COVID-19 đặt ra bài toán sức khỏe và miếng cơm manh áo

15/04/2020 - 09:00

PNO - Các nước đang gặp khó khăn khi tìm kiếm sự cân bằng giữa việc giữ an toàn cho mọi người mà vẫn đảm bảo họ vẫn có thể kiếm sống.

Các chính phủ đang gặp khó khăn khi tìm kiếm sự cân bằng giữa việc giữ an toàn cho mọi người khỏi một căn bệnh rất dễ lây lan mà vẫn đảm bảo họ vẫn có thể kiếm sống hoặc có đủ thức ăn.

Không thể sống mà không có thu nhập

Công nhân từ một số ngành công nghiệp không quan trọng đã quay lại làm việc hôm 13/4 tại Tây Ban Nha - một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. Còn tại Hàn Quốc, các quan chức cảnh báo, số ca nhiễm có thể tăng nếu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Hiện số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng ở Anh, Nhật Bản và một phần của Mỹ. Còn ở Ý và Tây Ban Nha, tốc độ lây lan vi-rút đã chậm lại.

Những phụ nữ tại Ahmedabad, Ấn Độ giữ đúng khoảng cách được khuyến nghị khi đợi tổ chức từ thiện đến phát khẩu trang, nước rửa tay
Những phụ nữ tại Ahmedabad, Ấn Độ giữ đúng khoảng cách được khuyến nghị khi đợi tổ chức từ thiện đến phát khẩu trang, nước rửa tay

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cho biết, dịch bệnh đã phá hủy kết cấu kinh tế, xã hội của đất nước. Chính phủ đang tìm cách khởi động lại sản xuất, cho phép công nhân thực hiện một số công việc ở nhà máy. Các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ vẫn đóng cửa, nhân viên văn phòng được khuyến khích tiếp tục làm việc tại nhà. Lệnh cấm mọi người rời khỏi nhà vì bất cứ lý do gì khác ngoài mua hàng tạp hóa và thuốc sẽ còn hiệu lực ít nhất hai tuần nữa.

Tại Madrid, José Pardinas nhận chiếc khẩu trang từ cảnh sát khi anh rời nhà và đi bộ đến làm việc tại công ty vận chuyển - nơi bắt đầu hoạt động trở lại sau ba tuần tạm dừng. Anh Pardinas kể: “Công ty không cung cấp cho chúng tôi bất kỳ thiết bị bảo vệ nào. Tôi rất lo lắng về việc nhiễm vi-rút nhưng gia đình tôi không thể tiếp tục sống mà không có thu nhập”.

Hôm 13/4, Ý ghi nhận số ca tử vong trong ngày là 430 người, thấp nhất trong ba tuần qua, nâng tổng số người chết lên hơn 19.800 người. Tại Veneto - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh - các quan chức tìm cách gỡ bỏ một số hạn chế trong việc di chuyển. Thống đốc vùng Veneto - Luca Zaia - cho phép người dân tập thể dục trong phạm vi 200m bán kính từ nhà và nối lại hoạt động chợ trời từ ngày 14/4. Đồng thời, chính quyền yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Cân nhắc dỡ bỏ các hạn chế xã hội

Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu áp dụng cách tiếp cận thận trọng đối với mọi sự nới lỏng các hạn chế. Bà dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp video với các thống đốc khu vực vào ngày 15/4, sau khi thống đốc những bang chịu ảnh hưởng nhiều nhất kêu gọi một lộ trình an toàn để đi đến dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết, các quan chức đang thảo luận về các hướng dẫn công cộng, cho phép thực hiện một số cấp độ hoạt động kinh tế và xã hội nhất định, đồng thời duy trì khoảng cách xã hội để làm chậm sự lây lan của vi-rút. Số ca nhiễm mới của Hàn Quốc đã chậm lại từ đầu tháng Ba, nhưng các quan chức cảnh báo về một sự lây lan vô hình tại các địa điểm như quán bar. Hôm 13/4, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố, chính phủ tập trung đảm bảo việc làm và bảo vệ nền kinh tế trong bối cảnh số người tìm kiếm trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh. Kim Gang-lip - Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc - cho biết, rất khó để nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường khi xem xét mối đe dọa của các ca nhiễm vi-rút mới.

Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh khi các công ty chậm chuyển sang làm việc từ xa và nhiều người vẫn đi lại ngay cả sau khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố cho bảy quận, bao gồm Tokyo. Để khuyến khích mọi người ở nhà, chính phủ đã phát hành một đoạn video cho thấy Thủ tướng Shinzo Abe ôm chú chó của mình, đọc sách ở nhà, nhưng thông điệp lại bất ngờ thu hút sự chỉ trích gay gắt trên phương tiện truyền thông xã hội.

Mỹ trở thành tâm dịch mới của thế giới với hơn 22.000 người chết. Khoảng một nửa số ca tử vong nằm ở khu vực đô thị New York, nhưng số ca nhập viện đang chậm lại ở tiểu bang và các chỉ số khác cho thấy việc phong tỏa, giãn cách xã hội đang đem lại kết quả tốt. Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ - cho biết, một số nơi của đất nước có thể dần mở cửa trở lại vào đầu tháng Năm. Dù vậy, ước đoán này vẫn không thực sự chắc chắn. 

Tấn Vĩ (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI