COVID-19 đã làm được một điều mà không một cuộc chiến tranh, một cuộc thôn tính nào làm được: phá vỡ những định chế về màu da, tôn giáo, sắc tộc, giai cấp, lãnh thổ, một cộng đồng văn hóa đang được hình thành từ những điểm cắt giao khác nhau…
Một mùa hè khác
Thông thường, mấy tháng đầu năm là “thời khắc vàng” để những người yêu nghệ thuật tận hưởng sự nở rộ của những hoạt động sáng tạo trên tất cả các phương diện, từ nghệ thuật thị giác, phim ảnh, âm nhạc… cho đến hội họa. Khi mùa xuân kết thúc, cũng là lúc, một “mùa hè nghệ thuật” sôi động mở ra, với hàng loạt hội chợ, lễ hội, triển lãm nghệ thuật, liên hoan phim được tổ chức, cũng như nhiều thánh đường sân khấu sáng đèn trên khắp thế giới.
|
Ngồi ở nhà, cũng có thể thăm bảo tàng lớn nhất Đan Mạch Statens Museum for Kunst thông qua nền tảng Google Arts & Culture |
Năm nay thì khác. Dịch bệnh bùng phát, để hạn chế vi-rút lây lan, hơn 1/3 dân số thế giới đang sống trong cảnh “lockdown”. Việc tham gia và trải nghiệm nghệ thuật cũng có nhiều thay đổi. Có lẽ, chưa bao giờ, chúng ta sống trong một mùa hè kỳ lạ như thế này.
Nghệ sĩ bị/phải/được sống khác. Khán giả cũng vậy. Và ngay cả, những “được”, “phải”, “bị” ấy, có lẽ, cũng chưa truyền tải hết ý nghĩa mà dịch bệnh này mang đến. Hơn cả những điều đó, là một hàm nghĩa đa diện phức tạp hơn nhiều…
Dịch bệnh như vị khách không mời, làm đảo lộn, chọc thủng những ngày bình thường của nhân loại. Văn hóa - nghệ thuật, vốn được mặc định là mệnh đề đi sau kinh tế, xã hội, nên bao giờ, cũng nằm trong những “ưu tiên sau đó”. Thậm chí, có một số người lo ngại, đại dịch này sẽ đưa văn hóa - nghệ thuật thế giới đi vào thoái trào.
Thế nhưng, trong những ngày hàng loạt bảo tàng đóng cửa, các rạp chiếu phim, sân khấu, lễ hội, live show âm nhạc ngưng trệ, chìm vào bóng tối, bằng cách nào đó, nghệ thuật vẫn cất lên tiếng nói và sức mạnh của mình. Nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hóa - nghệ thuật không giảm đi mà thay đổi, thích nghi theo một hướng mở trên những nền tảng số.
Một cộng đồng văn hóa được hình thành
Một trong những lý do tôi thích tham dự vào những ngày kỳ lạ nhất này nằm ở khía cạnh xã hội của nó. Văn hóa - nghệ thuật cũng “du ngoạn” giống chúng ta. Ta dùng nó để khám phá, kết nối và giao tiếp với thế giới từ nhà của mình; đó cũng là lúc, một cộng đồng văn hóa vô hình nhưng đang dần trở nên hiện hữu, được hình thành, được tiếp nối, truyền cảm hứng vào nhau.
|
Chẳng mấy khi, khán giả Việt Nam có cơ hội thuworng thức “The Phantom of the Opera” |
Văn hóa nghệ thuật, không chỉ là câu chuyện xoa dịu nỗi đau, đưa chúng ta đi qua cơn buồn chán, khó chịu vì dịch bệnh, nó còn kết nối nghệ sĩ - công chúng, quốc gia này với quốc gia khác, nền văn hóa này với nền văn hóa khác.
Mùa hè này, không cần phải xếp hàng mua vé, chúng ta cũng có thể trở thành khách ảo của hơn 1.200 bảo tàng trên khắp thế giới được số hóa trên nền tảng Google Arts & Culture.
Ngoài ra, một số bảo tàng cũng cho ra mắt các bộ sưu tập và triển lãm trực tuyến để thu hút người xem. Các buổi nói chuyện trực tuyến về nghệ thuật trên kênh YouTube cũng được tổ chức. Một số thư viện dù đóng cửa vẫn đăng tải phiên bản online, đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả. Ngoài ra, còn có các podcast về nghệ thuật và văn hóa. Công chúng yêu nghệ thuật chỉ cần một cú “click” chuột, “du ngoạn” thế giới nghệ thuật từ nhà của mình.
Mùa hè này, chúng ta cũng có thể sử dụng “lockdown” như một cơ hội để tìm hiểu, khám phá âm nhạc, phim ảnh, cũng như các loại hình nghệ thuật khác mà những ngày bận rộn bình thường không có thời gian thưởng thức. Những bộ phim, những bản nhạc, những bức vẽ đầu tay. Tiểu sử nghệ sĩ. Nghệ sĩ mà chúng ta yêu thích đang làm gì những ngày này. Hay bất kỳ những câu chuyện hậu trường liên quan tới nghệ thuật… Hay bạn mê nhạc kịch mà không có cơ hội, ngay thời điểm này, chỉ cần ứng dụng Broadway HD, thế giới broadway sẽ sống động trước mắt bạn.
Không chỉ “du ngoạn”, công chúng khắp nơi trên thế giới cũng có thể “cùng chơi” với nhau thông qua các hashtag, các thách thức do những đơn vị văn hóa phát động. Chẳng hạn: Bảo tàng thành phố New York tạo ra hashtag #MuseumMomentofZen trên Twitter và Instagram để chia sẻ hình ảnh và tác phẩm nghệ thuật trực tuyến. Kể từ khi bắt đầu hashtag, hơn 75 bảo tàng đã tham gia và đang chia sẻ các tác phẩm cũng như hình ảnh lưu trữ. Các bảo tàng lịch sử tự nhiên, khoa học và tự nhiên, như Bảo tàng Field ở Chicago, cũng đang sử dụng hình thức này. Mục đích của những hoạt động này nhằm tạo ra sự kết nối, thay vì lo lắng và sợ hãi vì dịch bệnh.
Nhất là, trong thời điểm khó khăn này, văn hóa - nghệ thuật cũng cần được “giải cứu”. Trên thế giới, các cá nhân, tổ chức đang có những nỗ lực hỗ trợ cộng đồng nghệ thuật của mình. Nếu bạn là một công chúng nhiệt thành, quan tâm tới văn hóa - nghệ thuật, có rất nhiều địa chỉ, nhiều quỹ mà ta có thể tìm hiểu, để ủng hộ.
|
Danh ca Andrea Bocelli trong đêm nhạc Phục sinh, được phát trực tuyến trên Youtube mới đây |
Nếu không nhờ COVID-19, biết đến bao giờ, khán giả Việt Nam mới có cơ hội nghe miễn phí tiếng hát của danh ca Andrea Bocelli trong đêm nhạc phục sinh đặc biệt nhất trong cuộc đời mình - Music for hope (Âm nhạc cho niềm hy vọng) - được truyền hình trực tiếp trên kênh YouTube của ông.
Và tôi không biết, nếu không nhờ COVID-19, bao giờ, chúng ta mới có cơ hội thưởng ngoạn vở nhạc kịch huyền thoại The phantom of the Opera (Bóng ma nhà hát) của nhà soạn nhạc Andrew Lloyd Webber - hiện tượng giải trí toàn cầu, được công chiếu trực tuyến trên YouTube mới đây…
Chợt nhớ Clive Bell (1881-1964), nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng người Anh. Ông không định nghĩa nghệ thuật như cái đẹp hay mô dạng, mà như một “sự biểu lộ đời sống cộng đồng”. Một lần nữa, quan điểm của ông trở lại trong mùa hè này, khi văn hóa - nghệ thuật đang ngày càng chứng tỏ quyền năng xã hội của mình.
Những rào cản được hóa giải, những định kiến được rũ bỏ, không có phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo… Cuộc vượt thoát khỏi những ngày chịu quản thúc, thông qua văn hóa - nghệ thuật, vì lẽ đó, cũng tạo ra hoa trái hơn hẳn súng ống, đạn dược mà một cuộc chiến tranh đơn lẻ nào đó mang lại.
Đậu Dung