COVID-19 làm giảm tuổi thọ trung bình toàn cầu 1,6 năm

13/03/2024 - 21:00

PNO - Hôm 13/3, một nghiên cứu lớn của Mỹ cho thấy COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới giảm đến 1,6 năm.

Các nhà nghiên cứu ước tính, COVID là nguyên nhân gây ra hơn 15,9 triệu ca tử vong trong giai đoạn 2020-2021, trực tiếp do vi rút hoặc gián tiếp do sự gián đoạn liên quan đến đại dịch.  Đó là số ca tử vong vượt quá một triệu so với ước tính trước đây của Tổ chức Y tế Thế giới.
Các nhà nghiên cứu ước tính, COVID-19 là nguyên nhân gây ra hơn 15,9 triệu ca tử vong trong giai đoạn 2020-2021

Theo hàng trăm nhà nghiên cứu sàng lọc dữ liệu của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Hoa Kỳ, điều này đánh dấu sự đảo ngược rõ rệt trong thời kỳ tuổi thọ toàn cầu tăng kéo dài hàng thập kỷ trước.

“Đối với người trưởng thành trên toàn thế giới, đại dịch COVID-19 có tác động sâu sắc hơn bất kỳ sự kiện nào xảy ra trong nửa thế kỷ qua, bao gồm cả xung đột, chiến tranh và thiên tai” - Austin Schumacher, nhà khoa học của IHME và tác giả chính của nghiên cứu - nói.

Trong một tuyên bố, ông Austin Schumacher cho biết, trong giai đoạn 2020-2021, tuổi thọ đã giảm ở 84% trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích. “Điều này chứng tỏ những tác động tiềm tàng tàn khốc của các loại virus mới" - ông Austin Schumacher nói thêm.

Các nhà nghiên cứu ước tính tỉ lệ tử vong ở những người trên 15 tuổi tăng 22% đối với nam và 17% đối với nữ trong thời gian này. Mexico, Peru và Bolivia là những quốc gia có tuổi thọ trung bình giảm nhiều nhất.

Nhưng tin khả quan là số trẻ em dưới 5 tuổi chết vào năm 2021 ít hơn nửa triệu so với năm 2019.

Nhà nghiên cứu Hmwe Hmwe Kyu của IHME cho rằng thế giới giờ đây nên tập trung vào “đại dịch tiếp theo và giải quyết sự chênh lệch lớn về sức khỏe giữa các quốc gia”.

Mặc dù 2 năm đại dịch làm giảm tuổi thọ trung bình trên toàn cầu nhưng về tổng thể thì mọi người vẫn sống thọ hơn trước đây. Các nhà nghiên cứu cho biết, từ năm 1950-2021, tuổi thọ trung bình đã tăng 23 năm, từ 49 lên 72.

Các nhà nghiên cứu ước tính, COVID-19 là nguyên nhân gây ra hơn 15,9 triệu ca tử vong trong giai đoạn 2020-2021.

Barbados, New Zealand, Antigua và Barbuda nằm trong số những quốc gia có tỉ lệ tử vong ở mức thấp nhất trong đại dịch. Điều này cho thấy các hòn đảo bị cô lập thường tránh được gánh nặng lớn từ sự lây lan của COVID-19.

Nghiên cứu cũng cho thấy dân số ở nhiều quốc gia giàu có và già hóa đã bắt đầu giảm nhiều trong khi dân số tiếp tục tăng ở các quốc gia trung bình và nghèo hơn.

“Các quốc gia cần hợp tác về việc di cư tự nguyện đế giải quyết tình trạng mất cân đối này" - ông Schumacher nói.

Thảo Nguyễn (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI