COVID-19: Kiểm soát để không rơi vào ngưỡng “mất kiểm soát”

13/03/2020 - 07:31

PNO - Con người với một chút ngạo nghễ, một chút hồn nhiên và phần lớn là… yếu đuối bởi chỉ bấy nhiêu niềm vui, khinh suất, họ lập tức trả giá và đang không thể chống đỡ trước biến chủng corona mới. Vì vậy, tốt nhất, ngay lúc này và cả sau này, nếu còn đủ sức khỏe mà sống còn qua cơn đại dịch, hãy cố gắng kiểm soát để không rơi vào ngưỡng mất kiểm soát, trong từng cá thể cho đến gia đình, nhóm cộng đồng, khu vực, địa phương. Ít nhất, kéo dài thời gian để có kháng thể trong cộng đồng, cầm cự và trông đợi thời tiết vào hè, hy vọng vào sự tự lụi tàn của vi-rút quái ác.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, UBND với Thường trực các quận, huyện ủy quý I năm 2020, Bí thư Quận ủy Q.1 Trần Kim Yến kiến nghị thành phố cho tạm ngưng hoạt động của vũ trường, karaoke, quán bar… Đó là một kiến nghị đúng và cần thiết, sẽ được lãnh đạo thành phố xem xét trước khi ra quyết định trước ngày 16/3. Rõ ràng khi dịch bệnh COVID-19 đã bước sang giai đoạn khởi bệnh - toàn phát; con số lây nhiễm cộng đồng đang biến động tăng, mở rộng biên độ lây lan qua tới F3-F4 thì ngăn chặn trong từng phạm vi, khu vực là biện pháp tối ưu.

100% người dân được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào khu vực tiếp nhận và t
100% người dân được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào khu vực tiếp nhận và trả hồ sơ của UBND quận Bình Tân. Mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành- Ảnh Tam Nguyên

Kiến nghị nói trên càng cho thấy thành phố nhất quán trong quan điểm và giải pháp phòng chống dịch COVID-19 ngay từ đầu “chiến dịch” cho đến hiện tại. Đề xuất nghỉ học đến hết tháng Ba đối với học sinh, sinh viên, học viên; hạn chế các hoạt động tập hợp số lượng trên 100 người và bây giờ, kiến nghị đóng cửa vũ trường, quán bar… là những biện pháp khôn ngoan cho giải pháp ngăn chặn sớm nhất, phân lập từng khu vực và khống chế điều kiện lây lan trong từng quy mô nhỏ. Điều này cho thấy, dù đã kiểm soát nguồn nguy cơ lây nhiễm chặt chẽ, đã chữa trị thành công các ca nhiễm bệnh, đã tính toán và bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như nguồn lực con người cho các tình huống ứng phó dịch bệnh ở cấp độ rộng/lớn, TPHCM vẫn tiếp tục triển khai các phương án nhằm kiểm soát tốt nhất để thành phố không được phép rơi vào ngưỡng “mất kiểm soát”.

Nên nhớ, tỷ lệ tử vong của COVID-19 chỉ 2% nhưng độ lây nhiễm lại rất cao, khả năng biến dị và độc lực cực mạnh, tồn tại lâu trong cơ thể nên chính nó là một nguồn lây. Và một khi vượt ngưỡng “mất kiểm soát” thì trở thành lây nhiễm siêu tốc độ. Một thống kê cho thấy: ngày 15/1/2020: 100 người bị nhiễm, ngày 25/1: 1.053 người bị nhiễm, ngày 30/1: 4.903 người bị nhiễm, ngày 2/2: 9.074 người bị nhiễm, ngày 3/2: 11.177 người bị nhiễm (tăng 2.013 người so với ngày hôm trước), ngày 7/2: 22.192 người bị nhiễm (tăng 2.447 người so với ngày hôm trước), ngày 11/2: 31.815 người bị nhiễm (tăng 2.017 người so với hôm trước), ngày 5/3: 67.466 người bị nhiễm. Như vậy, chỉ sau 17 ngày vượt ngưỡng “mất kiểm soát”, số người nhiễm tăng từ 1.053 người lên 31.815 người, sau 40 ngày là 67.466 người với hơn 2.900 người chết.

Vào tuần đầu tháng Ba, nghiên cứu của một giáo sư tại TPHCM đã chỉ ra: với một thành phố từ 10-11 triệu dân, năng lực chữa trị cho bệnh nhân vi-rút Corona không quá 1.000 người - con số ở ngưỡng “mất kiểm soát”. Vì vậy, theo ông, mỗi quận, huyện, tỉnh, thành phố cần xác định rõ ngưỡng “mất kiểm soát” của mình để cản trở, giảm dần sự lây nhiễm, không để cho sự lây nhiễm tiến gần đến ngưỡng “mất kiểm soát” của địa phương hay địa bàn mình.

Ông đưa ra phương châm 5 tại chỗ nhằm kiểm soát không cho dịch bệnh rơi vào ngưỡng “mất kiểm soát”: chỉ huy tại chỗ/ nhiệm vụ tại chỗ/ phương án tại chỗ/ phương tiện đặc thù, nhân lực tại chỗ/ hậu cần tại chỗ.

Ngày 11/3, Tổ chức y tế thế giới đã chính thức công bố đại dịch toàn cầu COVID-19. Diễn biến và biến chủng lây lan của vi-rút vẫn đang trên đường tiến, cực kỳ phức tạp và mang tính đe dọa hủy diệt cao. Trong khi chưa thể tìm ra vắc-xin phòng chống và thuốc điều trị đặc hiệu thì dự phòng và kiểm soát con đường lây nhiễm liên quan đến tập hợp, di chuyển là cực kỳ quan trọng, để “không tạo cơ hội cho người nhiễm vi-rút Corona tiếp xúc cùng lúc với nhiều người (lễ hội văn hóa, thể thao, đi học, đi xe buýt, máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, lễ nhà thờ…) thông qua việc không cho phép tổ chức các sự kiện này hoặc quy định bắt buộc những người tham gia phải đeo khẩu trang hoặc rửa tay thường xuyên sau khi tiếp xúc nhiều người” - trích dẫn từ giải pháp của nghiên cứu nói trên.

Ngay khi dịch bệnh đã bùng phát, một đại tiệc mừng tết Nguyên đán với sự tham dự của hơn 40.000 gia đình vẫn diễn ra tưng bừng tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Ngay tại tâm dịch COVID-19 của châu Âu, nước Ý vẫn thản nhiên duy trì màn ném cam trong lễ hội thường niên thu hút 15.000 người tham gia.

Con người với một chút ngạo nghễ, một chút hồn nhiên và phần lớn là… yếu đuối bởi chỉ bấy nhiêu niềm vui, khinh suất, họ lập tức trả giá và đang không thể chống đỡ trước biến chủng corona mới. Vì vậy, tốt nhất, ngay lúc này và cả sau này, nếu còn đủ sức khỏe mà sống còn qua cơn đại dịch, hãy cố gắng kiểm soát để không rơi vào ngưỡng mất kiểm soát, trong từng cá thể cho đến gia đình, nhóm cộng đồng, khu vực, địa phương. Ít nhất, kéo dài thời gian để có kháng thể trong cộng đồng, cầm cự và trông đợi thời tiết vào hè, hy vọng vào sự tự lụi tàn của vi-rút quái ác. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI