COVID-19, phép thử khó cho nền kinh tế đứng thứ hai thế giới

24/02/2020 - 07:22

PNO - Biến cố COVID-19 có thể làm chậm đáng kể quá trình Trung Quốc vượt qua quy mô của nền kinh tế Mỹ trong vòng một thập niên.

Khi số người nhiễm và tử vong do COVID-19 ngày càng gia tăng, các nhà kinh tế và chuyên gia toàn cầu dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm một nửa trong sáu tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, vẫn luôn có những hướng đi lạc quan cho Bắc Kinh.

Với tầm nhìn của Sáng kiến “Made in China 2025”, Trung Quốc - nền kinh tế trị giá 15.000 tỷ USD và đóng góp 30% cho tăng trưởng toàn cầu - đang nhanh chóng chuyển dịch sang các ngành công nghiệp tương lai và có thể vượt qua quy mô của nền kinh tế Mỹ trong vòng một thập niên. Dù vậy, biến cố COVID-19 có thể làm chậm đáng kể quá trình này.

Vượt qua sợ hãi để tìm kiếm sức mạnh thật sự

Nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc gắn liền với lợi ích nền kinh tế toàn cầu, bởi thị trường thế giới ngày nay phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn so với khi Trung Quốc bị ảnh hưởng tương tự bởi dịch SARS năm 2002-2003. Dễ thấy là, các nước có liên kết kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức, từ thiếu hụt hàng hóa nhập khẩu đến sụt giảm doanh thu du lịch từ du khách Trung Quốc.

Nhân viên sắp xếp các cuộn vải không dệt tại xưởng của một công ty ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhiều nhà máy chuyển sang sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu chống dịch COVID-19 - Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhân viên sắp xếp các cuộn vải không dệt tại xưởng của một công ty ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhiều nhà máy chuyển sang sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu chống dịch COVID-19 - Ảnh: Tân Hoa Xã

 

Đối với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, tác động đang dần lộ rõ. Trong quý I/2020, do lượng khách du lịch Trung Quốc giảm mạnh, Nhật Bản có thể tổn thất 1,29 tỷ USD doanh thu du lịch, tiếp theo là Thái Lan với 1,15 tỷ USD. Tại Ấn Độ, ngành xây dựng, ô tô, hóa chất dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. 

Trong nước, Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào hệ thống tài chính, đưa ra kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất và nới lỏng quản lý trong một gói biện pháp phản ứng khẩn cấp trước nguy cơ suy thoái kinh tế. Nhưng thách thức COVID-19 mà Trung Quốc đối mặt lần này chắc chắn là một bài toán khó, khi hàng triệu công nhân vẫn đang bị cách ly và các nhà máy đã phải đóng cửa trong nhiều tuần. 
Bắc Kinh đã phê duyệt một chiến lược toàn diện nhằm cố gắng kiểm soát sự bùng phát của vi-rút Corona chủng mới. Chúng bao gồm khởi động lại không chỉ việc sản xuất bất cứ khi nào có thể, mà cả các dự án xây dựng lớn. Các doanh nghiệp nhà nước được khuyến nghị giảm tiền thuê cơ sở vật chất, trong khi các ngân hàng được lệnh giữ lãi suất ở mức thấp. Nhưng không có biện pháp nào được công bố cho đến nay có thể bù đắp sự sụt giảm đột ngột trong chi tiêu của người tiêu dùng và sự gián đoạn hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

Công ty phân tích tài chính Dun and Bradstreet (Mỹ) tuyên bố rằng, nếu vi-rút chưa được kiểm soát vào mùa hè năm 2020, 3% trong mức dự báo tăng trưởng 6,1% của Trung Quốc vào năm 2020 có thể mất đi, ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu gần 1%. Ngược lại, các tổ chức phân tích tài chính như ANZ, Citi group Economist Intelligence Unit, UBS và Macquarie kỳ vọng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 5,4% đến 5,8% trong năm nay. 

Cần sự phối hợp toàn cầu

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus - kêu gọi quốc tế hỗ trợ Trung Quốc, sử dụng thời gian mà các y bác sĩ ở tuyến đầu cố gắng kìm hãm dịch bệnh để tăng cường sự chuẩn bị, cũng như đẩy lùi “ô nhiễm thông tin”, vì tin tức giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả vi-rút. Theo ông Tedros, thế giới cần cách tiếp cận toàn cầu thống nhất và phối hợp để giải quyết dịch bệnh COVID-19.

Cuối cùng, khi xem xét tác động hội nhập của Trung Quốc với nền kinh tế thế giới, rõ ràng, quốc gia này sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư trong tương lai. Nhưng trước mắt, Trung Quốc phải sớm khôi phục niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách du lịch. Ngoài ra, Bắc Kinh cần xây dựng các biện pháp tài chính đầy đủ cho nền kinh tế nhằm cân bằng với các rủi ro thương mại và xã hội. Về lâu dài, Trung Quốc phải trấn an các đối tác toàn cầu rằng, sự hồi phục của nền kinh tế thứ hai thế giới là điều chắc chắn, và đó là những gì mà mọi quốc gia đều mong đợi. 

Tấn Vĩ (theo Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI