COVID-19 làm thay đổi cuộc sống người Mỹ

13/04/2020 - 10:32

PNO - Giữa đại dịch COVID-19, cuộc sống của hầu hết người Mỹ đã thay đổi...

Mỹ vượt qua Ý để trở thành quốc gia có nhiều ca tử vong do COVID-19 nhất thế giới. Theo quy mô tổng dân số, tỷ lệ tử vong do vi-rút tại Mỹ vẫn chỉ bằng khoảng 1/6 tại Ý hoặc Tây Ban Nha. Tính đến sáng 12/4, hơn 20.600 người ở Mỹ đã chết do biến chứng từ COVID-19. Một mô hình dự báo hàng đầu của Đại học Washington tiên lượng, có khoảng 60.000 ca tử vong ở nước này trong đại dịch.

Tiến sĩ Deborah Birx thuộc Lực lượng đặc nhiệm Nhà Trắng cho biết hôm 10/4 rằng, Mỹ chưa đạt đến mức tồi tệ nhất của dịch bệnh. Giữa tình hình đó, cuộc sống của hầu hết người Mỹ đã thay đổi, từ cách mọi người làm việc đến số lượng người đặt hàng thức ăn mang đi, cho đến sự gia tăng của các dịch vụ tôn giáo trực tuyến. Dù vậy, có sự phân chia giai cấp đáng ngạc nhiên trong cách người Mỹ đón nhận những tác động lên cuộc sống của họ. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, người có trình độ học vấn hoặc thu nhập càng cao, càng có nhiều khả năng nhìn nhận cuộc sống và công việc thay đổi vì COVID-19.

Nhân viên cửa hàng ở Los Angeles, bang California, Mỹ vẫn tiếp tục làm việc giữa lúc dịch bệnh gia tăng - Ảnh: Reuters
Nhân viên cửa hàng ở Los Angeles, bang California, Mỹ vẫn tiếp tục làm việc giữa lúc dịch bệnh gia tăng - Ảnh: Reuters

Từ ngày 19-24/3, Trung tâm Nghiên cứu Pew Research đã khảo sát 11.537 người Mỹ trưởng thành xem thói quen sinh hoạt hằng ngày của họ đã thay đổi như thế nào do dịch bệnh. Kết quả cho thấy, gần 9/10 người Mỹ tin rằng cuộc sống của họ đã thay đổi; 44% người Mỹ cho biết cuộc sống của họ đã thay đổi “đáng kể”; 44% cho rằng thay đổi một chút và chỉ có 12% cho biết cuộc sống của họ vẫn như cũ. Nhóm có thu nhập và có trình độ học vấn cao hơn có nhiều khả năng nói rằng cuộc sống của họ thay đổi lớn và phải thích nghi chế độ làm việc tại nhà do đại dịch.

Theo trang Business Insider, một viễn cảnh có thể thay đổi cuộc sống tại Mỹ là một khi đại dịch kết thúc, nhiều người vẫn quen làm việc lâu dài tại nhà. Một số ngành nghề có yêu cầu giáo dục cao hơn so với những ngành nghề khác - chẳng hạn như giảng viên, luật sư, tư vấn y tế - sẽ dễ làm việc tại nhà. Các công việc thường chỉ cần bằng tốt nghiệp trung học hoặc không có yêu cầu giáo dục cụ thể, bao gồm quản lý cửa hàng, đầu bếp, nhân viên chuẩn bị thực phẩm, nhân viên bán hàng và nhân viên thu ngân vẫn duy trì hoạt động trên tuyến đầu chống dịch.

Một ví dụ điển hình là gia đình của Trina Greene Brown - nhà vận động xã hội ngoài 40 tuổi, đang sinh sống ở miền Nam California với chồng, con trai và con gái riêng của chồng. Khi dịch bệnh gia tăng, Trina quyết định ở nhà phụ trách vấn đề nội trợ, còn chồng chị - nhân viên xuất nhập kho của siêu thị - vẫn tiếp tục làm việc mỗi ngày dù điều đó có thể khiến anh nhiễm bệnh. Cô con gái - vốn là nhân viên bệnh viện ở tuyến đầu chống dịch - đã quay về nhà mẹ ruột và Trina đang băn khoăn liệu có nên đề nghị con gái quay về hoặc tiếp tục cho cậu con trai đến chơi ở nhà ông bà ngoại như thường lệ hay không, bởi mỗi quyết định, hành động đều có thể ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống của nhiều người khác. 

Hiện tại, Trina đang cố gắng tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng một cách nghiêm ngặt nhất có thể, nhưng chị luôn trăn trở về cách chào đón con gái trở lại với vòng tay rộng mở: “Nếu con bé muốn về nhà, chúng tôi phải làm gì để đảm bảo mọi thứ an toàn nhất có thể?”. 

Ngọc Hạ (theo USA Today, The Nation, BI)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI