Năm 2019, Juwita nghĩ rằng cô đã gặp "người tình lý tưởng", là Tio, qua ứng dụng Messenger của Facebook. Khi đó, Juwita 16 tuổi và là học sinh trung học ở Denpasar, thủ phủ của hòn đảo nghỉ mát Bali. Sau giờ học, Juwita dành nhiều thời gian trên mạng.
Từ khi gặp Tio, 20 tuổi, Juwita nghĩ rằng mình đã tìm được người yêu thương và quan tâm khi anh chàng luôn thăm hỏi với hàng trăm tin nhắn ấm áp trong vài tuần.
Cuối cùng họ đã đồng ý gặp nhau, dành hàng giờ cùng nhau tại các điểm du lịch quanh Bali.
Sau đó, Tio đề nghị Juwita sống cùng anh ta trong một căn phòng nhỏ thuê ở Denpasar. Lúc đầu, Juwita từ chối, nói rằng cô vẫn đang đi học và cha mẹ cô sẽ không đồng ý.
“Nhưng rồi anh ta tức giận và đe dọa tôi. Tôi rất sợ anh ấy sẽ rời bỏ tôi nên tôi đã đồng ý ở lại”, Juwita kể.
Chẳng mấy chốc, cặp đôi hết tiền và không có tiền để trả tiền thuê nhà cũng như mua thức ăn. Cũng chính lúc đó, Tio nảy ra ý tưởng lập một tài khoản trên ứng dụng nhắn tin Michat có trụ sở tại Singapore. Ứng dụng này cho phép mọi người giao tiếp với người lạ và Tio đề nghị Juwita bán dâm.
Juwita ban đầu từ chối nhưng đã cuối cùng đã nhượng bộ khi cha cô - trụ cột duy nhất của gia đình mất việc làm hướng dẫn viên du lịch vì đại dịch COVID-19, và cô cũng không muốn làm gánh nặng cho gia đình.
Tio đưa ra mức giá 500.000 IDR (35 USD) mỗi giờ khi Juwita bán dâm và trong vòng một ngày, cô đã quan hệ tình dục với 8 người lạ. Tất cả số tiền cô kiếm được đều do Tio nắm giữ. Sau vài tuần bị giam cầm, cô gái trẻ tìm cách chạy trốn khỏi căn phòng u tối. “Tôi là máy ATM đi bộ của anh ta. Đây không phải là mối quan hệ mà tôi muốn", Juwita nói.
|
Hoàng hôn ở bãi biển Echo ở Bali. Hòn đảo nghỉ mát này bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu du lịch quốc tế do đại dịch. |
Trải nghiệm đau buồn của Juwita không phải là duy nhất. Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em Indonesia (KPPPA) đã ghi nhận sự gia tăng rất nhiều các vụ buôn người trong đại dịch với 256 nạn nhân trong năm 2021, so với 213 vào năm 2020 và 111 vào năm 2019.
Tình trạng bóc lột trẻ em, bao gồm cả việc sử dụng trẻ vị thành niên vào các hoạt động tội phạm và công việc độc hại cũng đang gia tăng, với hơn 165 trường hợp được báo cáo vào năm 2021 - tăng từ 133 trường hợp vào năm 2020 và 106 trường hợp vào năm 2019.
Theo số liệu công bố gần đây nhất từ Chỉ số nô lệ toàn cầu của tổ chức phi chính phủ Australia Walk Free, ước tính có khoảng 1,2 triệu người Indonesia đã bị bắt làm nô lệ trong năm 2016. Nhiều người bị buôn bán để làm ô sin ở trong và ngoài nước hoặc bị bóc lột trong hoạt động mại dâm. Khoảng 43% nạn nhân buôn người ở Indonesia được cho là ở độ tuổi 14-17.
Các chuyên gia cho rằng số lượng trẻ em bị buôn bán và bóc lột trong nước còn nhiều hơn do nhiều trường hợp không được khai báo.
|
Du khách trong nước đi dạo tại một bãi biển ở Kuta, Bali, vào ngày 29/12. Ảnh: Bloomberg |
Báo cáo về Nạn buôn người (TIP) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2021 cho biết Indonesia “không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để thực hiện điều đó”. Năm 2019, theo báo cáo của TIP, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 132 cá nhân với cáo buộc buôn bán tình dục.
Tuy nhiên, các vụ kiện khi đưa ra tòa, kết quả thường không khả quan cho các nạn nhân. Theo người đứng đầu Tổ chức Trợ giúp Pháp lý Phụ nữ Bali, Ni Luh Putu Nilawati, buôn người là một tội nghiêm trọng ở Indonesia với mức án tối đa là 15 năm tù. Nhưng trung bình, những tên phạm tội chỉ phải ngồi tù khoảng 3 năm.
“Vấn đề với hệ thống pháp luật của chúng tôi là khó có thể chứng minh được liệu những trường hợp như vậy có thể được coi là buôn người hay không”, bà nói và cho biết thêm nếu nạn nhân là trẻ em thì “đôi khi thủ phạm chỉ bị buộc tội theo luật Bảo vệ trẻ em chứ không phải Luật chống buôn bán người”.
Ibnu Dwi Cahyo, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Bảo mật Hệ thống Thông tin và Truyền thông của Indonesia, cho biết đại dịch đã khiến 328.000 công nhân du lịch của Bali mất việc làm. Cũng từ đây, đã có sự gia tăng số người sử dụng các ứng dụng tin nhắn để tham gia mại dâm trực tuyến như một phương tiện kiếm sống.
Cahyo nói rằng khi nạn mại dâm trực tuyến đang gia tăng, những kẻ buôn bán tình dục đã tận dụng các ứng dụng tin nhắn này để môi giới. Từ năm 2019 đến năm 2021, KPPPA đã ghi nhận 5 vụ buôn người ở Bali với 10 nạn nhân, trong đó có một số trẻ em. Tuy nhiên, chỉ có 3 trường hợp bị đưa ra tòa.
Nilawati cho biết quỹ của cô đã giúp đỡ 17 nạn nhân buôn người ở Bali từ năm 2016-2018 và đó là “phần nổi của tảng băng chìm”. Cô nói rằng việc buôn người xảy ra sau những cánh cửa đóng kín, rất khó để cảnh sát theo dõi do hạn chế về nhân sự và ngân sách. Trong khi hầu hết các trường hợp mua bán thường diễn ra tại các quán cà phê, spa và khách sạn...
Nilawati nói thêm rằng hơn 26 nạn nhân buôn người đã được giải cứu khỏi một quán cà phê ở Bali vào năm 2016 với hầu hết cho biết họ luôn nghĩ điểm du lịch nổi tiếng này sẽ có nhiều việc làm lương cao. “Mọi người thường nghĩ người nước ngoài giàu có. Ngành du lịch cũng đã tạo ra ảo tưởng rằng Bali cung cấp những công việc được trả lương cao", Nilawati nói.
Một vấn đề khác mà theo Nilawati là khó xóa bỏ nạn mại dâm và buôn người do các gia đình thường không trình báo cảnh sát: “Không hiếm những trường hợp được giải quyết bên ngoài hệ thống pháp luật với một số tiền đền bù được thỏa thuận”, Nilawati nói.
Cahyo còn cho biết, việc xóa bỏ mại dâm trực tuyến không thể thực hiện đơn giản bằng cách cấm các ứng dụng vì cấm cái này mọi người sẽ tìm kiếm cái khác. “Chúng ta không nên đổ lỗi cho các ứng dụng. Nạn buôn người, mại dâm là một vấn đề của xã hội. Vì vậy, cách duy nhất là giải quyết gốc rễ của nó chứ không phải bằng cách chặn các ứng dụng”.
Nguyễn Thảo (theo SCMP)