COVID-19 khiến con người mất đi 28 triệu năm tuổi thọ

04/11/2021 - 08:49

PNO - Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford đã thực hiện một cuộc khảo sát quy mô lớn nhất từ trước đến nay, xem xét các trường hợp tử vong do COVID-19 và cho biết đại dịch làm con người mất đi 28 triệu năm tuổi thọ.

Con số khổng lồ được tiết lộ trong một nghiên cứu do Đại học Oxford đứng đầu, các nhà nghiên cứu chuyên tính toán số năm tuổi thọ bị mất ở 37 quốc gia. Nghiên cứu đã đo lường số người chết và độ tuổi mà họ qua đời, giúp báo cáo được đánh giá chi tiết nhất về tác động của đại dịch COVID-19.

Cùng với sự sụt giảm đáng kể tuổi thọ ở hầu hết các quốc gia, số năm bị mất do tử vong sớm cũng tăng vọt. Các nhà nghiên cứu cho biết, con số thực sự có thể còn cao hơn khi số ca tử vong ở nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh chưa được khảo sát do thiếu dữ liệu.

Chưa đầy 2 năm, thế giới đã báo cáo hơn 5 triệu ca tử vong vì COVID-19.
Chưa đầy 2 năm, thế giới đã báo cáo hơn 5 triệu người tử vong vì COVID-19

Tiến sĩ Nazrul Islam, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết ông và nhóm của mình bị sốc trước phát hiện được công bố trên tạp chí y khoa BMJ: “Mặc dù đã có kinh nghiệm cá nhân về tác động của căn bệnh này, nhưng chúng tôi vẫn phải sửng sốt trước những con số khủng. Không có gì khiến tôi bị sốc nhiều như đại dịch”.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc hiểu được tác động đầy đủ của COVID-19, cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong một thế kỷ, không chỉ đòi hỏi phải đếm số người chết mà còn phải phân tích mức độ chết sớm của những trường hợp tử vong đó. Sử dụng chỉ số YLL (số năm sống bị mất do tử vong), nhóm nghiên cứu đã ước tính những thay đổi về tuổi thọ vào năm 2020.

Nhóm đã so sánh tuổi thọ thực tế và số năm sống bị mất vào năm 2020 với tuổi thọ dự kiến trong giai đoạn 2005-2019 ở 37 quốc gia có thu nhập trên trung bình và cao.

Từ năm 2005-2019, tuổi thọ trung bình ở nam giới và phụ nữ tăng lên ở tất cả các quốc gia được nghiên cứu. Vào năm 2020, tuổi thọ ở nam giới và phụ nữ đều giảm ở mọi quốc gia, ngoại trừ New Zealand, Đài Loan và Na Uy, nơi có tuổi thọ tăng, trong khi đó, tại Đan Mạch, Iceland và Hàn Quốc, các bằng chứng về sự thay đổi tuổi thọ không được tìm thấy.

Quốc gia có tuổi thọ suy giảm cao nhất là Nga (-2,33 năm ở nam và -2,14 năm ở nữ), Mỹ (-2,27 ở nam và -1,61 ở nữ) và Bulgaria (-1,96 ở nam và -1,37 ở nữ). Sự suy giảm tuổi thọ tính theo năm ở Anh và xứ Wales là -1,2 năm ở nam và -0,8 năm ở nữ. Ở Scotland, tỷ lệ này là -1,24 ở nam và -0,54 ở nữ.

Số năm sống dư thừa bị mất cao nhất là ở Nga, Bulgaria, Lithuania và Mỹ. Năm 2020, số năm sống dư thừa bị mất vì đại dịch cao gấp 5 lần so với số năm sống thừa liên quan đến dịch cúm theo mùa vào năm 2015.

Minh Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI