Đường dây internet bị cắt, không còn nhiều tiền để gọi về nhà, những công nhân Việt Nam ở Cộng hòa Guinea Xích đạo cho hay, họ ngày càng bi quan và lo sợ bị bỏ rơi. Hiện số công nhân dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 đã lên gần 100 người.
|
Công nhân Việt Nam tại Guinea Xích đạo |
Tối 8/7, các công nhân trong khu nhà ở của công trường thủy điện Sendje, tỉnh Litorial, Cộng hòa Guinea Xích đạo hồi hộp chờ đợi kết quả xét nghiệm đợt hai. Nhiều người trong số đó đã có dấu hiệu nhiễm bệnh: sốt, khó thở, tức ngực, mất khả năng khứu giác và tiêu chảy.
Làm việc dưới sự canh chừng của quân đội
Như Báo Phụ Nữ TPHCM đã đưa tin (trong số báo ra ngày 8/7), hơn 200 công nhân Việt Nam làm việc tại công trường thủy điện Sendje đang mong chờ một chuyến bay hồi hương. Họ bị công ty tổng thầu Duglas bắt ép đi làm dù công trường đã có nhiều ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 và không ít trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm. Cùng lúc, nhà thầu này cắt internet khu nhà ở nhằm ngăn không cho công nhân liên lạc ra ngoài, đe dọa nếu công nhân không chịu đi làm, nhà thầu sẽ không cho ăn, đuổi ra khỏi công trường và bỏ mặc những đồng nghiệp bị nhiễm đang điều trị ở bệnh viện của họ.
Đ. - công nhân của CMVietNam - nhắn tin với phóng viên cho hay, các công nhân phải hùn tiền, lén nhờ một người bản địa mua thẻ nạp điện thoại, quay video cảnh ban quản lý đọc kết quả và gửi về báo: “Anh em muốn cho người trong nước xem, để thấy là tụi em không nói sai sự thật. Đã hơn một tuần cầu cứu nhưng anh em bên này vẫn không thấy kết quả gì”.
Đ. nói tiếp: “Bọn em cũng không còn đủ tiền nên phải hùn lại nạp thẻ vào điện thoại của một người để gọi và gửi video cho chị (phóng viên). Giá cước bên này rất đắt, chưa kể nhờ người mua lén nên phải trả thêm phí từ 50.000-100.000 đồng/lần mua. Thẻ mệnh giá gần 300.000 đồng, mở 3G lên, gọi được chưa tới một tiếng đồng hồ”.
|
Các công nhân của Công ty CMVietNam ở Guinea Xích đạo họp lại, gọi cho phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM - Ảnh: công nhân CMVietNam cung cấp |
Đ. cho hay, bản thân cũng phải đang mượn tiền đồng nghiệp để liên lạc về nhà. Một đồng nghiệp thân thiết của anh đã hơn 14 ngày không được trò chuyện với gia đình. “Người nhà bạn ấy gọi vào số của anh em bên này nhưng cũng không thể gặp vì bạn ấy đã vào khu cách ly ở thành phố Bata. Mỗi lần gọi, em chỉ dám hỏi thăm vợ con 2-3 phút là tắt vì còn phải để dành, lỡ may vào khu cách ly, còn có cái mà nhắn ra ngoài”.
Đã hơn một tuần, Công ty Liên doanh Duglas (Anh Quốc) - tổng thầu của công trình thủy điện Sendje - cắt internet khu nhà ở, ngăn căng-tin bán thẻ điện thoại cho công nhân Việt Nam. Mọi liên lạc ra ngoài của công nhân đều qua sóng 3G trên điện thoại. Theo công nhân Công ty CMVietNam, Duglas e ngại người lao động cung cấp các thông tin, hình ảnh của dự án đến công chúng, có thể khiến tổng thầu vi phạm nghĩa vụ với chủ đầu tư, nên đã cắt internet, ngăn không cho người lao động có phản ứng trên mạng xã hội.
Cũng theo công nhân của CMVietNam, những ngày qua, họ phải đi làm trong tình cảnh có quân đội của nước sở tại mang súng rảo khắp công trường.
|
Các công nhân của Công ty CMVietNam ở Guinea Xích đạo họp lại, gọi cho phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM - Nguồn: công nhân CMVietNam cung cấp |
Phòng dịch lơ đãng, cách ly sơ sài
Các công nhân kể thêm, công nhân của các nước khác và nhân viên của tổng thầu chỉ mới đeo khẩu trang thời gian gần đây. Riêng công nhân Việt Nam đã cố gắng đeo từ lúc dịch bệnh bùng phát ở nước này hồi tháng Ba. Tuy nhiên, do thời tiết ở nước sở tại rất oi bức nên công nhân không thể đeo khẩu trang liên tục trong lúc làm việc trên công trường.
Không ngoài dự đoán của các công nhân, kết quả xét nghiệm đợt hai cho thấy, riêng Công ty CMVietNam, đã có thêm 85 trường hợp dương tính, nâng tổng số nhiễm lên 96 ca. Các công nhân của CMVietNam cho hay, nhiều công nhân Việt Nam của hai nhà thầu phụ khác ở công trường cũng có tên trong danh sách những người nhiễm COVID-19.
K. - một công nhân của CMVietNam - cho hay, ban quản lý của công ty đã thông báo anh có kết quả dương tính. Đó là điều khó tránh khỏi khi mà công ty và tổng thầu thực hiện các biện pháp cách ly hết sức sơ sài.
Trao đổi với chúng tôi, K. và các công nhân kể rằng, tổng thầu chia những người có triệu chứng nghi nhiễm ra làm hai nhóm: nhóm bị nặng, sốt cao sẽ được đưa ra khu khách sạn cách ly ở thành phố Bata, nhóm bị nhẹ hơn thì cách ly tại khu nhà ở của công trường. Tuy nhiên, khu nhà cách ly này lại nằm gần khu nhà ở của người khỏe mạnh; hằng ngày, những công nhân bị cách ly vẫn phải ăn cùng với những công nhân khác ở bếp ăn chung.
“Công ty và tổng thầu nói sẽ có người cung cấp thực phẩm tận nơi cho chúng tôi, nhưng họ không làm đúng như vậy. Ở đó hai ngày đầu, chúng tôi không được khám. Đến ngày thứ ba, bác sĩ cùng phiên dịch của tổng thầu đến hỏi sức khỏe rồi bảo lên ký túc xá để lấy thuốc” - K. bức xúc kể.
Đang điều trị COVID-19 ở Bệnh viện La Paz - nơi được đánh giá là có chất lượng y tế tốt nhất trong khu vực - N. kể với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM rằng, bác sĩ và y tá bản địa đối xử rất tử tế với bệnh nhân người Việt, nhưng anh đoán do bệnh viện không đủ khả năng nên vẫn để anh và hai đồng nghiệp khác dùng chung một lọ si-rô và một vỉ thuốc: “Chai thuốc để ở phòng em. Tới giờ uống, hai anh kia sang uống rồi về”.
Dù đã có kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 nhưng K. vẫn không biết anh sẽ được vào Bệnh viện La Paz điều trị hay lên khách sạn cách ly. Tổng thầu chỉ ưu tiên nhập viện những trường hợp dương tính và có biểu hiện bệnh nặng, số còn lại sẽ cách ly ở khách sạn. Nhưng dù ở đâu, với K., vẫn đầy bất trắc, rủi ro.
“Tôi đang rất lo cho tính mạng của mình. Anh em bị nhiễm than chất lượng bệnh viện, còn người ở khách sạn cách ly thì kêu đói lắm, bữa sáng chỉ được phát một ổ bánh mì, trưa một mẩu sắn luộc, tối cũng không nhiều hơn. Họ ở đó đã hai ngày mà không thấy bác sĩ đâu. Bố mẹ già và vợ con ở nhà trông cậy cả vào đồng lương của tôi. Tôi không thể chết ở đây được” - K. nói.
Hơn 200 công nhân Việt Nam đang làm việc tại công trường thủy điện Sendje. Tính tới nay, khoảng một nửa trong số đó đã dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Những công nhân có kết quả âm tính cho hay, tuy may mắn trong hai đợt xét nghiệm nhưng họ không tin cơ thể mình đang khỏe mạnh.
“Từ lúc lấy mẫu xét nghiệm đến lúc trả kết quả là một tuần. Suốt thời gian đó, chúng tôi tiếp xúc, sinh hoạt, đi làm cùng nhau. Tôi không tin là vi-rút chừa mình ra” - đại diện nhóm công nhân chia sẻ với chúng tôi.
Công nhân này cũng cho hay, mạng viễn thông ở Guinea Xích đạo chỉ cho phép gọi nội địa nên các công nhân không thể gọi tới đường dây nóng bảo hộ công dân ở nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, cũng không thể gọi liên lạc với các đại sứ quán Việt Nam kiêm nhiệm quốc gia này. Cho tới nay, những công nhân này vẫn chưa nhận được bất cứ liên lạc nào từ phía Chính phủ Việt Nam.
Chờ quyết định của Bộ Ngoại giao
Trả lời với chúng tôi qua điện thoại, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, đã gửi văn bản lên Bộ Ngoại giao về trường hợp này. Còn theo Cục Hàng không Việt Nam, việc tổ chức chuyến bay về nước lúc này không nằm trong thẩm quyền của cục mà phải chờ quyết định của Bộ Ngoại giao.
|
Bảo Uyên