COVID-19 đang bùng phát lại ở những quốc gia tiêm vắc xin Trung Quốc?

23/06/2021 - 15:03

PNO - Hơn 90 quốc gia trên thế giới đã sử dụng các loại vắc xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình trạng số ca nhiễm mới tăng mạnh trở lại ở những nước này gần đây là điều mà thế giới cần cảnh giác về hiệu quả của các loại vắc xin này.

Otgonjargal Baatar, một thợ mỏ 31 tuổi người Mông Cổ, đã bị bệnh sau khi tiêm liều vắc xin Sinopharm thứ 2 được một tháng và đã được đưa vào một bệnh viện ở Ulaanbaatar - thủ đô của Mông Cổ, nơi anh đã được làm xét nghiệm COVID-19 với kết quả dương tính.

Baatar nói về hiệu quả của loại vắc xin được tiêm: “Mọi người tin rằng nếu chúng tôi được tiêm ngừa thì mùa hè này sẽ không có COVID-19. Nhưng thực tế thì không phải như vậy”.

Tương tự như Mông Cổ, Bahrain - một quốc đảo ở vùng Vịnh Ba tư - cũng từng tuyên bố rằng “cuộc sống bình thường” sẽ sớm trở lại với nước này. Và Seychelles - một quốc đảo nhỏ khác ở vùng biển Ấn Độ Dương - thì đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc khởi động lại nền kinh tế.

Cả ba quốc gia nói trên đều đã đặt ít nhiều niềm tin vào nguồn vắc xin do Trung Quốc cung cấp mà họ có thể tiếp cận dễ dàng, và đã triển khai mạnh mẽ các chương trình tiêm chủng đại trà cho người dân, trong khi hầu hết các nước khác trên thế giới chưa làm được điều này. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, thay vì đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng, cả ba nước nói trên lại đang phải vật lộn với một đợt bùng phát các ca nhiễm COVID-19 mới.

Từ năm ngoái, Trung Quốc đã khởi động chiến dịch ngoại giao vắc xin bằng việc cam kết viện trợ cho một số quốc gia nguồn vắc xin COVID-19 do nước này sản xuất. Vào thời điểm đó, thế giới vẫn chưa xác định được tác dụng thật sự của loại vắc xin này cũng như một số loại vắc xin do các nước khác phát triển trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch.

Thế nhưng, thực tế phát sinh từ một số quốc gia đã sử dụng các loại vắc xin do Trung Quốc sản xuất để tiêm cho người dân cho thấy, những loại vắc xin này có thể không có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nhất là đối với các biến thể mới. Kinh nghiệm của các quốc gia này đặt ra một thực tế khắc nghiệt mà các nước trên thế giới phải đối mặt. Đó là, mức độ hồi phục sau đại dịch của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào loại vắc xin mà quốc gia đó sử dụng để tiêm cho người dân.

Tại Seychelles, Chile, Bahrain và Mông Cổ, tỷ lệ dân số đã được tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ lên đến 68%, vượt xa Mỹ, theo Our World in Data, một dự án theo dõi các dữ liệu trên thế giới.

Nhưng gần đây, những quốc gia này lại lọt vào danh sách 10 nước đang phải đối mặt với những đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất trên thế giới, theo dữ liệu từ tờ The New York Times. Và cả 4 quốc gia này đều đã sử dụng vắc xin do hai công ty của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac Biotech sản xuất.

“Nếu vắc xin Trung Quốc đủ tốt, chúng ta đã không phải chứng kiến diễn biến như vậy. Và Trung Quốc phải có trách nhiệm khắc phục tình trạng này”, Jin Dongyan - một nhà virus học của Đại học Hồng Kông - lên tiếng.

Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được lý do chính xác vì sao một số quốc gia có tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 tương đối cao lại đang phải đương đầu với những đợt bùng phát dịch mới.

Sự xuất hiện của các biến thể, việc các chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội quá nhanh, và sự chủ quan của một số người người khi chuyển sang lối sống thoải mái như bình thường sau khi chỉ mới tiêm được một liều vắc xin, có thể là một số nguyên nhân. Tuy nhiên, dù là do nguyên nhân gì thì những nước đang bị dịch COVID-19 tấn công mạnh trở lại đều sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả lâu dài.

Tại Mỹ, nơi có khoảng 45% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, với hai loại vắc xin được sử dụng chính là Pfizer-BioNTech và Moderna, số ca nhiễm COVID-19 mới đã giảm đến 94% trong 6 tháng gần đây.

Tương tự, tại Israel - quốc gia đã sử dụng vắc xin của Pfizer và đạt tỷ lệ tiêm chủng cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Seychelles - số ca nhiễm mới mỗi ngày chỉ ở con số dưới 5, trong số dân khoảng 1 triệu người của nước này.

Trong khi đó, Seychelles - nơi chủ yếu sử dụng vắc xin Sinopharm - lại đang chứng kiến hơn 716 ca nhiễm mới trên 1 triệu dân mỗi ngày.

Theo giới quan sát, sự chênh lệch này có thể phân thế giới thành ba nhóm quốc gia, theo nguồn và cách tiêm vắc xin COVID-19 của các nước. Nhóm đầu tiên là các quốc gia giàu có, đã sử dụng vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna. Kế đến là các quốc gia nghèo hơn không có khả năng tiêm chủng cho đa số công dân. Sau cùng là những nước đã tiêm vắc xin đầy đủ cho đa số người dân, nhưng lại đạt được tỷ lệ miễn dịch khá thấp.

Và theo đó, Trung Quốc, cùng với hơn 90 quốc gia khác đã sử dụng vắc xin do nước này sản xuất, có thể sẽ nằm trong nhóm thứ 3, và sẽ phải đối mặt với các đợt phong tỏa, thực hiện xét nghiệm hàng loạt cho người dân, cũng như thực hiện nhiều biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội khác trong nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm tới, tác động mạnh đến nền kinh tế.

Chưa hết, khi nhiều người dân vẫn còn đang hoài nghi về hiệu quả của các loại vắc xin do Trung Quốc sản xuất, các nước cũng sẽ khó thuyết phục những người dân chưa tiêm chủng làm điều này.

Nhất Nguyên (theo The New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI