Lượng mua trực tuyến tăng, siêu thị bộc lộ hạn chế
Ngại đến nơi đông người, mấy ngày nay, bà Liên ở đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TPHCM - nhờ con gái đặt mua hàng qua mạng, giao tận nhà. Ban đầu, cô hơi bỡ ngỡ, nhưng sau đó quen dần với cách “đi chợ” này. “Trước, tôi thấy con gái hay mua mỹ phẩm, quần áo, giày dép qua mạng nên không nghĩ là mua được cả gạo, rau, thịt, cá... Giờ siêu thị, cửa hàng giao thực phẩm tận nhà nên mình cũng hạn chế ra ngoài, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch” - bà Liên chia sẻ.
Một số siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm đang tăng cường bán hàng qua website, ứng dụng (app) cài trên điện thoại. Hầu hết các danh mục hàng hóa đều thể hiện bằng hình ảnh, giá cả niêm yết rõ ràng, người mua chỉ cần chọn theo khối lượng hoặc gói, bấm nút đặt hàng. Người mua hàng có thể thanh toán online bằng thẻ ATM, thẻ visa, ví điện tử... hoặc trả tiền trực tiếp khi nhận hàng.
|
Người tiêu dùng được khuyến cáo hạn chế có mặt nơi đông người, ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hóa trực tuyến - Ảnh: Quốc Thái |
Hiện, nhu cầu đặt mua hàng qua website, tổng đài, hotline của các siêu thị, cửa hàng tăng mạnh, nhiều nơi đang quá tải. Chúng tôi gọi điện vào tổng đài bán hàng online của Bách Hóa Xanh, nhân viên cho biết, nếu đặt mua hàng hôm nay thì ba ngày sau mới giao được hàng, do hệ thống đang quá tải đơn hàng.
Đại diện hệ thống siêu thị LOTTE Mart cũng cho biết, số lượng đơn hàng qua website, ứng dụng Speed L hiện tăng từ 150-200% so với ngày thường, nguồn hàng phân bổ cho mảng online được tăng cường gấp đôi. Siêu thị bổ sung gấp ba lần số nhân lực hỗ trợ, mở rộng hệ thống vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường và đang cố gắng đảm bảo thời gian giao hàng như cam kết.
Đơn hàng mua sắm qua điện thoại, wesbite của Saigon Co.op cũng tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường. Chính sách miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 150.000 đồng trở lên, trong bán kính 10km và đặc biệt có giao cả thực phẩm tươi sống đang khiến mảng bán trực tuyến của một số hệ thống siêu thị quá tải.
Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết, sau khi triển khai bán hàng qua điện thoại trên toàn hệ thống siêu thị khắp ba miền, đơn đặt hàng qua hotline của của Big C tăng mạnh. Tuy nhiên, đơn vị này không nhận giao các mặt hàng tươi sống, đông lạnh và sản phẩm từ sữa.
Rất nhiều siêu thị, cửa hàng chỉ giao các mặt hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, chưa nhiều đơn vị nhận giao thực phẩm tươi sống đến tận nhà. Theo giải thích của đại diện siêu thị, cửa hàng, do thực phẩm tươi sống cần bảo quản lạnh và giao hàng nhanh mới đảm bảo chất lượng sản phẩm nên cần phải có thời gian, kinh phí đầu tư thêm. Các đơn vị đang tính toán mở rộng giao nhóm hàng này tận nhà trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng (NTD), nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen mua sắm của NTD như hiện nay.
Coi chừng “chợ cóc online”
Trong tin nhắn gửi vào thuê bao điện thoại di động của người dân, UBND TP.HCM khẳng định “đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm và thực phẩm phục vụ người dân và khuyến nghị hạn chế có mặt nơi đông người, ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hóa trực tuyến”.
|
Chưa thiết lập được website bán hàng trực tuyến chuyên nghiệp, tiện dụng, dịch vụ giao hàng kém linh hoạt... là điểm yếu của hầu hết các siêu thị. Ảnh: Quốc Thái |
Đại diện Sở Công thương TP.HCM cũng cho biết, để chủ động ứng phó với dịch COVID-19, cơ quan này đã đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, các đơn vị phân phối tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử (TMĐT), đồng thời khuyến khích người dân lựa chọn những đơn vị phân phối uy tín để mua hàng trực tuyến, tránh tình trạng mua phải hàng kém chất lượng, giá cao.
Ngoài các sàn TMĐT lớn, website của các siêu thị, cửa hàng, nhiều cá nhân cũng đẩy mạnh bán hàng qua Facebook, Zalo, mở ứng dụng đi chợ, cung cấp bữa ăn tận nhà... Các cá nhân bán hàng này giao thực phẩm tươi sống tận nhà, điều mà các siêu thị, cửa hàng chưa làm được. Tuy nhiên, khách mua hàng chủ yếu là người quen, còn phần lớn NTD chưa tin tưởng các kênh bán hàng nhỏ lẻ do chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.
Đón đầu làn sóng mua sắm online tăng mạnh dưới tác động của dịch COVID-19, mới đây, Facebook cập nhật thêm một ứng dụng bán hàng với hình thức như một không gian chợ (Facebook MarketPlace), mở rộng tương tác giữa người bán với hàng triệu người dùng Facebook, không giới hạn trong danh sách bạn bè của người bán, không tốn phí.
Điều kiện mở gian hàng cũng khá đơn giản, người bán chỉ cần có sẵn tài khoản Facebook, trên 18 tuổi là có thể đăng bán hàng trên chợ Facebook mà không cần bất cứ thủ tục gì khác. Các sản phẩm được đăng bán xuất hiện ngay trên dòng thông tin Facebook (news feed) và tiếp cận được với nhóm khách hàng phù hợp với khu vực bán hàng, nhu cầu hàng hóa.
Nhiều ý kiến cho rằng, Facebook cũng như một số sàn TMĐT cho các cá nhân bán hàng quá dễ dàng, thiếu các điều kiện, quy định bắt buộc để xác minh, bảo đảm nguồn gốc, chất lượng hàng hóa cũng như chất lượng dịch vụ... nên không khác gì chợ tự phát.
Ông Lê Hải Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam - cho rằng, ngoài các tính năng, tiện ích để thu hút người bán, người mua, Facebook cũng như các sàn TMĐT nên có các quy định để kiểm soát các cá nhân bán hàng chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo quyền lợi cho NTD.
Theo quy định, các sản phẩm thực phẩm đều phải được công bố chất lượng sản phẩm và doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân phải tự công bố, cơ quan nhà nước hậu kiểm, thanh tra và xử phạt nếu vi phạm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết, trong quá trình kiểm tra, ban đã phát hiện một số cơ sở chế biến thực phẩm không có các giấy tờ theo quy định, không công bố chất lượng sản phẩm, không khám sức khỏe, cập nhật kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm...
“Thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống đều phải có xuất xứ rõ ràng, có các giấy tờ thể hiện mua hàng ở đâu; nếu không có, sẽ bị lực lượng chức năng tịch thu, tiêu hủy và xử phạt hành chính. Đã là sản phẩm thực phẩm thì dù bán online hay trực tiếp đều phải chịu sự kiểm soát như nhau” - bà Lan nhấn mạnh.
Khi bán thực phẩm, các tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước và đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm cho NTD. Yêu cầu này được kiểm soát thông qua việc đơn vị tự công bố, nếu bán hàng online thì đăng ký trên website của Bộ Công thương, công bố các giấy phép trên trang bán hàng của mình để NTD yên tâm lựa chọn. Bên cạnh đó, các hệ thống giao hàng - đặc biệt là giao thực phẩm - cũng phải đăng ký với cơ quan quản lý và chịu sự kiểm soát để đảm bảo quyền lợi NTD.
Bà Lan khuyến nghị, khi đặt mua hàng qua mạng, giao tận nơi, NTD phải biết đơn vị, cá nhân bán hàng là ai, ở đâu để khi gặp vấn đề về chất lượng sản phẩm, còn có thể khiếu nại. NTD nên mua hàng ở những nơi bán hàng uy tín, công khai đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Những cơ sở kinh doanh quy mô lớn, sản phẩm có thương hiệu thường có hệ thống phân phối rõ ràng. Trước khi mua hàng qua mạng, NTD có thể kiểm tra lại thông tin đơn vị bán trên các website của cơ quan quản lý như Bộ Công thương, Cục An toàn thực phẩm...
Nguyễn Cẩm