COVID-19 đã dịu, Mỹ vẫn chưa cùng EU mở cửa biên giới

25/06/2021 - 05:24

PNO - Khi đại dịch COVID-19 thu hẹp đáng kể ở phương Tây, các nước châu Âu bắt đầu mở cửa biên giới đối với người Mỹ, nhưng Washington không làm điều tương tự, vẫn giữ những hạn chế kiểm dịch được đặt ra cách đây 15 tháng.

Hành khách xếp hàng làm thủ tục tại Sân bay John F. Kennedy ở New York ngày 28/5/2021 khi việc đi lại được nới lỏng - Ảnh: AFP
Hành khách xếp hàng làm thủ tục tại sân bay John F. Kennedy ở New York ngày 28/5/2021 khi việc đi lại được nới lỏng - Ảnh: AFP

Mỹ không vội vã mở cửa biên giới

Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng ca ngợi những tiến bộ trong việc tiêm chủng, khi nước Mỹ đang tiến đến mục tiêu 70% người Mỹ được tiêm ít nhất một liều trước ngày Độc lập 4/7, và các cơ quan y tế đã nới lỏng các khuyến nghị về đeo khẩu trang, nhưng quy định về hạn chế đi lại vẫn nguyên vẹn.

"Chúng tôi mong muốn nối lại việc đi lại xuyên Đại Tây Dương ngay sau khi khoa học cho phép", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết hôm 21/6. "Tôi không thể đưa ra khung thời gian cụ thể, chỉ vì nó sẽ phụ thuộc phần lớn vào quá trình dịch tễ học, vào việc ứng phó với virus trên toàn thế giới và những diễn biến mới, bao gồm cả sự hiện diện và tác động của các biến chủng", ông Ned Price nói.

Tuần trước, Tổng thống Biden đã cam kết với các đồng minh châu Âu sẽ khôi phục các liên minh sau nhiệm kỳ tổng thống đầy sóng gió của ông Donald Trump. Nhưng Tổng thống Biden cũng cho thấy ông không vội vàng về vấn đề đi lại, khi chính quyền Mỹ một lần nữa gia hạn việc đóng cửa biên giới trên bộ với Canada và Mexico đến ngày 21/7.

Trong thời gian đại dịch, Mỹ cũng cấm nhập cảnh đối với hầu hết du khách đến từ Liên minh châu Âu cũng như Anh, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Nam Phi.

Tuy nhiên, ông Biden cho phép ngày càng nhiều các trường hợp miễn trừ đối với các nhà báo, sinh viên và những người khác, họ có thể đi lại bất chấp những hạn chế đối với khách du lịch bình thường.

Ngược lại, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định mở lại biên giới đối với người Mỹ với điều kiện những người này đã được tiêm chủng hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

"Hy vọng chúng tôi sẽ tìm ra một giải pháp tương tự trên tinh thần có đi có lại cho việc đi lại từ Đức và EU đến Mỹ!", đại sứ Đức tại Mỹ Emily Haber viết trên Twitter.

EU chịu áp lực phục hồi du lịch

Nhưng EU mở cửa không phải sau khi đàm phán có đi có lại với Mỹ, mà dưới áp lực từ các quốc gia thành viên phụ thuộc vào ngành du lịch như Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha đang mong muốn hồi sinh một ngành công nghiệp bị đại dịch tàn phá.

Tại Mỹ, không có thế lực nào tương tự đòi cho phép du khách nước ngoài vào Mỹ, ngay cả khi các hãng hàng không và các công ty du lịch lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng các quy tắc phòng chống dịch, và tạp chí Phố Wall (WSJ) trong một bài xã luận gần đây cho biết không có lý do gì để không đáp lại quyết định của châu Âu.

Đầu tháng Sáu, chính quyền Tổng thống Biden đã thông báo thành lập các nhóm làm việc với EU, Anh, Canada và Mexico về các bước mở cửa tiếp theo.

Hàng ngàn ngoại kiều đóng thuế cho nước Mỹ và có thể có gia đình ở Mỹ nhưng không thể rời đi, họ lo lắng về việc liệu họ có thể quay trở lại hay không; một số người có thị thực đã hết hạn trong thời gian đại dịch, có nghĩa là họ có thể phải chờ đợi lâu nếu ra nước ngoài với hy vọng được gia hạn tại các lãnh sự quán Mỹ đã quá tải.

Celia Belin, một học giả người Pháp tại Viện Brookings ở Washington, cho rằng Tổng thống Biden được bầu vì những lời hứa sẽ giải quyết COVID-19 tốt hơn người tiền nhiệm Trump và "muốn không có rủi ro" phải đối mặt với những lo lắng về biến chủng Delta. Bà lưu ý rằng người châu Âu có các ngưỡng dịch tễ rõ ràng về thời điểm họ sẽ mở cửa với du khách Mỹ, nhưng không hề có sự minh bạch tương tự từ phía Mỹ.

Theo bà, Tổng thống Biden đã "ưu tiên vấn đề sức khỏe trên mọi thứ khác mà không tính đến hậu quả xã hội và con người".

Hòa Ninh (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI