COVID-19: Những người phơi mình nơi tuyến đầu

29/02/2020 - 15:20

PNO - Dù kịch bản dịch bệnh tới đây có thể diễn biến như thế nào thì thành trì về niềm tin chống được dịch đã hình thành. Có niềm tin thì không sợ nữa.

Bạn tôi, những trung niên đã nhiều năm định cư ở nước ngoài thường vẫn “sống online” mỗi ngày, nhưng bằng cách nào đó, họ luôn tin vào những thông tin tiêu cực và đặt dấu chấm hỏi cho thành quả chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong cuộc huy động tổng lực vừa qua. Họ nói, truyền thông có thể thuyết phục ai khi mà một quốc gia có chung đường biên giới dài với quốc gia nguồn dịch, đồng bào cư trú ở nhiều thôn sát biên, lao động tự do qua lại biên giới đông và thương mại du lịch phát triển như Việt Nam.

Nhưng trải qua những ngày tháng nín thở vì cơn dịch bệnh, có vẻ chúng ta đã tường tận hiệu quả của tư duy khoa học, thực tiễn và văn minh. Cầu nguyện không tránh được dịch. Lạc quan tếu cũng không bảo vệ bạn và gia đình khỏi nguy cơ nhiễm virus. Giữ cự ly an toàn không phải là kì thị. Chỉ có một sự thật là chúng ta được bình yên trốn dịch trong nhà của mình, tức là đã có nhiều người phải phơi mình ra tuyến đầu rồi. Một xã hội có sức mạnh là xã hội còn tồn tại tinh thần cống hiến.

Trẻ em ở biên giới lần đầu tiên thấy chú bộ đội biên phòng phát khẩu trang
Trẻ em ở biên giới được bộ đội biên phòng phát khẩu trang

Đi dọc tuyến biên giới Việt - Trung tháng 2/2020, tôi nếm trải mưa rét và khí xuân ẩm ướt, ảm đạm chưa từng có trong vòng nhiều năm qua. Bộ đội Biên phòng đóng chốt dọc đường biên có một cách chống rét hiệu quả là đốt những đống lửa suốt ngày đêm quanh căn lều dã chiến của họ. Vùng biên giới nóng bỏng cuộc chiến tổng lực, chống dịch chỉ để giữ thân nhiệt được bình thường. Ứng phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống họ đã từng được diễn tập, nhưng lần đầu tiên diễn ra trên thực địa lại gay gắt và quyết liệt mức cao.

Mới vừa qua tháng Giêng âm lịch, nhưng mưa rào đổ nước sầm sập xuống biên giới, một hình thái thời tiết cũng “phi truyền thống”. Theo sau những chỉ huy đồn đi thị sát các chốt chống dịch, tôi đã chứng kiến tận mắt những đêm ăn lán, ngủ rừng của những người lính. Có những lúc binh sĩ nhìn thấy chỉ huy của họ mà không thể giơ tay chào, vì hai tay đã phải giữ chặt cột lều, sợ mưa gió quá, căn lều bị cuốn luôn xuống dưới sông biên giới.

Trên rừng đá trùng điệp của miền Hà Giang, Cao Bằng, ban đêm sơn lam, chướng khí từ núi cao tỏa xuống buốt và khét. Sương đêm đọng thành giọt nhỏ tong tong bên ngoài cửa lều, giá rét phủ lên khắp vùng biên tái. Ở trong tình thế đó, trái tim những người cha mới thật ấm áp. Họ hứng những giọt sóng hiếm hoi để gọi điện về gia đình. Tiếng trẻ thơ nô đùa trong những căn phòng ấm áp ở hậu phương lọt qua loa điện thoại giúp biên thùy bớt quạnh hiu. Kết thúc cuộc gọi bao giờ cũng là lời hứa: “Bao giờ hết dịch, bố về thăm con nhé!”.

Lính biên phòng canh gác chốt dã chiến bên sông Ka Long 24/24g
Lính biên phòng canh gác chốt dã chiến bên sông Ka Long 24/24g

Vậy mà, trong thời gian sớm nhất, nhanh chóng nhất có thể, 386 chốt chặn dã chiến, thường trực 2400 cán bộ biên phòng dàn hàng ngang trên biên giới chống xuất nhập cảnh trái phép đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Quân và dân thực hiện nghiêm túc quy chế biên giới, không “đi ngang, về tắt”, nghiêm túc qua cửa khẩu và vào khu cách ly tập trung. Đường lây bị cắt đứt theo phương án chống dịch nhiều lớp.

Phát biểu mới đây của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thật thấu đáo khi nhận định dù kịch bản dịch bệnh tới đây có thể diễn biến như thế nào thì thành trì về niềm tin chống được dịch đã hình thành. Có niềm tin thì không sợ nữa.

Nhưng cuộc chiến của người lính chưa dừng lại. Hàng rào người chống dịch cần làm dày thêm. Mỗi người dân là một mắt xích phên giậu. Bộ đội Biên phòng không quên nhiệm vụ thường trực của mình. Đồng bào ta ở biên giới chưa bao giờ đối mặt với dịch bệnh quy mô lớn, chưa đeo khẩu trang bao giờ. Cán bộ biên phòng đến tận nhà, hướng dẫn cụ thể về cự ly tiếp xúc an toàn, ý nghĩa về sự bình yên lâu dài của cả cộng đồng, làng bản. Để không chỉ bộ đội chống dịch, mà người dân cũng đáp ứng tốt.

Qua khỏi những ngày căng thẳng gồng mình, biên giới đã bắt đầu nắng lên. Các phương án an toàn để hồi phục lại nhịp đập giao thương biên mậu đã bắt đầu được tính đến. Các cửa khẩu và cảng biển vừa phải an toàn, thân thiện nhưng vẫn phải chống dịch nhiều lớp là bài toán khó mà năng lực của lực lượng biên phòng đóng vai trò quyết định. Và khi, có những người nhiệm vụ chồng lên nhiệm vụ, khó khăn chưa rời tay thì vẫn còn đó những con mắt quan sát khắt khe, thiên lệch, chưa thể lay động dù biên giới đã trải qua nhiều đêm mưa trái mùa.

Và rồi niềm tin cũng là một loại đề kháng, dù còn khó khăn gian khổ, nhưng đề kháng đã có.

Trương Thúy Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI