COVID-19 có thể gây bất bình đẳng và chia rẽ lâu dài?

09/04/2021 - 14:41

PNO - Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiềm tàng kéo dài, bao gồm cả việc làm sâu sắc thêm bất bình đẳng toàn cầu và gây chia rẽ chính trị, theo báo cáo tình báo của Mỹ công bố hôm 8/4.

Các nhà phân tích tình báo của Mỹ nhận định những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch COVID-19 có thể bao gồm gia tăng sự chia rẽ chính trị và bất bình đẳng toàn cầu - Ảnh: UPI
Các nhà phân tích tình báo của Mỹ nhận định những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch COVID-19 có thể bao gồm gia tăng sự chia rẽ chính trị và bất bình đẳng toàn cầu - Ảnh: UPI

Báo cáo Xu hướng Toàn cầu 2040 của Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (NIC) - được công bố bốn năm một lần - dự báo về một tương lai có thể xảy ra: Con người xung đột về tài nguyên, các chính phủ đấu tranh để đáp ứng nhu cầu của công dân và các cộng đồng cư dân ngày càng bị chia cắt vào năm 2040, kết quả là làm gia tăng sự chia rẽ chính trị và bất bình đẳng toàn cầu.

Dự báo của NIC - dựa trên báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ - đưa ra nhận định: “Đại dịch COVID-19 đang diễn ra đánh dấu sự gián đoạn toàn cầu duy nhất và trọng nhất kể từ Thế chiến II, khi những tác động đối với y tế, kinh tế, chính trị và an ninh sẽ còn lan rộng trong nhiều năm tới”.

Báo cáo lưu ý rằng COVID-19 đang "làm chậm lại và có thể đảo ngược một số xu hướng phát triển lâu đời của con người", và việc ứng phó với đại dịch đã thúc đẩy chủ nghĩa đảng phái và phân cực khi mọi người "tranh luận về cách thức tốt nhất để ứng phó và tìm kiếm vật tế thần để đổ lỗi cho việc virus lây lan và phản ứng chậm của các quốc gia”.

Báo cáo dự đoán rằng vì vậy mọi người có khả năng "bị thu hút bởi các kho thông tin của những người có cùng quan điểm khi tìm cách củng cố niềm tin và sự hiểu biết về sự thật".

Ngoài đại dịch, báo cáo cũng cảnh báo rằng các tác động vật lý do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan "sẽ tác động đến mọi quốc gia."

Công nghệ được kỳ vọng sẽ vẫn đóng một vai trò không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, với trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một công cụ sẽ "mang lại lợi ích cho hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống", kèm theo những rủi ro lớn liên quan đến quyền tự do dân sự.

Báo cáo của NIC cho biết: “Quyền riêng tư và ẩn danh có thể biến mất theo sự lựa chọn hoặc ủy quyền của chính phủ, vì tất cả các khía cạnh của cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp đều được theo dõi bởi các mạng lưới toàn cầu”. "Phương tiện truyền thông thời gian thực, được sản xuất hoặc tổng hợp, có thể bóp méo sự thật và thực tế hơn nữa, góp phần gây mất ổn định xã hội về thông tin sai lệch”.

Báo cáo cũng đưa ra nhiều kịch bản khác nhau, bao gồm cả một kịch bản Hoa Kỳ vươn lên một kỷ nguyên lãnh đạo toàn cầu mới cùng với các đồng minh châu Âu, được thúc đẩy bởi việc phân phối vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu, trong khi Nga và Trung Quốc đấu tranh với các vấn đề nội bộ và những bộ óc sáng suốt nhất của họ rời bỏ đất nước đến các quốc gia khác.

Một kịch bản khác cho thấy Hoa Kỳ mất vị thế cường quốc thế giới trong bối cảnh khủng hoảng môi trường và tình trạng thiếu lương thực toàn cầu, trong khi Liên minh châu Âu hợp tác với Trung Quốc và Liên Hợp Quốc để tăng cường viện trợ quốc tế và và các hoạt động đảm bảo cho tính bền vững.

Báo cáo cũng lưu ý rằng hệ thống quốc tế hiện "được thiết lập kém khi giải quyết các thách thức toàn cầu gia tăng mà người dân đang phải đối mặt", nhưng cho biết đại dịch cũng có thể là tác nhân để khắc phục những vấn đề này.

Báo cáo của Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ nêu rõ: "COVID-19 cũng có thể dẫn đến chuyển hướng ngân sách quốc gia theo hướng ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế, điều chuyển nguồn vốn chi tiêu quốc phòng, viện trợ nước ngoài và các chương trình cơ sở hạ tầng ở một số quốc gia".

Hoàng Diệu (theo UPI)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI