COVID-19 tấn công rừng Amazon và hiện thực kinh hoàng

12/10/2020 - 08:28

PNO - Ở ngoại ô thành phố Manaus (Brazil) và cũng là trái tim của khu rừng nhiệt đới Amazon, có một khu nghĩa trang khổng lồ mang tên Parque Tarumã cùng những dấu vết cho biết nó chỉ mới được lập nên chưa lâu chính là lời nhắc nhở rợn người cho bất cứ ai dám xem thường COVID-19.

Hiện thực kinh hoàng

Vào ngày 10/4, một cư dân tử vong vì COVID-19 đã trở thành người đầu tiên được mai táng ở nghĩa trang này. Chỉ 3 ngày sau đó, có thêm 102 thi thể nữa được mang đến. Và đến ngày 16/4, con số người chết được chôn cất ở đây đã tăng vọt lên gấp đôi, 250.

Khu nghĩa trang Parque Tarumã mới lập nên nhưng đã bị lấp đầy bởi hàng ngàn ngôi mộ người chết do COVID-19 - Ảnh: Michael Dantas/AFP via Getty Images
Khu nghĩa trang Parque Tarumã mới lập nên nhưng đã bị lấp đầy bởi hàng ngàn ngôi mộ người chết do COVID-19 - Ảnh: Michael Dantas/AFP/Getty Images

Cả một diện tích rộng lớn của khu nghĩa địa mới hình thành đã nhanh chóng bị lấp đầy bởi những chiếc quan tài và những cây thánh giá bằng gỗ màu xanh như thể để đánh dấu chủ quyền rằng, đây là "vương quốc của coronavirus".

Ngày 20/4, có 524 thi thể đã nằm sâu dưới lớp đất nâu xốp. Ngày 5/5, con số chạm mốc 1.018. Và đến bây giờ thì đã có tổng cộng gần 3.000 người nằm mãi mãi ở khu nghĩa địa này.

“Tôi đã hành nghề mai táng được 16 năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến những gì khủng khiếp như vậy”, quản trang tên là Xavier cho biết. Ngoài ra, ông kể rằng đã từng phải đào huyệt chôn hơn 100 người chết vì coronavirus chỉ trong một ngày. “Đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh và thậm chí thường xuyên gặp ác mộng”.

Hầu hết các cơ sở mai táng đều thông báo họ đã hết sạch gỗ để đóng áo quan mới và nhiều gia đình phải tự tay đào huyệt chôn người thân vì nhân viên mai táng làm việc không xuể.

Ông Ulisses Xavier, người đã đào và chôn cất hơn 100 ngôi mộ chỉ trong một ngày, giờ đang ở trong trạng thái chấn thương tâm lý vì ám ảnh - Ảnh: Telegraph
Ông Xavier, người đã chôn cất hơn 100 người chết chỉ trong một ngày, hiện đang ở trong trạng thái chấn thương tâm lý - Ảnh: Telegraph

Là thành phố với 2,2 triệu dân ở khu rừng nhiệt đới Amazon chạy dọc con sông nước đen lớn nhất thế giới Negro, Manaus tưởng như nằm ngoài tầm với của COVID-19. Thế nhưng giờ đây, 2/3 dân số ở đây đã “dính” dịch.

Theo số liệu của chính quyền địa phương, có 54.292 ca xác nhận dương tính và 2.662 ca tử vong ở Manaus. Thế nhưng người ta tin rằng, con số thực tế còn cao hơn nhiều với tỷ lệ gấp 5 lần cho trường hợp xét nghiệm dương tính và gấp 2 lần cho số ca tử vong.

Sự chủ quan phải trả giá đắt

Vào cuối tháng Hai, khi 1.000 ca mắc COVID-19 đầu tiên bên ngoài Trung Quốc được công bố thì ở thành phố này, người ta đang tưng bừng tham gia các lễ hội cộng đồng náo nhiệt suốt ngày đêm.

“Người dân bản địa ở đây tin rằng, khí hậu và địa hình biệt lập sẽ giúp Manaus trở thành một nơi bất khả xâm phạm đối với COVID-19”, Lucas Ferante, khoa học gia thuộc Viện nghiên cứu quốc gia Amazonia cho biết. “Và kể cả khi chính quyền chứng kiến sự lây lan tàn khốc của coronavirus ở khắp nơi trên thế giới thì họ vẫn hầu như không có sẵn bất cứ phương án phòng ngừa nào”.

Rồi cái gì đến đã đến. Khi người dân vẫn đang say sưa với những điệu samba sôi động trên đường phố và chen chúc trong các quán bar với suy nghĩ rằng, dịch bệnh vẫn đang ở đâu đó cách xa vạn dặm thì coronavirus đã chính thức đặt chân vào vùng đất của họ.

Ngày 13/3, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở Manaus là một người phụ nữ vừa trở về từ Anh. Ngày 16/3, chính quyền địa phương ra lệnh đóng cửa trường học, quán bar, nhà hàng. Thế nhưng đã quá muộn. Những ngày tiếp theo, số bệnh nhân đến các phòng khám và cơ sở y tế tăng lên đột biến cùng triệu chứng giống nhau: ho và sốt.

Một bác sĩ cho biết, cô đã làm việc liên tục trong nhiều ngày không nghỉ vì có quá nhiều ca mắc COVID-19 cần xử lý - Ảnh: Telegraph
Một bác sĩ địa phương cho biết, cô đã làm việc liên tục trong nhiều ngày không nghỉ vì có quá nhiều ca mắc COVID-19 cần xử lý - Ảnh: Telegraph

Các biện pháp phòng chống dịch sau đó hầu như không còn tác dụng. Hệ thống y tế quá tải, và chính thức vỡ trận vào đầu tháng 4. Thiếu các phương án phòng chống dịch, hệ thống y tế yếu kém, cùng tập tục sống chung nhiều thế hệ trong một gia đình của cư dân ở đây đã biến thành phố Manaus trở thành một “bữa tiệc ngon” của coronavirus.

Thổ dân sống trong rừng sâu cũng không thoát khỏi COVID-19

Không chỉ thị dân mà ngay cả những cộng đồng thổ dân sống biệt lập ở những nơi hẻo lánh nhất của rừng nhiệt đới Amazon cũng chịu chung số phận, dù để đến được nơi họ ở thì phải đi mất nhiều ngày bằng thuyền nhỏ.

“Những người thổ dân đáng lẽ ra không phải là đối tượng của COVID-19. Thế nhưng, chính sự tắc trách của chính quyền địa phương đã đẩy những cộng đồng dân tộc thiểu số vốn sắp bị tuyệt chủng trở thành nạn nhân của dịch bệnh”, cô Vanda Ortega, một y tá địa phương nói.

Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 thì đã có 66% người ở các cộng đồng thổ dân bị nhiễm COVID-19.

Thổ dân ở sâu trong rừng nhiệt đới Amazon cũng không thoát khỏi sự tấn công của coronavirus - Ảnh: Telegraph
Thổ dân ở sâu trong rừng nhiệt đới Amazon cũng không thoát khỏi sự tấn công của coronavirus - Ảnh: Telegraph

“Chúng tôi thật sự lo sợ bởi không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày hôm sau”, một người thổ dân cho biết. “Có thể hôm nay chúng tôi còn sống. Nhưng ngày mai thì không chắc”.

Phía xa ở ngoài kia, từng hàng người dài cùng những chiếc quan tài vẫn đang đổ về khu nghĩa địa Parque Tarumã dù trời đang sập tối.

Nguyễn Thuận (theo Telegraph, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI