COVID-19 khiến “ô-sin” Philippines kẹt ở quê nhà

22/02/2020 - 06:02

PNO - Hàng chục ngàn “Ô-sin” (người giúp việc nhà) người Philippines làm việc ở Hồng Kông đang bị kẹt lại quê nhà do lệnh cấm đi và đến Trung Quốc.

Chủ nhà đang đợi

Hồi cuối tháng Một, Mimi Ysulat - 48 tuổi, làm nghề giúp việc nhà và bảo mẫu trong cả chục năm qua ở Hồng Kông - đã bay về Philippines để dự đám tang của mẹ cô. Tới lúc Ysulat sẵn sàng trở lại Hồng Kông, cô nhận một tin xấu: ngày 2/2, chính phủ Philippines đã cấm tất cả các chuyến đi và đến từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Ma Cao nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh do vi-rút Corona chủng mới (COVID-19) gây ra.  

Nếu lệnh cấm kéo dài đến tháng Ba, Hồng Kông có thể cần tuyển mới 15.000 người giúp việc nhà và 10.000 người lao động từ Hồng Kông về Philippines nghỉ tết sẽ tiếp tục bị mắc kẹt ở nước mình. Ước tính, có trên 30.000 người lao động Philippines làm việc ở Hồng Kông đang bị mắc kẹt ở thủ đô Manila của họ. 

Cô Ysulat là một trong những người tương đối may mắn, do chủ nhà của cô vẫn đảm bảo chỗ làm và sẽ tiếp tục trả lương cho cô. Tuy vậy, Ysulat trước nay vẫn chỉ nhận lương bằng tiền mặt rồi gửi về Philippines qua dịch vụ chuyển tiền. Cô không có tài khoản ngân hàng, nên giờ không có cách gì để nhận chuyển khoản từ chủ nhà của cô.

Người lao động từng làm việc ở Hồng Kông bị mắc kẹt lại ở Manila, Philippines, đang ngồi chờ nhận hỗ trợ tài chính từ Bộ Lao động - Ảnh: Geric Cruz (Bloomberg)
Người lao động từng làm việc ở Hồng Kông bị mắc kẹt lại ở Manila, Philippines, đang ngồi chờ nhận hỗ trợ tài chính từ Bộ Lao động - Ảnh: Geric Cruz (Bloomberg)

Vào lúc này, gia đình Ysulat đang trông vào số tiền mà chồng cô kiếm được bằng nghề lái xe kéo. Nếu Ysulat không thể sớm trở lại Hồng Kông để làm việc, gia đình cô sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc vay mượn từ bạn bè và hàng xóm. “Tôi đã trả hết các khoản nợ cũ của mình. Bây giờ, tôi sẽ phải tiếp nhận những món nợ mới. Tôi lại trở về con số không” - cô nói.

Tương tự như Ysulat, nhiều người Philippines qua Hồng Kông làm việc cũng đến từ các vùng nông thôn ở Philippines, hầu hết đã đi từ các tỉnh tới Manila để chờ được bay tới Hồng Kông, nên đã “phát sinh chi phí” khi bị kẹt lại. Một số đã phải vay tiền, trong lúc các gia đình ở quê vẫn phụ thuộc vào kiều hối từ con em họ.

Bộ Lao động Philippines tuyên bố, sẽ hỗ trợ tài chính và nhà ở tạm thời chừng nào số lao động này còn bị kẹt lại ở Manila, chưa thể trở lại Hồng Kông. Trong tuần đầu tiên của tháng Hai, đã có hơn 2.500 người trong số đó nhận được khoản trợ cấp một lần bằng tiền mặt là 10.000 peso Philippines (tương đương 196 USD), bằng khoảng 1/3 mức lương tối thiểu hằng tháng cho một người giúp việc nhà ở Hồng Kông. 

Tuy vậy, nhiều người cho rằng, mức trợ cấp ấy không thấm vào đâu. Một cô gái đã viết bằng tiếng Tagalog trên trang Facebook rằng, lẽ ra cô phải trở lại Hồng Kông ngày 5/2: “Chủ nhà đang đợi tôi. Ai sẽ nấu ăn và dọn dẹp trong khi họ đi làm? Và với tôi, không có việc làm, không có tiền lương thì ai sẽ nuôi gia đình tôi?”.

Công việc đáng giá hơn 30 tỷ USD kiều hối

Trong một bức thư tập thể gửi Tòa án Công lý quốc tế ở The Hague (Hà Lan), hơn 1.000 người tự mô tả họ là người Philippines làm giáo viên, kỹ sư, doanh nhân, nhà thiết kế, nhà báo, phi công, tiếp viên hàng không và người giúp việc nhà ở Hồng Kông, đề nghị tòa gây áp lực để chính phủ Philippines gỡ bỏ hoặc nới lỏng một phần lệnh cấm du lịch và cam kết không lấy đi quyền con người cơ bản của công dân về du lịch và sinh kế.

Theo ông Lauro Baja - cựu đại diện thường trực của Philippines tại Liên hiệp quốc - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có thẩm quyền trong trường hợp này, trong khi Tòa án Công lý quốc tế chỉ giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.

Trong phiên điều trần ngày 3/2, ông Teodoro Locsin Jr. - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines - đã thẳng thắn: “Chủ nhân của họ muốn họ quay lại, bởi vì những người giúp việc nhà ở Hồng Kông được đối xử tốt, không bị đối xử dã man như ở các nơi khác. Hồng Kông rất trân trọng họ. Và bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Trưởng đặc khu Hồng Kông) đã hỏi tôi: “Làm ơn đi, họ có thể trở 
lại không?”.

Những người nhập cư giúp việc nhà và làm bảo mẫu là đội ngũ lao động rất quan trọng đối với cả hai nền kinh tế Philippines và Hồng Kông. Hàng trăm ngàn người Hồng Kông, chủ yếu là phụ nữ, có thể yên tâm đi làm nhờ có những “Ô-sin” làm việc nhà, và có thể làm cả việc chăm sóc trẻ em toàn thời gian. 

Theo luật, người giúp việc kiếm được tối thiểu 4.630 đô la Hồng Kông (596 USD) mỗi tháng. Đó là khoản chi phí không lớn với một cặp vợ chồng Hồng Kông, vì mức lương trung bình của mỗi người lao động Hồng Kông là 17.500 đô la Hồng Kông.

Hằng năm, những người giúp việc nhà gửi tiền về Philippines tổng cộng hơn 30 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Do COVID-19 vẫn còn lây lan nên chưa thể biết khi nào những người phụ nữ ấy có thể quay trở lại với các gia đình ở Hồng Kông. 

Cuộc khủng hoảng do COVID-19 còn chưa biết bao giờ tới đỉnh điểm. Trường hợp thứ 61 được xác nhận nhiễm COVID-19 ở Hồng Kông là một cô giúp việc 32 tuổi, người Philippines, bị lây từ bà chủ nhà của cô, sống ở Quarry Bay. 

Nhựt Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI