COVID-19 tăng nguy cơ bùng phát dịch sởi trên toàn cầu

11/11/2021 - 19:20

PNO - Nguy cơ bùng phát dịch sởi ngày càng tăng khi 22 triệu trẻ sơ sinh đã bị bỏ lỡ liều vắc xin đầu tiên.

 

Một nhân viên y tế tiêm vắc xin sởi và rubella (MR) vào cánh tay của một học sinh tại bệnh viện .
Một nhân viên y tế tiêm vắc xin sởi và rubella (MR) cho các em nhỏ

Theo một tuyên bố chung hôm 10/11 từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có hơn 22 triệu trẻ sơ sinh trên toàn cầu đã không được tiêm liều vắc xin sởi đầu tiên vào năm 2020.

Hai phần ba số trẻ em chưa tiêm vắc xin sởi phần lớn ở 10 quốc gia: Nigeria, Ấn Độ, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Indonesia, Pakistan, Angola, Philippines, Brazil và Afghanistan.

Ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, tâm lý chống lại vắc xin đã dẫn đến bùng phát dịch ở một số nước. Ví dụ, vào năm 2019, Mỹ chứng kiến ​​số ca mắc bệnh sởi cao nhất kể từ năm 1992.

Theo WHO và CDC, bệnh sởi dễ lây lan nhất trên thế giới nhưng nó hầu như có thể phòng ngừa thông qua tiêm hai liều vắc xin.

Trên toàn cầu vào năm 2019, 19 triệu trẻ sơ sinh bỏ lỡ liều đầu tiên; năm 2020, con số này tăng lên 22 triệu. Sự gia tăng này một phần là do đại dịch COVID-19 khiến cho việc tiêm vắc xin sởi bị xem nhẹ.

Theo báo cáo, chỉ 70% trẻ em được tiêm liều thứ 2 vào năm 2020, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng 95% cần thiết để bảo vệ cộng đồng.

Số ca mắc bệnh sởi thực sự giảm vào năm 2020 xuống còn 7,5 triệu, nhưng theo tiến sĩ Kate O'Brien, giám đốc bộ phận tiêm chủng, vắc xin và sinh phẩm của WHO: "Quan trọng là các quốc gia phải tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 càng nhanh càng tốt, nhưng điều này đòi hỏi các nguồn lực mới để nó không phải trả giá đắt cho các chương trình tiêm chủng thiết yếu khác".

"Việc chủng ngừa định kỳ phải được bảo vệ và tăng cường; nếu không, chúng ta có nguy cơ đánh đổi căn bệnh chết người này bằng căn bệnh khác", tiến sĩ Kate O'Brien cảnh báo.

Thảo Nguyễn (theo ABC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI