COVID-19 khiến phụ nữ lo sợ việc làm mẹ

08/04/2022 - 14:59

PNO - Thai phụ có nên tiêm vắc xin không, điều gì sẽ xảy ra nếu họ dương tính, bất tiện trong khám thai trực tuyến, những lời khuyên mâu thuẫn nhau về sức khỏe thai kỳ, nỗi sợ em bé sẽ bị nhiễm virus… rất nhiều âu lo đang làm tăng nỗi e ngại làm mẹ của phụ nữ trong đại dịch.

Từ đầu tiên con bật nói là "Mask"

Con gái của Leanne Howlett được năm tháng tuổi vào tháng 3/2020, thời điểm bắt đầu đợt phong tỏa đầu tiên ở Vương quốc Anh. “Các cuộc thăm khám sức khỏe trực tiếp tại nhà đã không thể thực hiện. Thay vào đó, nhân viên y tế chỉ có thể nói chuyện qua điện thoại khiến tôi thực sự lo lắng, không biết phải đối phó thế nào nếu xảy ra vấn đề liên quan đến đứa trẻ”, Howlett nhớ lại. 

Một báo cáo của Tổ chức từ thiện No-One Wants To See My Baby công bố cuối năm 2021 cảnh báo về các tác động của đại dịch đối với sự phát triển của trẻ. Nhóm trẻ mới tập đi chỉ nhận được sự hỗ trợ ảo từ nhân viên y tế phụ trách chăm sóc sức khỏe, thay vì được gặp và hỗ trợ trực tiếp, khiến nhiều trẻ không được đáp ứng nhu cầu cơ bản.

Minh họa của trang web Đại học Michigan (Mỹ) về rối loạn sức khỏe tâm thần của các bà mẹ trẻ
Minh họa của trang web Đại học Michigan (Mỹ) về rối loạn sức khỏe tâm thần của các bà mẹ trẻ

Trong điều kiện bình thường mới, Howlett cảm thấy tốt hơn khi nhà trẻ mở cửa trở lại, chồng cô được nghỉ làm để phụ chăm con. Nhưng cô tin rằng con gái mình đã bị ảnh hưởng lớn. “Con bé không thể hòa nhập vì đã không được tiếp xúc với ai cho đến gần một tuổi. Khi nó đến nhà trẻ lần đầu tiên, mọi người đều bịt khẩu trang và từ đầu tiên con tôi bật nói là mask, chứ không phải là mama”, người mẹ 34 tuổi than thở.

Một nghiên cứu ở Anh được công bố trên tạp chí sức khỏe cộng đồng BMC cho hay, cha mẹ trẻ chuẩn bị sinh con lần đầu có nguy cơ gia tăng bệnh lý thần kinh, đặc biệt là trong đại dịch. Phụ huynh lo lắng, căng thẳng về nguy cơ nhiễm vi-rút và lây cho con. Họ cảm thấy bơ vơ với các cuộc khám thai trực tuyến hoặc qua điện thoại. Nghiên cứu nhấn mạnh tác động đáng kể của COVID-19 đối với vợ chồng trẻ, đặc biệt tinh thần và tâm lý hoang mang trong chăm con của bà mẹ. Họ dễ trầm cảm sau sinh hơn do những thay đổi trong cung cấp dịch vụ y tế. 

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh lần đầu gia tăng

Theo nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ), cứ ba người sinh con lần đầu trong đại dịch thì có một người bị trầm cảm sau sinh. Con số này tăng gấp ba so với trước đại dịch. Bác sĩ sản phụ khoa Vanessa Dalton - người dẫn đầu nghiên cứu - cho biết: “Ngày càng nhiều phụ nữ bị rối loạn lo âu trong thời gian mang thai. Khi COVID-19 bùng phát, nhân viên đang chăm sóc thai phụ phải ưu tiên chống dịch và chúng tôi đã chứng kiến những hậu quả của các biện pháp này đối với sức khỏe tâm thần của các bà mẹ”.

Về trẻ con, hai năm đầu đời là giai đoạn trẻ tập đi, tập nói và làm quen với thế giới xung quanh. Những trẻ sinh vào tháng 3/2020, thời điểm đại dịch được công bố toàn cầu, bị ảnh hưởng nặng nề giai đoạn đầu đời. Từ việc được sinh ra trong những khu hộ sinh vắng vẻ đến lạnh người, đến việc cha mẹ luôn thấp thỏm theo dõi diễn tiến đại dịch, cuộc sống không thể đoán định trước bất cứ điều gì. Đối với trẻ gặp hạn chế trong tương tác với người khác khi toàn xã hội bị cách ly, việc phát triển trí não trong hai năm đầu bị tác động lớn, từ ngôn ngữ đến tình cảm và cả khả năng hồi phục.

Chứng sợ người lạ là điều tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên một số phụ huynh cho rằng điều đó đã gia tăng trong đại dịch, rằng con họ khó hòa nhập xã hội. Tương tác xã hội có ý nghĩa lớn trong năm thứ hai, thứ ba của cuộc đời. Khi ấy, trẻ học cách tách biệt khỏi những người trưởng thành và bắt đầu ý thức bản thân như một cá thể.

Bác sĩ nhi khoa Jack Shonkoff (Đại học Harvard, Mỹ) cho biết, một số ít nghiên cứu ban đầu phát hiện rằng trẻ em sinh ra trong thời kỳ đại dịch có nguy cơ chậm phát triển hơn. Chúng đạt điểm thấp hơn trẻ sinh ra trước COVID-19 trong các bài kiểm tra kỹ năng vận động và xã hội lúc sáu tháng tuổi. Một số nghiên cứu khác cảnh báo sự căng thẳng của cha mẹ, cả trong thai kỳ lẫn sau sinh, là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Nghiên cứu của giáo sư Trường y Columbia (Mỹ) Dani Dumitriu nhấn mạnh hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần trong và sau khi mang thai. Theo đó, nhiều bà mẹ trong đại dịch bị trầm cảm sau sinh vì nhận được quá ít hỗ trợ, không có nơi vui chơi cho trẻ, không được gặp gỡ bạn bè, người thân mà chỉ có những cuộc tư vấn ảo với bác sĩ. Đối với họ, chỉ cần được ở bên người thấu hiểu mình phải vất vả như thế nào có thể đã là một phương pháp trị liệu cần thiết. 

Nam Anh (theo BMC, BBC, MMHL)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI