COVID-19 và tương lai của các thành phố Hoa Kỳ

10/05/2021 - 08:45

PNO - Những lo ngại rằng các thành phố của Mỹ sẽ bị xóa sổ bởi đại dịch COVID-19 đang nhường chỗ cho các dấu hiệu hồi sinh tiềm năng và một loạt các phân tích mới cho thấy bất kỳ sự “xuống cấp” nào so với năm 2020 sẽ chỉ mang tính tạm thời.

Có bằng chứng cho thấy dân cư các thành phố ở Mỹ có thể tăng trở lại - Ảnh: Reuters
Có bằng chứng cho thấy dân cư các thành phố ở Mỹ có thể tăng trở lại - Ảnh: Reuters

Dân cư đang quay lại các thành phố lớn

Một số dữ liệu cho thấy sự trở lại đang diễn ra. Công ty theo dõi điện thoại di động Unacast trước đó từng lưu ý rằng nhiều người dùng điện thoại đã chuyển nơi ở của họ ra khỏi New York, nhưng dữ liệu hiện nay cho thấy họ đang quay trở lại.

"New York đang tăng dân số trở lại", thành phố có thêm 1.900 người trong hai tháng đầu năm 2021 so với mức giảm 7.100 người trong hai tháng cùng kỳ năm 2019 và 110.000 người rời thành phố trong suốt năm 2020 (theo ước tính của Unacast).

Sự thay đổi có thể đã bắt đầu từ mùa thu năm ngoái, khi sự gia tăng dân số theo mùa thường tập trung cùng với sự xuất hiện của sinh viên đại học gần tương đương với năm 2019, ít người rời thành phố hơn năm trước và "có một lượng lớn dòng người đổ về từ các khu vực xung quanh thành phố, có lẽ là sự trở lại của một số người đã bỏ đi trong thời kỳ cao điểm của đại dịch”, báo cáo của công ty Unacast nêu rõ.

Các quận Manhattan và Bronx "thể hiện một khả năng phục hồi đặc biệt” khi thu hút được 21.000 cư dân trong hai tháng đầu năm 2021. Ba trong số năm quận của thành phố New York - theo khảo sát của công ty - bị giảm dân số, trong đó quận Kings ghi nhận tốc độ mất dân số giảm đi so với trước đại dịch.

Tương tự như vậy, tuần trước các nhà kinh tế của Bank of America (Ngân hàng Mỹ) đã viết rằng họ "không thấy bằng chứng về một cuộc di cư rộng rãi ở thành thị", căn cứ theo phân tích dữ liệu chi tiêu thẻ của công ty cũng như khảo sát các báo cáo khác.

Các nhà phân tích của Bank of America viết rằng các thị trường đắt đỏ như thành phố New York (NYC) và San Francisco (SF) chứng kiến ​​xu hướng giảm mạnh dân số. Nhưng họ lưu ý rằng những người rời thành phố có xu hướng không di chuyển xa. Và khi giá bán và giá cho thuê nhà giảm ở những địa điểm đó, một số lớn những người trẻ tuổi ở với cha mẹ trong thời kỳ đại dịch có thể đã sẵn sàng để có được nơi ở của riêng họ.

"Chúng tôi tin rằng cả hai thành phố đều có tiềm năng phục hồi trong thời gian tới. NYC và SF vẫn là những thành phố hàng đầu cho những người trẻ thuê nhà", các nhà phân tích của ngân hàng viết. Những phân tích đã nêu cho thấy bất chấp việc xảy ra những thay đổi lớn nào trong mô hình di cư do nguyên nhân đại dịch, thì những hậu quả kinh tế dài hạn trong năm qua có thể không sâu sắc như người ta lo ngại.

Vẫn còn rất nhiều điều cần được xác định. Chẳng hạn, khoảng 4 triệu người đang làm việc hoặc tìm việc làm ít hơn so với trước khi đại dịch xảy ra - nhiều người trong số họ rời thành phố do lo ngại về sức khỏe, do trường học đóng cửa, thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em hoặc những gián đoạn liên tục khác đối với cuộc sống hàng ngày. Vẫn chưa rõ những vấn đề đó sẽ biến mất nhanh như thế nào và những người đó sẽ quay trở lại công việc hoặc săn tìm việc làm nhanh đến đâu.

Việc thường xuyên làm việc tại nhà (WFH) cũng có thể ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của các thành phố lớn, và đặc biệt là số phận của các tòa nhà văn phòng và các doanh nghiệp xung quanh chúng, không phụ thuộc vào việc dân số thường trú có tăng lên hay không. Nghiên cứu mới từ các nhà kinh tế Jose Maria Barrero, Nicholas Bloom và Steven J. Davis cho thấy chi tiêu ở các thành phố có thể bị ảnh hưởng vĩnh viễn từ 5-10%.

Nhưng một phân tích gần đây của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy tỷ lệ làm ăn thua lỗ của các doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với dự đoán. Mức độ vỡ nợ thế chấp và tiền vay không tăng vọt như người ta lo ngại, và tài khoản ngân hàng của gia đình nhìn chung vẫn lành mạnh hoặc thậm chí có tiết kiệm sau khi được rót thêm các khoản cứu trợ của liên bang.

“Khúc dạo đầu"

Chiến dịch tiêm chủng COVID-19 đang diễn ra trên quy mô toàn quốc đã làm dấy lên hy vọng về khả năng “trở lại bình thường” trên diện rộng, ngay cả ở các đô thị đông đúc.

Một báo cáo đầu năm 2021 của trang web bất động sản Zillow kết luận rằng không có lực cản lớn nào đối với thị trường nhà ở đô thị trong năm 2020. Công ty nhận định: “Nhà ở ngoại ô bán nhanh hơn nhà ở nội đô vào cuối năm 2020, nhưng tăng trưởng giá trị nhà, doanh thu bán và lưu lượng truy cập trang web Zillow ở các khu vực nội đô đã bắt kịp hoặc vượt mức các khu vực ngoại ô”.

Nhà kinh tế học Stephan Whitaker của Cục dự trữ Liên bang chi nhánh Cleveland cho rằng tác động của đại dịch ít hơn đối với việc người ta rời khỏi các khu dân cư đông đúc, nhưng lại nhiều hơn đối với những người có ý định chuyển đến đó. Điều này cũng lý giải việc nhiều người trẻ tuổi trì hoãn việc ra đi và tiếp tục chọn sống ở nhà cha mẹ.

Tô Châu (theo WEF)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI