COVID-19 vẫn còn nhiều bí ẩn

13/04/2022 - 05:56

PNO - Thời gian qua, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra nhận định rằng đại dịch COVID-19 sẽ sớm trở thành một căn bệnh mà chúng ta phải học cách sống chung.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia nói rằng, thế giới vẫn đang còn trong giai đoạn cấp tính của đại dịch và COVID-19 thực sự vẫn còn là một bí ẩn. Bởi các bệnh đặc hữu có thể có nhiều dạng, và chúng ta vẫn chưa thể biết COVID-19 sẽ nằm ở đâu trong số đó.

Hiện các bệnh đặc hữu lây nhiễm cho hàng triệu người trên thế giới và một số bệnh vẫn giết chết hàng trăm ngàn người mỗi năm. Ví dụ: sốt rét đã giết chết hơn 600.000 người trên toàn cầu vào năm 2020, bệnh cúm giết chết hơn 200.000 người mỗi năm. Với COVID-19, nhiều nhà khoa học dự đoán rằng nó có thể sẽ trở nên tương tự như các căn bệnh đường hô hấp khác. 

Để sống chung với COVID-19, theo các nhà khoa học cần phải tập trung vào tiêm chủng, điều trị và cập nhật vắc xin chống lại các biến thể mới
Để sống chung với COVID-19, theo các nhà khoa học cần phải tập trung vào tiêm chủng, điều trị và cập nhật vắc xin chống lại các biến thể mới

Tại buổi thảo luận giữa 20 nhà khoa học, chuyên gia sức khỏe… toàn cầu mới đây, việc cập nhật vắc xin được nhận định là điều tiên quyết để có thể sống chung với COVID-19. Tiến sĩ Lone Simonsen - Đại học Roskilde (Đan Mạch) - cho biết: “COVID-19 có thể sẽ không gây chết người nhiều hơn bệnh cúm theo mùa, hoặc có thể nhẹ giống như một trong những loại coronavirus gây cảm lạnh khác”. 

Một số nhà khoa học cũng nói rằng COVID-19 có thể theo mùa, nhưng nó cũng có thể có những đợt dịch bất thường. Tiến sĩ Jeffrey Shaman - chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Columbia (Mỹ) - cho biết: “COVID-19 có khả năng lây truyền cao hơn nhiều so với bệnh cúm. Chỉ cần một phần nhỏ dân số bị bệnh cũng có thể gây bùng phát dịch bệnh và điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm”.

Các chuyên gia cho biết, với 1/3 dân số toàn cầu không được tiêm vắc xin chống lại COVID-19, sống trong điều kiện thiếu thốn các phương pháp điều trị, virus sẽ tiếp tục tiến hóa. Vì thế, các quốc gia phải sử dụng các biện pháp như xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng để kiểm soát các bệnh dịch lưu hành. Tiến sĩ Monica Gandhi - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco - cho rằng: “Chạy đua theo COVID-19 đồng nghĩa với việc tập trung vào việc tiêm chủng cho mọi người, điều trị và cập nhật vắc xin. Chúng ta phải luôn cảnh giác để giữ nó trong tầm kiểm soát”.

Theo các nhà khoa học, để xác định tính đặc hữu của một căn bệnh thì phải mất thời gian quan sát trong nhiều năm. Điển hình là cúm, để chuyển đổi từ đại dịch đến bệnh cúm, nhân loại đã phải chứng kiến ​​bốn trận đại dịch trong hơn 100 năm qua. Trong đó, đại dịch từ năm 1918 đến năm 1919 đã giết chết hơn 50 triệu người trên toàn cầu. 

Đại dịch cúm ban đầu phải mất ba năm để lắng xuống. Trong những năm sau đó, một số đợt bùng phát lớn hơn những đợt bùng phát khác để cuối cùng nó trở thành bệnh đặc hữu theo mùa như hiện nay. Giả định về thời kỳ đại dịch của COVID-19, theo tiến sĩ Trevor Bedford - nhà virus học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ) - có thể nó sẽ giống cúm là bùng nổ trong thời kỳ đầu rồi dần dần cũng sẽ trở thành bệnh đặc hữu. Ông nói: “Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến một tình huống là các đợt bùng phát COVID-19 xảy ra hằng năm. Nó sẽ không quá nhẹ nhưng chúng ta sẽ phải sống chung, đối phó và vượt qua…”. 

Thu Thanh (theo WHO, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI