COVID-19 kích hoạt phản ứng miễn dịch gây giảm trí nhớ

05/10/2022 - 15:05

PNO - Nghiên cứu cho thấy phản ứng miễn dịch có thể là nguyên nhân gây mê sảng và sương mù não ở bệnh nhân COVID-19.

 

COVID-19 có thể gây tổn thương não và suy giảm trí nhớ ngay cả khi không lây nhiễm vào não
COVID-19 có thể gây tổn thương não và suy giảm trí nhớ ngay cả khi không lây nhiễm vào não

Nhiễm COVID-19 nghiêm trọng có thể gây ra phản ứng miễn dịch làm tổn thương các tế bào thần kinh trong não, dẫn đến vấn đề về trí nhớ và nhầm lẫn, đồng thời có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài.

Các nhà khoa học tại Đại học King's College London (Anh) phát hiện ra rằng phản ứng miễn dịch đối với virus làm tăng tỷ lệ chết của các tế bào thần kinh và có tác động "sâu sắc" đến sự tái tạo ở vùng hippocampus (hồi hải mã) của não, vốn rất quan trọng đối với khả năng học tập và trí nhớ.

Các phát hiện sơ bộ cho thấy COVID-19 có thể gây ra các vấn đề thần kinh ở bệnh nhân mà không cần virus tự lây nhiễm vào não. Quá trình này được cho là tạo cơ sở cho chứng mê sảng ở bệnh nhân COVID-19, và cũng có thể góp phần gây ra chứng sương mù não cùng các vấn đề khác mà những người mắc chứng COVID-19 kéo dài gặp phải.

Carmine Pariante - giáo sư tâm thần học và sinh học tại Viện KCL (Anh) - cho biết: “Những triệu chứng thần kinh này rất đáng lo ngại đối với bệnh nhân và gia đình của họ. Hy vọng rằng nghiên cứu của chúng tôi có thể giúp xác định phương pháp điều trị nào phù hợp nhất để giảm bớt hoặc ngăn ngừa những triệu chứng này”.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích máu của 36 bệnh nhân COVID-19 ở London trong đợt đại dịch đầu tiên. Họ phát hiện ra rằng mức độ của một loại protein gọi là IL-6 - mà các tế bào miễn dịch giải phóng như một cuộc gọi tập hợp cho các tế bào miễn dịch khác - ở những người bị nhiễm bệnh cao hơn 15 lần so với bình thường.

Sự gia tăng IL-6 thậm chí còn mạnh mẽ hơn ở những bệnh nhân COVID-19 mắc chứng mê sảng - một trạng thái vô cùng bối rối có thể khiến mọi người không biết họ là ai, hoặc ở đâu. Ở những bệnh nhân này, IL-6 cao hơn 6 lần so với những bệnh nhân COVID-19 khác. Gần một phần ba số bệnh nhân COVID-19 nhập viện trải qua tình trạng mê sảng, tỷ lệ này tăng lên 2/3 trong những ca nặng.

Sau đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu cách mức độ cao của IL-6 có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh ở vùng hồi hải mã bằng cách cho các tế bào thần kinh phát triển trong phòng thí nghiệm tiếp xúc với máu của bệnh nhân.

Họ nhận thấy máu từ những bệnh nhân mắc chứng mê sảng làm tăng tỷ lệ chết bình thường của các tế bào thần kinh và làm giảm thế khả năng phát triển tế bào não mới. Thiệt hại gây ra được cho là làm tăng chứng mê sảng.

Tiến sĩ Alessandra Borsini - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết, tác động từ protein IL-6 đối với việc tạo ra các tế bào não mới là "sâu sắc". Người lớn tuổi đặc biệt dễ bị mê sảng sau một loạt các ca nhiễm trùng và phẫu thuật. Trạng thái nhầm lẫn dẫn đến nguy cơ sa sút trí tuệ tăng lên đáng kể.

Trong báo cáo đăng trên tạp chí Molecular Psychiatry, nhóm tác giả lưu ý thêm rằng việc ngăn chặn các protein có thể giúp bảo vệ tế bào não khỏi bị hư hại. Nghiên cứu cho thấy các loại thuốc được gọi là chất ức chế Janus kinase, vốn đã được sử dụng để làm dịu các phản ứng miễn dịch nguy hiểm ở bệnh nhân COVID-19, có thể chống lại cơn mê sảng và các tác động thần kinh khác.

Ngọc Hạ (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI