Giữa rất nhiều dự án, công trình, chương trình thi đua trọng điểm chào mừng đại hội Đảng các cấp, một hôm, đọc bài báo khá khiêm tốn thông tin TPHCM vừa quyết định triển khai phương án trùng tu di tích cột cờ Thủ Ngữ (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) lại làm tôi chú ý.
Lâu nay, những công trình, dự án dân sinh luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía chính quyền lẫn dư luận. Trong khi đó, dầu đã rất cố gắng, nhưng những đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, những dự án bảo tồn di sản mới chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn. Di tích này cùng với bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng, cầu Mống tạo nên một quần thể lịch sử - văn hóa đặc trưng, đồng thời là nhân chứng cho quá trình phát triển đô thị TPHCM, đã được xếp hạng di tích cấp thành phố từ năm 2016.
Qua nhiều lần trùng tu và thay đổi công năng, cột cờ Thủ Ngữ đang xuống cấp nghiêm trọng, trần thạch cao đã vỡ một mảng lớn, cửa ra vào và cửa sổ đã bị mối mọt, hư hỏng, mái bị thấm, nền gạch và tường bị bong tróc… Vì thế, trong góc nhìn của người viết, việc bảo tồn nó, cũng được xem là một hành động thiết thực để chào mừng đại hội Đảng các cấp.
Bởi lẽ, hơn cả chỉ dấu 155 tuổi - một con số mang tính vật lý, cột cờ Thủ Ngữ chứa trong đó biết bao nhiêu di sản tinh thần mang bóng dáng của người Sài Gòn - TPHCM. Nó cần được kể tiếp câu chuyện của mình.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần hai. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần “Đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rèn khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền” - như một ca khúc của Tạ Thanh Sơn từng viết.
Tiêu biểu cho tinh thần ấy phải kể đến tiểu đội bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ. Ngay trong buổi sáng 23/9/1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với tầm vông vạt nhọn, các chiến sĩ cảm tử đã chiến đấu hết mình cho tới khi còn lại người cuối cùng.
Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng năm cánh - biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho nhiều trận chiến sau này, từ kháng chiến chống Pháp, vắt sang thời chống Mỹ. Tinh thần đấu tranh cách mạng ấy trở thành một thứ di sản “phi vật thể” được trao truyền, tiếp nối trong những ngày thành phố “trở mình” của tháng Tư năm 1975. Và như thế, trong lòng thành phố trẻ (hoặc bị mặc định là trẻ), vô hình trung, có một di sản mang tên “thành đồng” từ ký ức.
Nhưng 45 tuổi, TPHCM già hay trẻ? Trẻ, nếu lấy mốc từ năm 1975 trở đi. Bớt trẻ, thì chọn mốc từ năm 1945. Nhưng cũng "có tuổi", nếu quay về từ thời Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Chúa Nguyễn vào Nam lập ra phủ Gia Định để cai quản vùng đất mới phía Nam (1698). Nhưng già hay trẻ, mắc gì phải dựa vào số tuổi? Không thì, có cách gì khác, để định lượng, định tính một nơi chốn, một quê chung?
Có hai cách nhìn các thành phố. Một là, cách nhìn bên ngoài, của du khách, của người nước ngoài đến đây, nhìn các tòa nhà, cao ốc, tượng đài, đại lộ… Còn cách nhìn bên trong, thành phố là nơi có căn nhà, góc phòng ta ngủ, có những rạp chiếu phim, những con đường, những góc phố, có những bóng dáng quen thuộc… Thành phố làm từ mùi, ánh sáng và màu sắc của ký ức mà ta (lỡ vô tình đi qua và) thương mến.
Với những ai nhìn TPHCM từ bên ngoài, thành phố này dường như cũng giống những thành phố khác. Ta đi qua rồi quên lãng. Nhưng ký ức chung của một thành phố gắn với ký ức thị dân, lúc nào cũng là linh hồn của nó. Ngay cả những phế tích lẫn sự đổ nát, bong tróc, cũng trở thành những bằng chứng hùng hồn nhất, giúp thành phố biết cách quên đi để rồi nhớ lấy.
Một cột cờ Thủ Ngữ mang chỉ dấu thời gian, ký ức, nỗi hoài niệm 155 tuổi bên cạnh 322 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM. Sự hiện tồn sừng sững của nó, đi qua bao nhiêu năm tháng, lẫn sự lãng quên của chính những người Sài Gòn, bằng một cách nào đó, đã gợi lại dư địa chí, đất và người của mảnh đất này trong bản tổng phổ trên đường đi tới đô thị thông minh và sáng tạo. Nếu không nhớ, thì làm sao học được cách kiến tạo?
Đâu đó giữa những tòa cao ốc khổng lồ, lạnh ráo, tôi có thể tìm thấy chìa khóa không chỉ cho mọi thứ trên đời mà còn cho cả bản gốc của những giấc mơ trong suốt những năm tháng tuổi trẻ của mình. Dĩ nhiên, của cả những người dân Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM kề vai sát cánh với nơi này. Có lẽ, thành phố đã khuấy lên thứ ảo tưởng này. Nhưng có phải là ảo tưởng không khi tất cả dường như đều phục vụ cho cùng một giấc mơ hạnh phúc?
Một người từng nói với tôi, là một người dân, họ không quan tâm đến những gì vĩ mô quá. Vòng quan tâm của họ chỉ quẩn quanh những nhu cầu thiết yếu hằng ngày, để được sống và thụ hưởng hết những quyền mà họ đáng được hưởng với tư cách của một công dân. Báo Phụ Nữ TPHCM từng đăng tải một bài viết có tựa là “Chỉnh Đảng phải có trọng tâm”. Tới nay, quan điểm đó vẫn không hề thay đổi. Đại hội Đảng các cấp sắp tới, dù có đệ trình bao nhiêu kế hoạch, cũng không nằm ngoài mấy chữ giản dị đó.
Đậu Dung