COVID-19, các trường đại học đổi phương thức thi năng khiếu ra sao?

14/06/2021 - 08:06

PNO - Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 khiến các trường đại học buộc phải thay đổi phương thức thi năng khiếu khi thời gian thi đã cận kề. Câu hỏi đặt ra là sự thay đổi chóng vánh này có làm ảnh hưởng đến thí sinh hay không?

Kỳ thi năng khiếu của các trường đại học (ĐH), theo lịch đã thông báo với thí sinh ngay từ ban đầu là trong giai đoạn tháng 6-7/2021. Dưới tác động của dịch bệnh, chẳng những lịch thi phải thay đổi mà đến cả hình thức thi cũng phải thích ứng theo. Tất nhiên, sự thay đổi này được thông báo khá gấp rút, vào giờ chót, dẫn đến những lo lắng về kết quả làm bài của thí sinh.

Thi năng khiếu… online

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành quyết định chuyển đổi hình thức thi tập trung sang hình thức nộp bài thi và kết hợp phỏng vấn đối với các môn năng khiếu. Cụ thể, các thí sinh đăng ký dự thi năng khiếu vẽ và năng khiếu âm nhạc ở các ngành: kiến trúc, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, piano, thanh nhạc sẽ chuyển từ hình thức thi tập trung sang nộp bài thi kết hợp phỏng vấn. Thời gian thi năng khiếu đợt 1 sẽ diễn ra trong tháng Sáu.

Trường sẽ gửi đề thi qua email, thí sinh phải hoàn thành bài thi vẽ tĩnh vật chì hoặc vẽ trang trí màu đối với năng khiếu vẽ và hai tác phẩm âm nhạc khác nhau về thể loại đối với năng khiếu hát và piano. Sau đó gửi bài dự thi đến địa chỉ email thinangkhieu@ntt.edu.vn, gửi chuyển phát nhanh qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường. 

Thí sinh dự thi năng khiếu vẽ tại Trường đại học Công nghệ TP.HCM năm 2020 - ẢNH: PHÚC TRẦN
Thí sinh dự thi năng khiếu vẽ tại Trường đại học Công nghệ TP.HCM năm 2020 - ẢNH: PHÚC TRẦN

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vừa thông báo điều chỉnh phương án tổ chức kỳ thi năng khiếu nhằm đảm bảo an toàn, thuận lợi cho thí sinh, vừa đảm bảo chất lượng đánh giá của kỳ thi. Trường sẽ tổ chức kỳ thi năng khiếu, bao gồm năng khiếu vẽ và năng khiếu âm nhạc vào ngày 26/6 bằng hình thức trực tuyến. Thí sinh thực hiện bài thi dưới sự giám sát của các giám thị thông qua ứng dụng Google Meet. Thí sinh sẽ tham gia phòng thi trực tuyến, nhận đề thi và hoàn tất bài thi trong thời gian 120 phút.

Đối với thi năng khiếu âm nhạc, thí sinh thực hiện hai nội dung phỏng vấn kiến thức âm nhạc và trình bày ca khúc. Giám khảo đặt câu hỏi trực tiếp với từng thí sinh thông qua Google Meet. Thời gian dự thi năng khiếu âm nhạc của mỗi thí sinh kéo dài khoảng 30 phút cho cả hai nội dung thi. 

Trường ĐH Văn Lang tổ chức thi năng khiếu vẽ tuyển sinh cho sáu ngành, sẽ tổ chức thi vào ngày 11-12/7 bằng hai hình thức: thi trực tiếp; nhận đề qua email, gửi bài thi về trường sau đó phỏng vấn online hoặc offline. 

Việc tuyển sinh các ngành năng khiếu vốn rất đặc thù nên cần phải có thêm kỳ thi năng khiếu để đánh giá thí sinh có đủ năng lực để học và theo đuổi ngành nghề đặc thù. Các môn vẽ, hát, piano… trước nay cần được đánh giá trực quan nên việc chuyển sang thi online hoặc làm bài ở nhà rồi nộp cho trường đã tạo một dấu hỏi lớn về tính trung thực, khách quan của kỳ thi. Hơn nữa, việc thay đổi phương thức thể hiện năng khiếu cũng khiến người thi bỡ ngỡ. 

Bạn Nguyễn An Nhiên, đăng ký dự thi vào ngành kiến trúc Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Tôi thi khóa ngày 26/6 nên phải đăng ký trước ngày 16/6 để tập dượt làm quen phần mềm, vì từ trước đến giờ chưa từng thi bằng hình thức này”. 

       Phải có giám sát nếu thi trực tuyến

Việc thi bằng hình thức trực tuyến trong tình hình dịch bệnh vẫn có thể chấp nhận nhưng với điều kiện là thí sinh chỉ thay đổi không gian làm bài thay vì tập trung thi như trước đây. Còn lại, các yếu tố để tổ chức thi vẫn phải đảm bảo. Trong thời gian thi, phải có sự giám sát quá trình làm bài của thí sinh thông qua các ứng dụng công nghệ; có thời gian làm bài cụ thể giống như thi trực tiếp. Có như vậy mới giám sát được chất lượng và sự trung thực. 

Việc gửi đề trước và để thí sinh làm bài trong một khoảng thời gian dài rồi gửi về trường sẽ khó đảm bảo tính khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh.

Phó trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM

Giải đáp lo lắng này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: Vì thí sinh không thể đến trường thi có giám thị giám sát trực tiếp thì sẽ nhờ công nghệ hỗ trợ. Toàn bộ quá trình từ lúc nhận đề đến lúc thí sinh nộp bài sẽ có giám thị theo dõi xuyên suốt để đảm bảo bài thi được thực hiện nghiêm túc và trung thực. Kết thúc thời gian làm bài, thí sinh chụp hình bài thi và gửi nộp về trường theo địa chỉ email do trường cung cấp để hoàn tất. Nếu trong trường hợp dịch COVID-19 không còn ảnh hưởng, thời gian tổ chức thi năng khiếu các đợt tiếp theo vẫn giữ ổn định như đã công bố, tức là vào các ngày thứ Bảy 10/7, 24/7 và 7/8.

Ngoài ra, để giúp thí sinh bớt bỡ ngỡ, trước mỗi đợt thi, trường tổ chức buổi sinh hoạt quy chế về cách thức làm bài và nộp bài, vật dụng cần chuẩn bị và tập huấn cách sử dụng Google Meet; tổ chức các lớp ôn thi năng khiếu theo hình thức trực tuyến miễn phí cho thí sinh có nguyện vọng.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Để đảm bảo đánh giá chính xác và khách quan, trường có thêm vòng phỏng vấn với hội đồng chuyên môn sau khi kết thúc vòng sơ khảo. Riêng các thí sinh đăng ký dự thi năng kiếu sân khấu - điện ảnh ở các ngành diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình; đạo diễn điện ảnh - truyền hình; quay phim vẫn phải thi theo hình thức tập trung. Lịch thi sẽ diễn ra vào đợt 2, dự kiến tháng 7/2021. Với những thí sinh có nhu cầu làm quen trước sẽ được các thầy cô có chuyên môn hỗ trợ thông qua hình thức trực tuyến. 

Có thể lùi hoặc hủy

Bên cạnh việc một số trường chuyển đổi sang hình thức thi trực tuyến thì nhiều trường khác cho rằng nhất định phải tổ chức thi theo hình thức truyền thống. Nếu không, phải tìm phương pháp thay thế, thậm chí dời lịch hoặc hủy nếu dịch bệnh không thể tập trung thí sinh. 

Thầy Trần Văn Phúc, Trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho biết: Trường vẫn sẽ tổ chức thi năng khiếu đợt 2 theo hình thức trực tiếp. Do tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên trường vẫn bám sát vào lịch thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Nếu ổn, kỳ thi này tổ chức được thì trường vẫn tổ chức thi năng khiếu. Tuy nhiên lịch thi có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và kế hoạch tuyển sinh chung.

Trong khi đó, theo phó giáo sư - tiến sĩ Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, tạm thời đã điều chỉnh thời gian tổ chức thi đến ngày 10-11/7, trong khi lịch cũ là ngày 5/6. Thí sinh xét tuyển vào các ngành: kiến trúc, kiến trúc nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang phải tham dự kỳ thi năng khiếu của trường hoặc của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM mới được công nhận điểm thi môn năng khiếu.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để tuyển sinh cũng đã lùi lịch thi từ ngày 17-18/6 sang ngày 26-28/6. Để đảm bảo khoảng cách an toàn cho thí sinh, trường bổ sung một ngày thi và một điểm thi. Kỳ thi này gồm sáu bài thi: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh. Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức. 

Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kỳ thi dự kiến sẽ được tổ chức nhiều đợt trong năm để thí sinh có nhiều cơ hội dự thi và xét tuyển theo ngành học thế mạnh của mình. Kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt được bảo lưu để xét tuyển trong vòng hai năm nên học sinh lớp 11 hoàn toàn có thể đăng ký dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển cho năm sau đó.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI