nhạc One world: Together at home diễn ra trong vòng 9 tiếng thu hút hơn 20 triệu lượt theo dõi, phá kỷ lục video xem trực tuyến nhiều nhất trên YouTube. Có 70 nghệ sĩ đã tham gia chương trình gồm Elton John, Paul McCartney, Céline Dion, Jennifer Lopez, Beyoncé Knowles, Lady Gaga, Taylor Swift... Chương trình thu về gần 128 triệu USD.
Trong thời điểm nhiều ca sĩ như Justin Bieber, Taylor Swift, Billie Eilish, BTS, Red Velvet... thông báo hoãn/hủy trọn tour diễn trong năm 2020, số ca sĩ chọn livestream ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, nhiều livestream giúp các ca sĩ nổi tiếng hơn như trường hợp của DJ D-Nice.
Trên Guardian, bài viết cho rằng hình thức livestream đang có dấu hiệu thống lĩnh, và khi dịch bệnh qua đi, có lẽ một hướng mới trong trình diễn, thu tiền sẽ xuất hiện. Điều tác giả bài viết đặt ra hoàn toàn có khả năng, vì chính những nghệ sĩ hoạt động cũng khẳng định họ phải thay đổi cách nghĩ về việc trình diễn, thu tiền qua hệ thống trực tuyến.
Cũng theo Guardian, livestream cho nghệ sĩ có không gian tự do sáng tạo, làm nhiều việc, ít phụ thuộc vào lưu diễn, và hiện ai cũng thấy sự đáng gờm của hình thức này trong thời điểm hiện tại.
Nếu livestream là chốn gặp gỡ lý tưởng
Guardian có một cuộc phỏng vấn với 5 ca sĩ về những thay đổi họ phải đối mặt khi dịch COVID-19 tác động. Trong đó, ngoài những trăn trở về việc làm quen với hình thức livestream, họ dành nhiều lo lắng cho một tương lai đầy ẩn số.
Sara Quin nói: “Những người livestream, sáng tạo nội dung trên mạng cho tôi cảm hứng, nhưng tôi lại không muốn làm điều đó, vì tôi ghét những người cầm điện thoại di động nghe hòa nhạc. Tôi cũng ghét trình diễn trước điện thoại”.
Nữ ca sĩ nói dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, không chỉ ca sĩ mà còn một chuỗi công việc liên quan như quản lý, vũ công, ban nhạc... “Chúng tôi thấy sự âu lo của những người cùng làm việc với chúng tôi trong các chuyến lưu diễn. Chúng tôi từng khủng hoảng nghĩ đến việc nếu đời sống âm nhạc không trở lại như trước, thì sẽ như thế nào với chúng ta?”, Sara Quin tâm sự.
Sara Quin cho biết, để thích nghi với tình hình, chuyện livestream không quá khó. Cô và tất cả các ca sĩ đều sẵn lòng, nhưng tiền bạc là vấn đề cần tính toán. “Thay vì yêu cầu người tiêu dùng tự ý thức việc trả tiền, ngành công nghiệp âm nhạc cần tính toán toàn diện. Tất cả các nền tảng trực tuyến, hãng thu âm, nhà sản xuất, nghệ sĩ... phải quyết định mức chi phí chính thức. Sau đó, hãy đem sản phẩm đó bán cho khán giả” - cô nói.
Nam ca sĩ James McGovern của ban nhạc The Murder Capital cho biết, anh đã được xem nhiều chương trình thú vị của các ca sĩ. Theo James McGovern, thời điểm hiện tại, người hâm mộ mong đợi được kết nối với các ca sĩ thông qua phương tiện truyền thông. Điều này tồn tại nhiều rủi ro, nhưng cũng là cơ hội cho nghệ sĩ.
Nam ca sĩ cho biết, có nhiều vấn đề liên quan đến bản quyền các ca khúc phát trên mạng, bất cập trong việc chi trả tác quyền, công lao động của nghệ sĩ trên các dịch vụ phát trực tuyến, thì đây là lúc thích hợp để thay đổi, lập lại trật tự. James McGovern tin rằng sau dịch, livestream sẽ là hình thức được ưa chuộng, có thể trụ lại với
khán giả.
Còn với ca sĩ - nhạc sĩ nhạc pop Ella Eyre, Jeremy Pritchard (nhóm Everything Everything) hay ca sĩ kiêm nhạc sĩ Jack Garratt, thì cục diện làng nhạc chưa thể khẳng định, nhưng những thay đổi chắc chắn tồn tại.
Jeremy Pritchard nói, có nhiều yếu tố cần minh bạch trên các nền tảng trực tuyến, cụ thể đó là mối liên quan, lợi ích giữa nghệ sĩ, khán giả, hệ thống kỹ thuật số, chính phủ. Nam ca sĩ khẳng định, anh đang tìm cách để tạo nhiều dấu ấn hơn trên nền tảng trực tuyến.
“Tương lai sẽ yêu cầu chúng tôi thực hiện nhiều tương tác trực tuyến hơn, có nhiều kết nối với người hâm mộ theo những cách mà chúng tôi chưa từng làm trước đây. Tôi muốn chắc chắn rằng, chúng tôi không làm điều đó vì nghĩa vụ hay để truyền thông, mà đó là cách kết nối hiệu quả cả khán giả và nghệ sĩ đều yêu thích”, Jeremy Pritchard nói.
Dịch COVID-19 đặt ra thử thách, nhưng cũng là cơ hội để làng nhạc tìm thấy giá trị cốt lõi. Có lẽ, những sân khấu đông nghẹt khán giả từng là hình ảnh quen thuộc, nhưng hiện tại, khi trạng thái bình thường mới được thiết lập, livestream mới là hình thức phù hợp, hiệu quả.
Minh Tú