COVID-19 khiến nhiều người nước ngoài ở Việt Nam gặp vấn đề tâm lý

20/04/2021 - 06:28

PNO - Dù dịch COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt, nhiều người nước ngoài vẫn bị ám ảnh về dịch bệnh.

Emmy Dallas (tên nhân vật đã được thay đổi) đến từ Pháp, làm việc ở TP. Đà Nẵng luôn cảm thấy lo sợ và trầm cảm mỗi khi nghe tin có ca nhiễm COVID-19 mới. Cô cảm thấy mình bị mắc kẹt ở Việt Nam trong đại dịch khủng khiếp nhất mà cô từng chứng kiến. Cô không nói chuyện với ai vì không thể tập trung vào một câu chuyện nhất định do cứ lo sợ về tương lai bất định. Dù đã theo học các lớp yoga và thiền để giúp tâm trí ổn định hơn nhưng Emmy vẫn bị dịch bệnh ám ảnh.

Bà Julia Peters - thạc sĩ tâm lý học người Đức, làm việc ở Trung tâm Sức khỏe tinh thần Mandala Wellness (TP. Thủ Đức, TPHCM) - cho hay, từ khi COVID-19 xuất hiện, người nước ngoài ở Việt Nam cũng gia tăng các vấn đề về tâm lý. Việc ở trong nhà dài ngày, hạn chế đi lại khiến họ phải suy nghĩ quá nhiều, dẫn đến hình thành nỗi lo âu, áp lực và trầm cảm. Đây là những trạng thái sức khỏe tinh thần tiêu cực, có thể gây hại cho tâm lý và thể chất.

Tuy nhiên, bà Julia cho rằng, triệu chứng lo lắng thái quá cũng có thể do xa gia đình, chưa hòa nhập với cộng đồng người Việt hoặc chỉ đơn giản là do cảm thấy quá ngột ngạt trong một thành phố không có nhiều không gian thiên nhiên, lại nhiều khói bụi ô nhiễm. 

Tuy chưa có con số cụ thể về số lượng nam và nữ đến khám về tình trạng tâm lý nhưng bà Julia cho hay, số nữ chịu cởi mở về tình trạng của mình và đến khám đông hơn. Điều đó không có nghĩa là nam giới ít gặp phải các vấn đề tâm lý. 

Mỹ Trang (tên đã được đổi) chia sẻ nguyên nhân chia tay bạn trai của mình bắt nguồn từ đại dịch. Trang sống cùng người yêu ngoại quốc ở TPHCM được hai năm và chứng kiến anh ngày càng trở nên nóng nảy hơn khi đại dịch hoành hành. Anh bắt đầu ghét thành phố nóng, ồn ào đầy xe cộ, nơi anh từng say mê mà rời Pháp để đến sống. Trang là người mà anh trút lên những cơn giận dữ khi mất việc, khi lo lắng về tương lai bất định do dịch bệnh. Buổi tối trước khi về Pháp, anh khóc và thông báo cho Trang biết rằng anh sẽ về Pháp để chữa trị chứng trầm cảm.

Theo bà Julia, người ta có thể giảm nhẹ hoặc thoát khỏi bệnh trầm cảm nếu được người thân, người yêu gần gũi và trò chuyện mỗi khi có dấu hiệu bị áp lực về tâm lý. Nhưng phụ nữ Việt không dám đặt câu hỏi hay nói thẳng vào vấn đề để giúp người chồng hay bạn trai ngoại quốc của mình nhận định rõ tình hình. Hơn nữa, đàn ông nước ngoài khi thấy tâm lý e dè của phụ nữ Việt cũng ngại bày tỏ điểm yếu. Họ càng cố tỏ ra mạnh mẽ thì vấn đề tâm lý sẽ càng nặng nề hơn.

Theo thạc sĩ tâm lý Trần Anh Vũ (Công ty TNHH Docosan Việt Nam), nguyên nhân gây nên các bất ổn tâm lý của người nước ngoài ở Việt Nam không trực tiếp đến từ COVID-19 mà đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế. Những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất, có con số thất nghiệp cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người lao động ngoại quốc trong ngành nghề đó. Người lao động nước ngoài giữ chức càng cao thì khi mất việc càng khó tìm ngay được việc mới.

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI