COVID-19 kéo theo nỗi lo ô nhiễm rác thải nhựa ở Đông Nam Á

11/08/2020 - 14:00

PNO - Trong thời gian dịch bệnh, lượng rác thải nhựa gia tăng đáng kể ở nhiều quốc gia, gây lo ngại những vấn đề lớn hơn trong tương lai.

Adam Reza - 29 tuổi, một người dân ở Malaysia - rất quan tâm đến các vấn nạn môi trường, đặc biệt rác thải nhựa. Tuy nhiên, trong thời gian đất nước thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách để kiểm soát dịch bệnh, buộc người dân ở trong nhà 90 ngày thì lượng rác thải nhựa gia đình anh tăng đến 80%.

Adam Reza chỉ là một trong số hàng triệu người bị "mắc kẹt" tại nhà do đại dịch. Nhiều người phụ thuộc vào các dịch vụ mua sắm trực tuyến, đặt thức ăn giao tận nơi... Những dịch vụ này thường sử dụng một số lượng lớn vật dụng bằng nhựa như: bao bì, muỗng đũa, hộp... Tất cả đều chỉ có thể sử dụng một lần.

Lượng rác thải tăng đáng kể trong thời gian dịch bệnh do các hoạt động đặt hàng, thức ăn qua mạng, và cả rác thải y tế
Lượng rác thải tăng đáng kể trong thời gian dịch bệnh do các hoạt động đặt hàng, thức ăn qua mạng, và cả từ hoạt động y tế

Theo số liệu thống kê của Bộ Môi trường Malaysia, chất thải y tế cũng tăng vọt, cụ thể tăng 27% trong tháng Ba so với tháng trước đó; 31,5% vào tháng Tư và 24,6% trong tháng Năm, với trọng tải liên tục vượt quá 2.500 tấn.

Ở Philippines, rác thải sinh ra từ các dịch vụ giao thực phẩm và hoạt động thương mại điện tử cũng được những người ủng hộ môi trường quan tâm

Rác thải nhựa chất thành đống dày ở Manila năm 2019
Rác thải nhựa chất thành đống dày ở Manila, Philippines năm 2019

Thành phố Parañaque đã chuyển việc thực thi lệnh cấm nhựa sử dụng một lần từ tháng 6/2020 sang tháng 1/2021 khi các doanh nghiệp phản ánh về những khó khăn trong việc tuân thủ, đồng thời phải vật lộn với tác động kinh tế từ việc đóng cửa quốc gia.            

Thành phố Quezon - thành phố lớn nhất của đất nước, nơi sinh sống của 3 triệu người - cũng đã nới lỏng chính sách chống lại đồ nhựa sử dụng một lần. Thay vì lệnh cấm hoàn toàn bắt đầu từ tháng Bảy, chính quyền thành phố cho phép các cơ sở sử dụng hết bao bì nhựa còn tồn kho miễn là họ thông báo cho cơ quan bảo vệ môi trường và quản lý chất thải.

Tuy nhiên, Ủy ban quản lý chất thải rắn quốc gia của Philippines cho rằng việc phát sinh chất thải cũng đã giảm do hoạt động kinh tế ở nước này đang chậm lại.

Bà Siti Nurbaya Bakar, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, gần đây cho biết Indonesia đã tích hơn 1.100 tấn chất thải y tế từ tháng Ba đến tháng Sáu.

Thái Lan cũng chuyển sang sử dụng nhựa sử dụng một lần kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu vào cuối tháng Ba. Trung bình Bangkok có 2.115 tấn rác thải nhựa/ngày, nhưng đã tăng lên hơn 3.400 tấn/ngày vào tháng Tư. Trên cả nước, rác thải nhựa đã tăng từ 5.000 tấn mỗi ngày lên 6.300 tấn.

Năm 2018, Thái Lan có 2 triệu tấn chất thải nhựa nhưng chỉ có 500.000 tấn được tái chế, phần lớn là chai nhựa.

Rác thải ở Băng Cốc tăng lên trong thời gian dịch bệnh khiến các nhà hoạt động môi trường lo ngại
Rác thải ở Bangkok tăng lên trong thời gian dịch bệnh khiến các nhà hoạt động môi trường lo ngại

Còn tại Singapore, rác thải nhựa cũng được tạo ra trong quá trình cách ly. Các bữa ăn do chính phủ cung cấp 3 lần một ngày luôn luôn được bọc chặt trong nhựa. Ryan Chua nói: “Tôi biết ơn những gì đã được cung cấp, nhưng thật đáng báo động khi lượng nhựa đã được sử dụng bao gồm: chai nước nhựa, bao bì thực phẩm, bao bì xà phòng... vẫn tiếp tục tăng”.

Các nhà hoạt động môi trường cho rằng vấn đề rác thải nhựa không chỉ gây ra tác hại ở hiện tại mà có thể dẫn đến những vấn đề lớn hơn trong tương lai.

Vì vậy, theo ông Alizan Mahadi - công tác tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia, các mối quan tâm trung và dài hạn liên quan đến chất thải nhựa phải được xem xét ngay cả khi đối mặt với đại dịch. 

Các nhà hoạt động môi trường Indonesia đề xuất một số giải phép như: cấm rác thải nhựa một lần như bao bì, hộp xốp, phân loại từ nguồn…

Thuỳ Anh (theo South China Morning Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI