COVID-19: Thấy gì qua triển lãm ảnh “Những gì giá trị”?

06/07/2021 - 15:52

PNO - Trong thời điểm bất ổn do dịch COVID-19, triển lãm “Những gì giá trị” (Things That Count) diễn ra tới hết ngày 7/7 tại không gian nhiếp ảnh Matca (48 Ngọc Hà, Hà Nội) nói với chúng ta nhiều điều hơn 10 giá trị được đề cập (gia đình, an ninh, giới tính, khiếu hài hước, tự do, di sản, sự thân mật, quyền lực, tri thức và đức tin).

Đây là dự án hợp tác nhiếp ảnh trực tuyến trong thời điểm COVID-19 vẫn chưa “hạ nhiệt”, được thực hiện bởi các nhiếp ảnh gia trẻ đến từ Việt Nam và châu Âu, do Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Antwerp (Bỉ) và Không gian Nhiếp ảnh Matca phối hợp tổ chức. Theo thông tin mà ban tổ chức cung cấp, trong vòng 10 tuần (từ tháng Ba tới tháng Năm), họ đã có cuộc trao đổi trực tuyến về những chủ đề thường nhật mà thiết yếu trong xã hội hiện đại.

Các nhiếp ảnh gia trẻ có tác phẩm trưng bày tại triển lãm gồm: Hoàng Minh Trang, Ana Lucía Fernández, Catherine Smet, Nguyễn Vân Nhi, Phạm Hà Huy Anh, Daria Oprean, Eduard Michalko, Nguyễn Minh Hoàng, Kiên Hoàng, Moritz Broszat, Trần Vĩnh Đạt, Robert Sasarman, Cao Nguyễn Huy Hoàng, Sarah Kirchner, Oxiea Villamonte, Nguyễn Thanh Huế.

Một góc triển lãm “Những gì giá trị”.
Một góc triển lãm “Những gì giá trị”

Những thân mật, kết nối

Với đề tài đức tin, tác giả Nguyễn Minh Hoàng gửi tới triển lãm một “lòng tin hoàn hảo” - hình ảnh một người mẹ trẻ đang ôm đứa con đang ngủ một cách bình yên trong lòng.

Khi thực hiện chủ đề này, Hoàng băn khoăn với chính mình: “Không biết từ bao giờ và bằng cách nào mà “đức tin” lại trở thành gắn kết với những học thuyết và lý luận gắn liền với tôn giáo như vậy”.

Cho tới một ngày, anh mới nhận ra đức tin không chỉ nằm ở tôn giáo hay các hệ thống đức tin khác; nó còn nằm trong cuộc sống hàng ngày, thấm đẫm trong ánh nhìn, nhuộm màu cách ta tiếp nhận cuộc sống và định hướng cho hành động của ta. Và những người khác nhau sẽ có những niềm tin khác nhau trong những hệ thống niềm tin cá nhân.

Với Hoàng, “niềm tin nằm ở giá trị của những mối quan hệ mình có với những người mình gặp trên đường đời”. Và nhiếp ảnh, là một phương tiện hữu hiệu “cho thấy những mối liên kết, dù là ngắn ngủi nhất”.

Tác phẩm về đề tài gia đình của Catherine Smet.
Tác phẩm về đề tài gia đình của Catherine Smet

Từ kho lưu trữ cá nhân, Moritz Broszat gửi tới một bức ảnh gia đình mình. Gia đình là một hằng số bất biến. Bố mẹ Broszat ly thân, bản thân Broszat cũng không quá gắn kết với họ. Tuy nhiên, thông qua những cuộc nói chuyện và đối diện với những khó khăn, mất mát, một mối quan hệ mới nảy nở.

Qua bức ảnh của mình, tác giả muốn truyền tải ý nghĩa của sự hòa giải và sự giải thoát trong chính bản thân mình.

Còn Catherine Smet chụp lại một buổi tối thường nhật  của bố mẹ mình. Rất đơn giản và chân thật. “Chúng tôi chung sống trong một căn nhà nội thất ngăn nắp mang tông màu lạnh. Qua thời gian, tôi cảm giác bố và mẹ đã trở thành một. Họ thậm chí còn mặc đồ ngủ giống nhau”.

Catherine Smet viết: “Việc này nói lên nhiều về cách chúng ta chung sống. Chúng ta đều hình thành những thói quen nhỏ nhặt và tôi vô cùng trân trọng chúng vào thời điểm này. Những thói quen thường ngày cho tôi một cấu trúc rõ ràng, điều tôi đang rất cần”.

COVID-19 cũng là dịp để tác giả Nguyễn Văn Nhi nghĩ ngợi và kết nối với di sản và truyền thống, thông qua bức ảnh chụp người bà và cách bày trí nhà cửa của gia đình. Phụ nữ đội nón lá, mặc áo dài hẳn đã quá mang tính biểu tượng khi nói về văn hóa Việt, nhưng với Nhi, lại có phần quá đà.

Bản sắc người Việt, theo anh, còn đến từ những điều thường nhật người ta thường bỏ qua như cách ăn mặc hàng ngày, nội thất, nhà cửa… được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Anh chia sẻ: “Tôi thấy chính bà và cách trang trí nhà cửa thể hiện rõ di sản và con người chúng tôi - mọi thứ đều được giữ gìn cẩn thận, tinh tế nhưng cũng thật nổi bật”.

Trong khuôn mẫu, nảy mầm những gợi mở chân thật 

Kiên Hoàng chụp lại một căn phòng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nơi điều trị cũng như xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ở Hà Nội. “Với tôi, sự an toàn từng là cảm giác quen thuộc khi được trở về nhà, sự thoải mái khi gặp bạn bè hay đơn giản là kiếm được một công việc ổn định để thoát khỏi mọi âu lo về cơm áo gạo tiền. Nhưng rộng hơn, điều gì tạo nên một xã hội an toàn? Trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay, phải chăng, sự an toàn theo một cách nào đó được quyết định trong những căn phòng như thế”, Kiên Hoàng đặt dấu hỏi.

Tác phẩm của Nguyễn Minh Hoàng về chủ đề đức tin.
Tác phẩm của Nguyễn Minh Hoàng về chủ đề đức tin

Eduard Michalko đến từ một thị trấn nhỏ ở Slovakia, nơi mà ở đó người ta thích bêu riếu những người có xu hướng tính dục khác. Michalko gửi tới triển lãm hình ảnh của một cặp quả anh đào. Một cặp đôi vẫn luôn cấu thành bởi hai người, dù đó là nữ với nữ, nam với nam, hay nữ với nam. Chọn quả anh đào - biểu tượng của giới tính, trinh tiết, thậm chí, trong xã hội đương đại, còn là biểu tượng cho cuộc chiến chống lại lạm dụng tình dục, Michalko hy vọng những tồn đọng đó sẽ biến mất.

Trong khi đó, Sarah Kirchner - người quan tâm tới khuôn mẫu giới, tiếp cận chủ đề này từ góc độ của bản thân - một người đồng tính nữ. Cô cho rằng, những nhãn mác như “tomboy”, “butch”, “stud”, “chapstick lesbian”… “thật gò bó và cố hữu”. “Tôi không muốn bị bó buộc trong một cái hộp”, “giới tính có thể là bất cứ điều gì”, Kirchner bày tỏ quan điểm.

Trong vài tháng gần đây, Trần Vĩnh Đạt bị mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng rồi, sau đó, có một khoảnh khắc thay đổi suy nghĩ của anh: sáng sớm vừa thức dậy, bầu trời như sắp sụp đổ, đẹp kinh hoàng.

“Vào thời điểm đó, khi thời gian dường như không còn tồn tại nữa, chỉ có máy ảnh của tôi, bản thân tôi và bài hát Deja vu của Roger Waters, tôi cảm thấy tự do hơn bao giờ hết”. Gửi bức ảnh đó, Đạt để lại một suy nghĩ về tự do: “Để tự do, chúng ta nên trân trọng từng khoảnh khắc trôi qua”.

Tự do trong suy nghĩ của Vĩnh Đạt.
Tự do trong suy nghĩ của Vĩnh Đạt

Thời của ngẫm ngợi

COVID-19 ập xuống, lockdown, giãn cách, người người, nhà nhà lùi về những không gian nhỏ hơn, chẳng hạn như nhà, nhằm đảm bảo an toàn. Bên cạnh những câu chuyện về dịch bệnh, về toàn cầu hóa, về  biến đổi khí hậu… COVID-19 còn là dịp khiến con người ngẫm nghĩ về những giá trị sống quan trọng, thiết thân với mình.

Trong phạm vi bài viết có hạn, những tác giả và tác phẩm được được đề cập chưa đầy đủ. Những điều trong triển lãm “Những gì giá trị” cũng chỉ là những ví dụ giá trị trong rất nhiều giá trị ở xã hội đương đại. Ở đó, cuộc sống muôn hình vạn trạng, và con người, với hệ thống niềm tin, ứng xử… có những quan điểm khác nhau về giá trị. Vì thế, COVID-19, cũng là dịp để thanh lọc, thanh tẩy những khuôn mẫu suy nghĩ đã thành bó buộc, gợi mở những chân trời mới trong tư duy và tiếp nhận về thời ta đang sống.

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI