Mackenzie Nichols luôn mơ ước các con của cô sẽ được học tại ngôi trường cô đã học lúc còn bé - Trường tiểu học Peterborough. Đó là một trường công lập chỉ có khoảng 250 học sinh trong một cộng đồng nhỏ ngoài trời ở miền Nam bang New Hampshire, Mỹ.
Trước đây, Mackenzie Nichols đã từng lo lắng về việc Breton - đứa con sáu tuổi của cô - sẽ phải thích nghi với việc ngồi trong lớp học cả ngày như thế nào khi trước đó cậu bé không ngừng chạy nhảy ngoài trời.
|
Trẻ em được chơi và học ngoài trời tại một khu vườn ở San Francisco - Ảnh: ANNETTE HUDDLE |
“Tôi đấu tranh với quyết định này vì Breton đã lớn lên và phát triển bằng những hoạt động ngoài trời. Cậu nhóc vẫn thích lang thang quanh nhà khi rảnh rỗi hoặc “biến mất” trong những tán cây phía sau nhà chúng tôi”, Nichols nói.
Do vậy, Nichols mong học sinh Trường Peterborough có thể hoạt động ngoài trời nhiều hơn. Tuy nhiên, giáo viên và các phụ huynh khác không hào hứng với ý tưởng tổ chức các lớp học ngoài trời trong mùa đông rét mướt ở New Hampshire.
Đại dịch COVID-19 tấn công nước Mỹ và Peterborough, cũng như các trường học và học khu khác trên toàn quốc, nhận ra rằng cách an toàn duy nhất để tiếp tục học trực tiếp là di chuyển ra ngoài trời, nơi mức độ lây truyền của virus thấp hơn nhiều so với không gian phòng học. Trường tiểu học này dựng lều tạm làm lớp học, tổ chức bữa trưa ngoài trời và kết hợp các bài học có yếu tố ngoài trời như tìm kiếm dấu vết động vật…
Theo trang Outside Online, giờ đây, khi một năm học mới sắp đến, hầu như không ai ở Peterborough muốn đưa lũ trẻ trở lại các phòng học. Học khu đang xây dựng một số lớp học ngoài trời kiên cố, giống như vọng lâu và đã lên kế hoạch cải tạo một con đường mòn có cây cối chạy qua sân trường.
“Tôi tin rằng việc học tập ngoài trời sẽ tiếp tục sau khi đại dịch COVID-19 qua đi” - Nichols nói.
Mảng xanh trường học đang dần được mở rộng
Theo bà Sharon Danks, Giám đốc điều hành Green Schoolyards America - một tổ chức quốc gia chuyên về việc xây dựng môi trường học tập bên ngoài lớp học trên khắp nước Mỹ, trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, hàng ngàn trường học đã chuyển ra ngoài trời. Một số trường đang có kế hoạch biến các lớp học ngoài trời trở thành một phần cố định trong cơ sở hạ tầng của trường học.
|
Học vẽ ngoài trời giúp trẻ cảm nhận được thiên nhiên dễ dàng hơn - Ảnh: YASAMAN SOHRABI |
Suốt 30 năm qua, bà Danks đã làm việc để biến những sân trường bê tông thành không gian giống như công viên với cây cối, thảm cỏ, khu vườn trong sân trường và các yếu tố tự nhiên khác. Bà nói sự quan tâm đã tăng đều trong nhiều năm và đại dịch đã góp phần đẩy nhanh tiến độ mở rộng mảng xanh ở các trường học lên gấp mười lần.
Để đáp ứng nhu cầu mới này, bà Danks đã đưa ra sáng kiến thành lập dự án “Sáng kiến học tập ngoài trời mùa COVID-19 cấp quốc gia” - dự án cung cấp các nguồn tài nguyên trực tuyến miễn phí nhằm khuyến khích các trường học mở cửa một cách an toàn bằng cách di chuyển ra ngoài trời.
Các chủ đề bao gồm từ việc thiết kế không gian học tập ngoài trời, tìm nguồn tài trợ để đối phó với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh… Ví dụ, trong một nghiên cứu điển hình từ Portland, Maine, học khu đã mua và phân phát mũ, găng tay và quần tuyết nhằm đảm bảo tất cả học sinh có thể giữ ấm trong mùa đông.
Việc di chuyển lớp học ra bên ngoài không chỉ làm giảm nguy cơ lây truyền virus giữa học sinh với nhau mà nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc học tập ngoài trời giúp học sinh ít căng thẳng và dễ tập trung hơn, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể của trẻ. Thêm vào đó, trước đây, các trường mầm non có cảnh quan thiên nhiên chủ yếu là các trường tư có điều kiện.
Việc mở rộng môi trường học ngoài trời ở các trường công lập sẽ giúp nhiều học sinh được tiếp cận môi trường học tập tiên tiến này, cải thiện khả năng tiếp cận công bằng với thiên nhiên, đặc biệt là ở các thành phố - nơi công viên có xu hướng tập trung gần những khu vực đông người giàu có.
Bà Danks còn cho biết nhiều trường học ở tất cả 50 tiểu bang, từ các trường độc lập nhỏ đến các trường ở các thành phố lớn như Washington D.C. và New York… đã tham gia “Sáng kiến học tập ngoài trời mùa COVID-19 cấp quốc gia”. Cũng giống như Peterborough, nhiều trường có kế hoạch tiếp tục tổ chức các lớp học bên ngoài ngay cả khi dịch bệnh đã lắng.
“Những trường học mở thêm các lớp ngoài trời báo cáo kết quả khá tích cực. Họ nói bọn trẻ hạnh phúc hơn còn giáo viên cảm thấy an toàn và nhận ra rằng họ đều thích có một số ngày học tập ở ngoài trời hơn là ở mãi trong lớp học” - bà Danks nói.
Bên cạnh việc học tập ngoài trời, một số trường học còn kết hợp với các hoạt động ngoài trời như làm vườn, đạp xe đạp leo núi… như một phần trong chương trình giảng dạy. Trong thời gian này, khi biến thể Delta khiến tình hình dịch bệnh ở nhiều nơi phức tạp trở lại, việc học tập ngoài trời lại được thêm nhiều trường học áp dụng.
Học tập ngoài trời giúp trẻ phát triển toàn diện hơn
Điều gì xảy ra với trẻ em khi chúng tiếp xúc với cây cối, đi dạo giữa thiên nhiên, học các bài học ngoài trời, quan sát động vật hoang dã hay đơn giản là thư giãn trước khung cảnh thiên nhiên?
|
Trẻ nhỏ hào hứng hơn với “lớp học ngoài trời” - Ảnh: PAIGE GREEN |
Theo trang Parenting Science, những trải nghiệm như vậy có thể sẽ khiến bọn trẻ phấn khích, vui vẻ, đầy cảm hứng. Đối với nhiều người, các hoạt động này là một phần tất yếu của cuộc sống. Vậy tại sao chúng ta lại bó buộc lũ trẻ trong những bức tường ngột ngạt? Phải chăng chúng ta đang nợ trẻ em quyền tiếp cận với thiên nhiên?
Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, chơi và thư giãn trong môi trường tự nhiên có thể xoa dịu căng thẳng. Đi bộ trong thời gian ngắn có thể làm giảm lo lắng, mất tập trung và các triệu chứng của ADHD (chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn). Và một khi trường học đưa trẻ em ra ngoài trời để học, trẻ em sẽ trở nên có động lực và biết tự định hướng.
Không chỉ vậy, việc tiếp xúc với môi trường tự nhiên dường như có ảnh hưởng đến hoạt động cảm xúc và nhận thức của trẻ. Trong một nghiên cứu quy mô lớn theo dõi gần một triệu trẻ em Đan Mạch, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để tính toán lượng cây xanh mà mỗi trẻ em được tiếp cận xung quanh không gian sống của chúng và họ ghi nhận được sự khác biệt rõ ràng giữa những đứa trẻ tiếp xúc nhiều với cây xanh và những đứa trẻ không có cơ hội đó.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ lớn lên ở những nơi có thảm thực vật thấp nhất có nguy cơ mắc các chứng rối loạn thần kinh, căng thẳng hoặc rối loạn tâm thần cao hơn 30%.
Chưa dừng lại ở đó, thông qua việc đưa trẻ ra khỏi lớp học, nhà trường có thể dạy trẻ rằng việc học diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc; từ đó giúp trẻ hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc học: không chỉ gói gọn trong sách vở và không gian lớp học.
Điều quan trọng là dù ở bất cứ không gian hay thời gian nào, trẻ vẫn nên chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực và tìm kiếm những tri thức mới.
Tú Quyên