Cũng như các nghệ sĩ Ý chơi violon ở ban-công nhà mình, hay tiếng hát chàng danh ca khiếm thị vang lên từ thành phố chết, những mảng màu đẹp đẽ của hy vọng từ họa sĩ khắp nơi trên thế giới cũng phần nào làm tươi tắn hành tinh u buồn này.
Hội họa đánh thức niềm tin
Khi dịch bệnh đang hoành hành, mỗi bình minh sẽ rên rỉ dường nào nếu không có những tác phẩm nghệ thuật đường phố thời vi-rút corona. Từ khắp các châu lục, nhiều đô thị được tô lại màu bởi những bức tranh tường graffiti sống động với chủ đề COVID-19.
|
Bức tranh ở Warsaw (Ba Lan) |
Nghệ thuật đầy màu sắc của các họa sĩ vô danh mô tả nhân viên y tế như là các chiến binh bảo vệ thế giới ở Warsaw (Ba Lan), nàng Mona Lisa đeo khẩu trang ở Catania (Ý), cả một block chung cư bị bao phủ bởi vi-rút ở Gatchina (Nga), bức tranh với dòng chữ Ả rập “bằng cách chiến đấu với dịch bệnh, chúng tôi bảo vệ con người và bảo tồn trái đất” ở phía nam dải Gaza, cặp đôi hôn nhau qua lớp khẩu trang ở Los Angeles (Mỹ), hay bức tranh trên tường Bệnh viện Papa Giovanni XXIII (Bergamo) vẽ một nữ y tá đang ẵm bồng bản đồ nước Ý như em bé cần được chở che… Tất cả dậy lên sự biết ơn, tình đoàn kết.
Ngay từ đầu đại dịch, khi vi-rút corona chủng mới được ghi nhận chỉ ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nghệ sĩ đầy sáng tạo từ Vũ Hán Weng Chen đã cho thấy những mặt tích cực của COVID-19, đồng thời, tiết lộ tình hình còn tồi tệ hơn tin tức chính thức, qua bộ truyện tranh dưới hình thức những cuộc phỏng vấn giả tưởng từ tâm chấn dịch bệnh.
Nghệ thuật mãi mãi là điều làm sống dậy những rệu rã. Tinh thần của hội họa đang cứu rỗi thế giới với bản chất sống chậm rãi - để vẽ. Tinh thần này lan tỏa không chỉ bên ngoài nước Việt.
Vẽ mầm yêu thương
Câu chuyện của cô giáo dạy vẽ Lâm Thị Hoàng Ching (32 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) như một gợi ý của sự lan tỏa năng lượng tích cực. Cô sắp lại cuộc sống trên bục giảng, ở nhà dạy các hình thức sáng tạo đường nét từ những con số, chữ cái đơn giản cho trẻ hoàn toàn miễn phí trên mạng.
Chuyển sang dạy online tại nhà, thu nhập ít đi nhưng lại giúp nâng đỡ tinh thần không chỉ riêng bản thân, mà cả gia đình các học sinh thân yêu của Ching. Cô còn chuyển năng lượng tích cực đó sang việc giúp ích cho xã hội, điều mà trước đây ít được cô quan tâm. Ching đã tổ chức “bán đấu giá” tranh trong hội phụ huynh của học trò mình.
|
Họa sĩ Ching cùng người mua bức Việt Nam quyết thắng COVID-19 |
Tác phẩm Việt Nam quyết thắng COVID-19 của cô họa sĩ trẻ đã được một bác sĩ mua với giá ba triệu đồng. Toàn bộ số tiền đã được Ching mang đến trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM ủng hộ vào quỹ phòng chống dịch. Một bức tranh khác của cô, Đêm Sài Gòn với giá khởi điểm năm triệu đồng, cũng đã được chốt giá. Không tiết lộ số tiền bao nhiêu, nhưng Ching cho biết sẽ tiếp tục dành tấm lòng cho công tác thiện nguyện. “Sắp tới, tôi sẽ kêu gọi thêm các họa sĩ cùng ủng hộ tranh để bán gây quỹ”, Ching nói với báo Phụ Nữ TP.HCM.
Trương Hồng Nghi (19 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) nhận vẽ icon hoặc chân dung phong cách chibi cho mọi người với giá 20.000 đồng/bức. Đối với các loại chibi phức tạp hơn, Nghi lấy thù lao 100.000-200.000 đồng tùy bức. Nhưng cô bé không nhận tiền mặt. Khách hàng sẽ thanh toán bằng cách nạp thẻ điện thoại cho họa sĩ. Từ số tiền này, Nghi sẽ nhắn tin vào tổng đài ủng hộ quỹ phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ. Tổng số tiền cô bé quyên góp được sau một tuần thực hiện gần hai triệu đồng.
Tương tự mong muốn của Ching, Nghi, cộng đồng mạng Vietnam Art Space (VAS) đã phát động chương trình “Vẽ tranh trong những ngày cách ly của đại dịch COVID-19”, kêu gọi các họa sĩ tham gia nhằm gây quỹ chống dịch. Theo ban quản trị, chỉ trong vòng sáu ngày, đã có gần 200 bức tranh được gửi tới tham gia hoạt động bán đấu giá. Kết quả, 240 triệu đồng là số tiền các họa sĩ ủng hộ từ việc bán tranh.
“Trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống dịch bệnh, bản thân là một công dân Việt Nam, chúng tôi mong muốn được làm một việc gì đó trong khả năng của mình để chung tay với Chính phủ”, họa sĩ Trần Thảo Hiền - người sáng lập VAS với cộng đồng họa sĩ gần 40.000 thành viên - nói.
|
Một bức tranh của của Trần Nam Long, 15 tuổi |
Đặc biệt, trong số các họa sĩ có tranh được bán có họa sĩ nhí Trần Nam Long, 15 tuổi. Được biết, Long là một cậu bé tự kỷ khiếm thính đang sống ở Hà Nội. Tài năng của Long đã được nhiều người trong giới biết đến. Bức tranh của cậu bé vẽ một góc Hà Nội phố nhận được hai yêu cầu mua từ nhà sưu tập. Bức tranh đã được một người giấu tên mua với giá 25 triệu đồng. Em đã gửi tặng 50% số tiền bán tranh. Số còn lại, Long dành để chi phí cho ca phẫu thuật ghép xương sắp tới của mình.
Cuộc sống đang thật khó khăn bởi COVID-19. Một du học sinh lớp Mười trở về từ Mỹ như Phạm Thiệu Bảo cũng không ngoại lệ. Trong thời gian tự cách ly ở nhà, Bảo muốn làm gì đó góp phần nhỏ cùng cả nước trong cuộc chiến này. Sau khi nói chuyện và được cha mẹ ủng hộ, Bảo đã đấu giá hai bức tranh trong bộ sưu tập của gia đình. Hai tác phẩm của họa sĩ Bùi Văn Tuất và Lương Văn Tiến do cậu mua tận xưởng vẽ đã mang lại hơn 55 triệu đồng ủng hộ quỹ chống dịch.
Có lẽ cần nhiều thời gian hơn để các nghệ sĩ có thêm những sớm mai và hoàng hôn lên xuống trên những cảm thức trong thế giới còn nhiều lo âu này. Đó là những âm thanh của cuộc sống, tuy bị gián đoạn, nhưng lại là những bản ngã tưởng chừng đã trôi dạt vào bóng tối. Chúng ta đang “bị nhốt” tại nhà, thấy rõ những niềm vui nhất thời đã qua, nhường chỗ cho những nhu cầu cấp bách hơn. Nghệ thuật và đóng góp của người nghệ sĩ cho công ích bỗng chốc rất tường tận, hiển nhiên hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh thảm khốc hôm nay.
An An