COVID-19 làm sự phát triển con người bị thụt lùi 5 năm

08/09/2022 - 16:21

PNO - Ngày 8/9, Liên Hiệp Quốc cho biết một loạt các cuộc khủng hoảng chưa từng có, mà chủ yếu là đại dịch COVID-19 đã khiến sự tiến bộ của nhân loại lùi lại 5 năm đồng thời thúc đẩy làn sóng bất ổn trên toàn cầu.

 

Báo cáo mô tả cách biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa và phân cực chính trị dẫn đến cảm giác bất an gia tăng. ẢNH: AFP
Báo cáo cũng mô tả cách biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa và phân cực chính trị dẫn đến cảm giác bất an gia tăng - Ảnh: AFP

Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), lần đầu tiên kể từ khi được thành lập cách đây hơn 30 năm, Chỉ số phát triển con người - thước đo về kỳ vọng cuộc sống, trình độ học vấn và mức sống của các quốc gia - đã giảm trong 2 năm liên tiếp (năm 2020 và 2021).

"Điều đó có nghĩa là chúng ta chết sớm hơn, được giáo dục kém hơn, thu nhập của chúng ta đang đi xuống", Giám đốc UNDP Achim Steiner cho biết.

"Chỉ cần dưới 3 thông số đó, bạn có thể hiểu tại sao rất nhiều người bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng, thất vọng, lo lắng về tương lai" - ông nói thêm.

Theo UNDP, Chỉ số phát triển con người đã tăng đều đặn trong nhiều thập niên, nhưng bắt đầu giảm vào năm 2020 và tiếp tục giảm vào năm 2021. Mức giảm của 2 năm này đã xóa bỏ mức tăng của 5 năm trước đó.

Báo cáo chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 là tác động chính của sự đảo ngược toàn cầu. Bên cạnh đó cũng có các cuộc khủng hoảng liên quan đến chính trị, tài chính và khí hậu khiến cho tình trạng tồi tệ hơn.

Theo nghiên cứu, sự thất bại này thực sự mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến hơn 90% quốc gia trên thế giới. Và trong khi một số quốc gia đã bắt đầu phục hồi sau đại dịch, thì nhiều quốc gia khác ở Mỹ Latinh, châu Phi cận Sahara, Nam Á và Caribe vẫn chưa thấy sự chuyển biến nào.

"Không nghi ngờ gì nữa, triển vọng cho năm 2022 là rất tồi tệ. Chúng ta thật sự đang gặp thảm họa" - ông Steiner nói.

Một yếu tố "đóng góp lớn vào sự sụt giảm gần đây của Chỉ số phát triển con người" là sự sụt giảm tuổi thọ trên toàn cầu. Nếu năm 2019 tuổi thọ trung bình là từ 73 tuổi thì vào năm 2021 xuống 71,4 tuổi.

Tác giả chính của báo cáo, ông Pedro Conceicao, mô tả sự sụt giảm này là một "cú sốc chưa từng có". Thậm chí, ông lưu ý có một số quốc gia - bao gồm cả Mỹ - đã giảm tuổi thọ từ hai năm trở lên.

Cuối cùng, UNDP cũng đưa ra một số giải pháp có thể cải thiện tình hình như cách tập trung vào ba lĩnh vực chính: đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai, tăng cường năng lực đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Thảo Nguyễn (theo AFP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI