COVID-19 có thể đẩy 11 triệu người ở Đông Á vào cảnh nghèo khổ

31/03/2020 - 14:13

PNO - Trong trường hợp tồi tệ, Đông Á và Thái Bình Dương có thể có tới 11 triệu người lâm cảnh đói nghèo, trong đó các lao động trong khu vực phi chính thức và có mức lương thấp dễ bị tổn thương nhất.

Theo báo The Straits Times, đó là cảnh báo được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong một báo cáo về tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra.

WB đã tính toán 2 kịch bản khác nhau cho khu vực, gồm một “đường cơ sở” đề cập sự suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng được tiếp nối bằng một sự phục hồi mạnh mẽ; và “trường hợp thấp hơn” tức sự suy giảm sâu hơn được tiếp nối bằng một sự phục hồi chậm chạp.

WB ước tính rằng theo kịch bản tăng trưởng “đường cơ sở”, số người thoát nghèo trong khu vực vào năm 2020 ít hơn gần 24 triệu người so với trường hợp không có đại dịch, với mức nghèo được xác định là 5,5 đô la Mỹ/ngày.

Và nếu tình hình kinh tế xấu hơn và kịch bản “trường hợp thấp hơn” thắng thế, thì những dự đoán ban đầu rằng gần 35 triệu người sẽ thoát nghèo ở Đông Á và Thái Bình Dương vào năm 2020, bao gồm hơn 25 triệu người ở Trung Quốc, về cơ bản bị vô hiệu hóa.

“Một khu vực đang tăng trưởng ổn định 6% có thể chứng kiến, ngay cả trong kịch bản ‘đường cơ sở’ của chúng tôi, đến 4 điểm phần trăm bị cắt giảm khỏi mức tăng trưởng”, ông Aaditya Mattoo, Nhà kinh tế trưởng của WB tại Đông Á và Thái Bình Dương, nói với các phóng viên hôm 30/3 trong một hội nghị qua điện thoại.

Đông Á và Thái Bình Dương có thể có tới 11 triệu người lâm cảnh đói nghèo,Ảnh: AFP
Đông Á và Thái Bình Dương có thể có tới 11 triệu người lâm cảnh đói nghèo do dịch bệnh - Ảnh: AFP

“Và trong một kịch bản thấp hơn, bạn có thể thấy sự sút giảm lần đầu tiên sau nhiều thập niên, và có đến 11 triệu người có thể bị rơi vào tình trạng nghèo đói”, ông nói thêm.

“Và ngay cả khi bạn nhìn thấy sự tăng trưởng, hàng ngàn nhân viên trong ngành du lịch ở Thái Lan, công nhân may mặc ở Campuchia có thể bị đẩy xuống mức nghèo khổ”, ông cho biết.

“Nỗi đau khổ nhất có thể là đối với những người lao động phi chính thức, những người vô hình và rất khó được nhận diện, tìm thấy và giúp đỡ”.

Một khuyến nghị quan trọng từ WB là các quốc gia nên có quan điểm tích hợp chính sách ngăn chặn và kinh tế vĩ mô, thay vì xem chúng là những công cụ riêng biệt cho những mục tiêu riêng biệt, ông Mattoo nói.

“Ngày nay, ưu tiên là ngăn chặn, nhưng để đạt được điều đó, bạn không chỉ dựa vào sự cách ly xã hội và đóng cửa, mà các biện pháp tài chính như trợ cấp đau ốm và chi tiêu y tế, có thể giúp đạt được mục tiêu đó một cách hiệu quả hơn”, theo ông Mattoo.

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI