Khi thấy những con số nhiễm COVID-19 và tử vong tăng cao ở Mỹ, tôi lo lắng, gọi điện thoại hỏi thăm người bạn. Bạn phản hồi: “Cảm ơn cậu. Tớ bên đây vẫn ổn. Tiểu bang tớ ở có tỷ lệ lây nhiễm không cao lắm. Còn con số tử vong đa số thuộc về người già thôi. Cậu an tâm nha”.
Bạn nói vô tư như thể đã là người già rồi thì chết cũng “đáng cái mồ”, bác của tôi ngồi gần bên nghe được càng xuống tinh thần, nhất là vào thời điểm Việt Nam bước vào đợt phòng, chống COVID-19 mới.
Bác đột nhiên hỏi tôi: “Hay là bác báo với đội tập dưỡng sinh cho bác nghỉ tập nửa tháng?”. Bác lấy lý do lười, mới về quê vào nên còn mệt… Tôi gặng hỏi mãi, bác thú thật bác về quê Quảng Nam có ghé người bạn ở Đà Nẵng. Bác lo lắng khi biết Đà Nẵng trở thành ổ dịch, và bác trở vào TP.HCM chỉ một ngày trước khi Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội.
Tôi hỏi vài câu thì bác òa khóc như đứa trẻ. Bác cuống cuồng đòi đi xét nghiệm COVID-19. Tôi trấn an bác và nhắc đến khai báo y tế. Bác vội vã tròng áo khoác để đi. Tôi nói có thể khai báo y tế online thì bác cởi áo khoác đem cất, mặt vẫn bồn chồn, căng thẳng.
Đến tối, bác hỏi: “Đã khai báo y tế chưa? Nhớ khai báo liền nhé. Phường dặn thế nào? Bác sẽ chẳng đi đâu cả. Bác cách ly tại nhà. À, còn bệnh tim mạch huyết áp của bác sắp tới lịch tái khám thì sao con?”.
Trước nghịch cảnh nói chung, dịch bệnh nói riêng, người cao tuổi thường bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Người cao tuổi tiếp nhận thông tin thụ động, một chiều (đa số là thông tin tiêu cực), bản thân vốn sợ bệnh tật, lại được xem là “đội yếu” nên rất lo lắng, bi quan.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc chủ động dự phòng đối với người cao tuổi là vô cùng quan trọng vì sức đề kháng của người cao tuổi suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật thấp, dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh và diễn tiến theo chiều hướng xấu.
Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, trung bình có 2,6 bệnh đối với người hơn 60 tuổi, có 6,8 bệnh đối với người trên 80 tuổi. Người cao tuổi cần được con cháu chia sẻ thông tin, nâng đỡ tinh thần và hỗ trợ điều kiện chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý - tiến sĩ Vũ Gia Hiền (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa du lịch), trước dịch bệnh diễn biến phức tạp, tâm lý người già được chia thành ba dạng: sợ chết, không sợ chết và giữa hai thái cực đó. Bên cạnh những người già hoang mang, lo sợ thái quá, cũng có người liều lĩnh vô tư “chết thì thôi”. Họ cứ hồn nhiên ra ngoài tiếp xúc, không khẩu trang, không thèm rửa tay sát khuẩn. Không phải càng cao tuổi thì trách nhiệm xã hội càng cao, trách nhiệm xã hội tùy thuộc vào ý thức và giá trị tinh thần.
Dù người già đa số có tế bào yếu, nhiều bệnh nền, vi-rút dễ xâm nhập và đã xâm nhập thì việc chữa trị khó khăn, nhưng tâm lý hoang mang không phải là tâm lý chung của tất cả người già. Vì thế, theo tiến sĩ Vũ Gia Hiền, tùy mỗi người, mỗi gia đình nhận diện tâm lý ông bà, cha mẹ mình ở dạng nào thì chú ý, có cách ứng xử phù hợp.
Ví dụ nhóm liều lĩnh, không sợ chết thì con cháu nên cung cấp thông tin nâng cao cảnh giác, thậm chí “dọa” cho các cụ biết sợ. Không phải chết dễ dàng, bệnh tật sẽ hoành hành và sẽ ra đi đơn độc, không người thân bên cạnh để các cụ nhụt ý chí “ta không sợ, ta già rồi”. Từ đó người già tuân thủ các quy định khai báo y tế, giãn cách xã hội hay cách ly tại nhà nếu rơi vào trường hợp chính quyền yêu cầu, để không lây lan cộng đồng.
Với nhóm tâm lý người già sợ chết thì tập các cụ dũng cảm, chiến đấu với vi-rút bằng cách bảo vệ sức khỏe. Mỗi ngày, con cháu đọc báo chính thống cho ông bà nghe, kể các câu chuyện tích cực, những ca đã chữa lành để ông bà hiểu tinh thần cảnh giác sẽ giúp ta tránh xa vi-rút, nhưng với những trường hợp nhiễm cũng không phải là dấu chấm hết.
Con cháu cần quan tâm nhu cầu giao tiếp của ông bà, cha mẹ, giúp kết nối điện thoại cho các cụ với bạn bè, con cháu ở xa theo mong muốn của các cụ. Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, phòng ốc cho người già thật thông thoáng, sáng sủa; khuyến khích người già tập thể dục, tắm nắng; ăn uống bồi bổ, ngủ đủ giấc, tăng sức đề kháng…
|
Ảnh minh họa |
Cũng vì thấu hiểu nhu cầu của người già, tháng 4/2020, DFC Việt Nam đã chọn chủ đề “Làm gì để giúp ông bà vui khỏe mùa dịch COVID-19?” để mở đầu chiến dịch kết nối, chia sẻ cảm xúc qua mạng của trẻ em trong nước và nhiều nước trên thế giới.
DFC là phong trào trẻ em lớn nhất thế giới, nơi trẻ em đóng góp sáng kiến và thực hiện các dự án có ích cho cộng đồng bằng phương pháp tư duy kiến tạo mà Tomato Education do thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương sáng lập là đại diện chính thức phong trào này ở Việt Nam.
Chủ đề không chỉ thu nhặt được những hình ảnh, tranh vẽ, clip dễ thương của các bé trò chuyện với nhau cho đỡ ngột ngạt vì giãn cách xã hội, mà còn thể hiện tấm lòng hiếu thảo của các cháu dành cho ông bà mình.
Có bé nảy ra ý tưởng gửi tặng ông bà thẻ tín dụng để ông bà mua sắm online, thuận tiện hơn mà không phải ra ngoài. Có bé lấy tiền lì xì mua khẩu trang tặng ông bà, mua thức ăn giúp hay cùng ông bà làm vườn… Các bạn khác chia sẻ những việc làm thể hiện sự quan tâm như pha nước ép cho ông bà, gọi điện trò chuyện, gửi email, kể cho ông bà những mẩu chuyện vui…
Chương trình giúp các bé và cha mẹ hướng đến nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nhất trong mùa COVID-19 là ông bà, cha mẹ mình, đồng thời cũng thấu hiểu nỗi khó khăn bộn bề của những người già neo đơn.
Một đợt chống COVID-19 nữa lại đến, đừng để những mái tóc pha sương bị lãng quên trong góc tối…
Tô Diệu Hiền