COVID-19 đã và đang tác động đến gần như mọi mặt trong cuộc sống. Số ca nhiễm không ngừng tăng tại các quốc gia. Hàng chục triệu người mất việc làm, kinh tế suy thoái sâu rộng đã buộc nhiều người suy nghĩ lại hoặc thay đổi thói quen chi tiêu.
Các nhà bán lẻ những mặt hàng thời trang, làm đẹp đã phải gánh chịu rất nhiều hậu quả từ tình trạng suy thoái này. Hầu như các mặt hàng sản xuất cho mùa Xuân - Hè và Thu - Đông năm 2020 không bán được. Lối thoát duy nhất cho họ là tìm hiểu những thói quen mới của khách hàng khi mua sắm quần áo, giày dép, phụ kiện để đáp ứng đúng nhu cầu và không có sản phẩm thừa, nhằm đảm bảo việc thu hồi vốn.
Dưới đây là 5 thay đổi mà ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp đang nắm giữ, theo dự đoán của tờ Washington Post.
1. Sản phẩm dành cho mắt, dưỡng da bán chạy không ngừng
Tại Mỹ, doanh số các món đồ trang điểm dành cho mắt tăng vọt vì COVID-19. Thật ra điều này khá dễ hiểu, bởi mọi người ra đường hiện nay đều phải kè kè chiếc khẩu trang đeo trên mặt và đứng cách nhau từ 1,5-2m. Vậy nên, cách duy nhất để tạo điểm khác biệt chính là trrang điểm cho đôi mắt trở nên ấn tượng với người xung quanh.
Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, doanh số lông mi giả đã tăng 15% chỉ riêng trong tháng Năm khi các doanh nghiệp nhiều nơi tại Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại. Mascara tăng 11% so với cùng kỳ, trong khi chì kẻ mày tăng 5%. Ngược lại, doanh thu các sản phẩm từ son giảm 5%, bởi không ai muốn một đôi môi nhòe son sau lớp khẩu trang.
Đây là con số khả quan so với tháng Ba và tháng Tư khi hầu hết mọi người đều ở trạng thái cách ly xã hội. Trong khoảng thời gian này, người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ việc dùng mỹ phẩm trang điểm sang các sản phẩm chăm sóc da như tẩy tế bào chết, kem dưỡng da... Xà phòng cao cấp, tán hương, tinh dầu xông hay các sản phẩm nhuộm màu cho tóc cũng tăng đáng kể.
2. Tạm biệt những đôi giày cao gót và giày Tây
Nhiều năm nay, doanh thu từ những đôi giày cao gót, giày Tây (dress shoes)… giảm mạnh. COVID-19 càng khiến người dùng bỏ quên chúng. Trong tháng Ba và tháng Tư, cao điểm của dịch bệnh, doanh thu giày cao gót và giày Tây giảm đến 70%.
Tất nhiên, các hãng sản xuất giày đều kỳ vọng một ngày nào đó, tình yêu của phái đẹp đối với những đôi giày này sẽ trở lại. Tuy nhiên, có một thực tế là phụ nữ ngày nay không còn quá phụ thuộc vào những đôi giày cao gót. Thay vào đó, họ thích những đôi giày lười thư giãn thoải mái, những đôi boots lông thú đế bằng (ugg shoes) ấm áp, mềm mại hoặc những đôi giày/dép xốp (crocs) tiện dụng.
Và có vẻ như xu hướng này vẫn tiếp tục được ưa chuộng ngay cả khi tình trạng cách ly xã hội đã kết thúc. Các nhà sản xuất giày nhận ra điều này và nhanh chóng điều chỉnh để tạo ra những đôi giày có gót dày và rộng hơn, đế lót cũng êm ái hơn. Với các đôi giày nam, họ chú trọng tạo ra những điểm nhấn ấn tượng để đôi giày mang đến sự ổn định và thoải mái cho người mang.
3. Thời trang cơ bản trở thành ưu tiên hàng đầu
Các trung tâm thương mại, những cửa hàng thời trang đã mở cửa trở lại. Nhưng bạn đừng hy vọng sẽ chứng kiến những giá treo đầy quần áo theo mùa. Với túi tiền đang siết chặt, cả người tiêu dùng và nhà bán lẻ đều cân nhắc, tính toán rất kỹ những gì họ mua vào hoặc bán ra. Đa phần các sản phẩm thời trang được chọn đều là sản phẩm cơ bản, có thể kết hợp với các loại trang phục khác và có màu trung tính (đi làm cũng được, đi chơi với bạn bè cũng hợp).
Áo phông trơn, quần jeans kiểu cổ điển, quần khaki màu be được các nhà bán lẻ đua nhau tích trữ. Morris Goldfarb - Giám đốc điều hành Tập đoàn may mặc G-III, sở hữu các thương hiệu như DKNY, Bass - khẳng định: “Yếu tố thời trang không còn quan trọng trong năm nay”. Nhận định của Goldfarb hoàn toàn có cơ sở khi các mặt hàng bán chạy nhất tại American Eagle đều là những sản phẩm cơ bản, có thể mặc trong mọi hoàn cảnh như quần jeans, quần chạy bộ hay quần leggings.
Thương hiệu đồ lót trực tuyến ThirdLove cũng đã đẩy các mặt hàng áo lót ren, sản phẩm theo mùa qua năm 2021 để tập trung cho các sản phẩm cơ bản.“Thay đổi lớn nhất đối với ngành thời trang trong thời gian tới chính là việc khách hàng sẽ chọn mua những thứ có giá trị thật sự” - ông Marshal Cohen, một nhà phân tích chia sẻ. “Suy thoái kinh tế đồng nghĩa túi tiền của người dùng không còn rủng rỉnh nữa. Vậy nên họ sẽ mua ít hơn và tập trung vào những món thiết yếu”, ông Marshal Cohen nói.
4. Váy ngắn được ưa chuộng
Theo lý thuyết gấu váy cho thị trường (Hemline Theory) được nhà kinh tế học Goerge Taylor trình bày, váy ngắn có xu hướng xuất hiện trong thời điểm niềm tin và sự phấn khích của người tiêu dùng tăng cao, váy dài sẽ được ưa chuộng trong thời điểm người ta e ngại và mọi thứ xung quanh đang u ám, ám chỉ kinh tế suy thoái.
Nhưng với lần đại suy thoái vì COVID-19, các nhà phân tích cho rằng, thời trang đang đi ngược lại lý thuyết này. Người dùng có xu hướng tránh xa các thể loại váy maxi, váy dài qua mắt cá chân. Theo Cohen, khi kinh tế trì trệ, nhà bán lẻ phải trưng ra những mặt hàng mới mẻ hơn, nhằm mang lại sự lạc quan, phấn khởi hơn. Và những chiếc váy ngắn sẽ giúp tâm trạng người dùng trở nên tốt hơn.
5. Trang phục thông dụng lên ngôi
Những chiếc blazer tay ngắn, áo hoodies kết hợp cùng quần thể thao sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của phần lớn nam giới trong thời gian tới thay cho những chiếc áo khoác cầu kỳ hay cravate.
“Mọi thứ đều có thể dễ dàng kết hợp với nhau, sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Sẽ hoàn toàn ổn khi người ta mặc những món đồ tương tự nhau hết lần này đến lần khác. Áp lực về tài chính, về những người xung quanh không còn nữa. Công việc sẽ được tập trung hơn” - Dawnn Karen, nhà tâm lý học thời trang và tư vấn thương hiệu - cho biết.
Thư Hiên