COVID-19 “đẩy” phụ nữ khỏi thị trường lao động

19/10/2021 - 06:02

PNO - Biến thể Delta, mùa tựu trường hỗn loạn và các trở ngại về việc chăm sóc trẻ em thời dịch bệnh đã dẫn đến một thị trường lao động ảm đạm đối với phụ nữ.

Phụ nữ mất việc nhiều hơn nam giới

Theo số liệu từ Cục Thống kê lao động Mỹ, trong tháng Chín, xứ cờ hoa có thêm 194.000 công việc được trả lương phi nông nghiệp. Thế nhưng, phụ nữ Mỹ lại mất đi 26.000 việc làm. Không chỉ vậy, giữa lúc 182.000 nam giới từ 20 tuổi trở lên bắt đầu tham gia lực lượng lao động thì lại có đến 309.000 phụ nữ từ 20 tuổi trở lên đã rời khỏi lực lượng lao động.

Trong báo cáo “Phụ nữ tại nơi làm việc” hằng năm, trang web Lean In và công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company phát hiện ra rằng có đến 1/3 phụ nữ tại Mỹ đã cân nhắc thay đổi hoặc rời bỏ công việc của mình trong năm qua, tăng nhanh so với mức 1/4 vào năm 2020.

Rachel Thomas - đồng sáng lập và CEO của trang leanin.org - giải thích: “Phụ nữ tiếp tục gánh khối lượng công việc nhà và chăm sóc con cái không cân đối so với nam giới. Ngoài ra, chúng tôi thấy rằng phụ nữ đang phải đảm nhiệm nhiều việc hơn ở văn phòng”.
 

Hậu đại dịch, nhiều phụ nữ vẫn băn khoăn về việc có nên quay lại làm việc hay không do họ đang thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội ẢNH: GETTY IMAGES
Hậu đại dịch, nhiều phụ nữ vẫn băn khoăn về việc có nên quay lại làm việc hay không do họ đang thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội - Ảnh: GETTY IMAGES

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ghi nhận có đến 62 triệu người lao động bị mất việc làm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020 vì cuộc khủng hoảng do COVID-19. Trong đó, tỷ lệ mất việc làm của phụ nữ (4,1%) cao hơn so với nam giới (3,6%) và họ cũng có nhiều khả năng không quay trở lại làm việc sau đại dịch. Báo cáo “Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021” của diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng, sự bất bình đẳng về giới tại nơi làm việc đang góp phần gây ra khó khăn cho các nền kinh tế đang phát triển của châu Á. 

Theo các nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE), thách thức lớn nhất của Ấn Độ trên mặt trận việc làm là thu hút dân số nữ tham gia lực lượng lao động. Trong khi 67% nam giới trong độ tuổi lao động có việc làm, chỉ 9% phụ nữ trong độ tuổi lao động của Ấn Độ làm việc. Dữ liệu từ cuộc điều tra định kỳ về lực lượng lao động cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ ở khu vực thành thị Ấn Độ là 13,1% trong quý IV/2020, cao hơn mức trung bình của cả nước là 10,3%; đồng thời tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ ở thành thị chỉ là 20,6% so với tỷ lệ chung của cả nước là 47,3%.

Tại Malaysia, nữ giới chiếm 39% tổng số lao động có việc làm. Thế nhưng, gần 2/3 tổng số việc làm mất đi trong năm 2020 là của nữ giới và tỷ lệ này vẫn tiếp tục duy trì đến nay, ngay cả khi số việc làm của nam giới bắt đầu phục hồi từ quý III/2020. Ở Philippines, gần 6,6 triệu phụ nữ đang tham gia vào nền kinh tế phi chính thức, vốn hoàn toàn không được kiểm soát. Do đó, phụ nữ trong lĩnh vực này thường có thu nhập thấp, ít hoặc không được bảo vệ quyền lợi, hưởng các phúc lợi… 

Cần sự hỗ trợ của xã hội

Trở ngại chính khiến thị trường lao động dành cho phụ nữ thu hẹp dường như nằm ở dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng và hệ thống giáo dục. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018 cho thấy, 60% phụ nữ Malaysia và nhiều nước Đông Nam Á không tham gia lực lượng lao động đã cho rằng phải đảm bảo công việc nội trợ là lý do chính buộc họ phải ở nhà. Đại dịch càng làm tình hình tồi tệ hơn khi các trường học đóng cửa và nhiều phụ nữ phải gánh thêm công việc gia đình bên cạnh trách nhiệm chuyên môn. 

Jasmine Tucker - Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Luật Phụ nữ quốc gia Mỹ - nhận định chính phủ và người sử dụng lao động có thể làm một số điều để hỗ trợ phụ nữ tham gia lực lượng lao động, bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ em, cho phép tất cả bậc cha mẹ được nghỉ phép có lương và tăng cường các biện pháp bảo vệ tại nơi làm việc. 

Khi thế giới mở rộng lệnh giãn cách nhằm ngăn chặn COVID-19, một số ngành có tỷ lệ nhân viên nữ cao như bán lẻ, khách sạn và du lịch đã đặt phụ nữ vào vị trí dễ bị tổn thương. Vì vậy, khi tái mở cửa, những giải pháp như sắp xếp công việc linh hoạt, chính sách trở lại làm việc dễ dàng là cần thiết để có thể khuyến khích phụ nữ dần giảm bớt công việc nội trợ, quay lại thị trường lao động.

Cuối cùng, các cơ quan có thẩm quyền phải đóng vai trò đặc biệt để khởi xướng các sáng kiến dành riêng cho phụ nữ, hỗ trợ đề xuất các chương trình đào tạo và phát triển để phụ nữ cảm thấy được trao quyền và tin tưởng hơn vào thị trường lao động. 

Linh La (theo Bernama, IPCS, Economic Times, Business Insider, CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI