Corticoid: Ma túy giết chết làn da

07/07/2015 - 15:58

PNO - PN - Ngày 4/7, gần 200 bạn đọc, từ tuổi đôi mươi tới... ngót nghét 80, đã tham gia cuộc tọa đàm “Sự tàn phá làn da của mỹ phẩm chứa corticoid làm đẹp nhanh”, do Báo Phụ Nữ và Trung tâm thẩm mỹ Y khoa Hoàng Hạc tổ chức. Những...

edf40wrjww2tblPage:Content

Corticoid:  Ma tuy giet chet lan da

BS Cẩm Anh trình chiếu hình ảnh các nạn nhân của corticoid - Ảnh: Phùng Huy

Chiếc bẫy ngọt ngào

Mở đầu buổi tọa đàm, BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh, nguyên giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, diễn giả của buổi tọa đàm ví von: “Hơn 10 năm nghiên cứu về viêm da corticoid trên gần chục ngàn bệnh nhân, tôi thấy tác hại của mỹ phẩm chứa corticoid “dữ dội như sóng thần”. Nó đã phá hủy làn da của nhiều thế hệ. Nó là mối hiểm họa rình rập có khả năng tàn phá dung nhan, cuộc sống và tương lai không chỉ nữ giới mà cả nam giới”.

Thế nhưng, corticoid lại ẩn nấp trong hình hài mỹ miều và ngọt ngào của những sản phẩm được quảng cáo “giúp trị nám, trị mụn, trắng da không tì vết chỉ sau một tuần”. Với tâm lý chuộng đẹp nhanh, trắng nhanh, hết nám, hết mụn nhanh, nhiều chị em và không ít nam giới đã nhanh chóng bị đốn gục.

Mỹ phẩm chứa corticoid khi mới dùng sẽ khiến làn da mịn-mướt-mọng-trắng nhanh, mụn và nám cũng hết. Nhưng sau một thời gian, da sẽ nổi mẩn đỏ li ti, ngứa rát, thậm chí mụn viêm mụn mủ lan tràn và những mạch máu dưới da dãn nở, gây đỏ da triền miên... Đó là những dấu hiệu chứng tỏ corticoid đang tấn công.

Theo phân loại của Bộ Y tế, corticoid là chất có tác dụng gây độc, gây biến chứng và gây nghiện. Mỹ phẩm chứa corticoid tạo nên hiệu quả đẹp nhanh thế nào thì khi ngừng bôi sẽ thể hiện chứng viêm da nghiện corticoid nặng nề thế ấy. Viêm da do nghiện corticoid thường xảy ra từ tuần thứ hai đến tuần thứ tư sau khi ngừng hẳn bôi kem corticoid.

Nhiều bạn đọc tham dự không khỏi bàng hoàng và thốt lên nhiều câu cảm thán khi nhìn thấy hình ảnh của những nạn nhân từng sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid. Đa phần có đặc điểm chung là cả khuôn mặt bị sần sùi, sưng đỏ, bỏng rộp, chảy nước vàng, thậm chí dãn mạch sâu; lúc nào cũng có cảm giác như bị châm chích, kiến cắn hoặc nóng rát, đau nhức…

Theo BS Cẩm Anh, có trên 20 loại corticoid khác nhau với mức độ độc hại từ nhẹ đến rất nặng, có thể gây viêm da ở các thể khác nhau như kích ứng; tăng tiết nhờn và nổi mụn; đỏ da và dãn mạch kéo dài; phồng rộp; khô, bong tróc. Để điều trị viêm da corticoid, thông thường sẽ phải mất ít nhất từ năm-sáu tháng đến hàng năm trời.

Corticoid:  Ma tuy giet chet lan da

Giao lưu với các bệnh nhân nhiễm corticoid đã được chữa lành

“Cai nghiện” corticoid

Sau khi tiếp nhận kiến thức về tác hại của corticoid, người tham dự tọa đàm tiếp tục được nghe những nạn nhân của loại chất độc này chia sẻ kinh nghiệm.

Mở đầu cho phần giao lưu, diễn viên-ca sĩ Kha Ly, chia sẻ: Việc điều trị viêm da corticoid thực sự rất khó khăn, nếu không kiên trì sẽ không thể thành công. Khi ngừng sử dụng loại kem chứa corticoid, cả mặt Kha Ly nổi mẩn đỏ chi chít, lúc nào cũng ngứa ngáy “như có con gì cắn”. Lúc đó, Kha Ly rất sợ và lo lắng, nhưng nhờ đã được BS Cẩm Anh tư vấn trước về liệu trình cùng diễn tiến chữa trị bệnh, đồng thời được người nhà động viên nên Kha Ly đã sắp xếp công việc để ưu tiên cho việc điều trị.

Suốt một năm sau, Kha Ly phải ngừng nhận vai, vì nếu đóng phim thì vẫn chịu tác động của môi trường nắng nóng và bụi, việc điều trị sẽ không hiệu quả, tình trạng viêm không giảm. Sau khi kiên trì khoảng bốn tháng, mức độ viêm giảm dần, bề mặt da cải thiện, Kha Ly mới dám khởi động nhẹ bằng việc đi hát trở lại vào buổi tối. Bây giờ, tuy da đã hết viêm, nhưng vẫn còn yếu nên Kha Ly vẫn tuân thủ chế độ chăm sóc theo hướng dẫn của BS Cẩm Anh.

Nặng hơn là trường hợp của chị Ngọc Thủy, nhà ở tận Chơn Thành, Bình Phước. Do dùng kem trộn bán trong các quầy mỹ phẩm ở chợ trong nhiều năm nên mức độ viêm của chị rất nặng. Chị kể: “Lúc đó khi soi gương tôi còn cảm thấy sợ chính khuôn mặt của mình. Nó nóng phừng phừng như có lửa đốt, tia máu hằn ngang dọc trên mặt, tôi ngồi trước quạt gió vẫn không hết nóng”. Trong một tháng đầu, “tôi và ông xã đã ở lại TP.HCM, đến Trung tâm thẩm mỹ y khoa Hoàng Hạc để điều trị”. Suốt một năm sau đó là hành trình lên xuống mỗi tuần, mỗi tháng giữa Bình Phước và TP.HCM. Kết quả của sự kiên trì này là da chị Thủy đã khỏe trở lại, tuy không trắng nhưng sáng, mịn màng và không còn dấu tích của những mạch máu bị dãn.

Khi giới thiệu về trường hợp tiếp theo, em Nguyễn Công Hậu (Q.8, TP.HCM), BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh cho biết: “Đây là một trong những bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm thẩm mỹ y khoa Hoàng Hạc mà tôi ấn tượng nhất. Tôi đã thấy được nỗi đau, sự bế tắc mà Hậu đã chịu đựng”.

Chia sẻ lại trường hợp của mình, Công Hậu không khỏi xúc động. 18 tuổi, trên mặt mới chỉ lấm tấm mụn. Nghe bạn bè giới thiệu, Hậu lên mạng tìm mua kem cốt Thái Lan với giá 120.000đ/hộp. Sau ba ngày sử dụng, Hậu tự tin với làn da trắng không tì vết như con gái. Cảm giác hạnh phúc kéo dài được ba tháng, da Hậu bắt đầu nổi những đốm mụn đỏ. Hậu lại lao lên mạng tìm kiếm và sử dụng một mỹ phẩm khác có tên My Miu trong vòng 15 ngày, nhưng tình trạng mụn không cải thiện. Ngưng sử dụng hoàn toàn hai loại mỹ phẩm trên, mụn phát tán càng nhiều, da sần sùi không thua gì… bị ghẻ. Đi khám, được BS cho thuốc bôi, kèm kháng sinh nhưng mụn càng bộc phát, có dấu hiệu sưng đỏ, đóng mày và bong tróc. Khi nhắc lại những ngày tháng kinh hoàng đó, đôi mắt Hậu rơm rớm: “Sợ bạn bè chê cười, vừa thi xong tốt nghiệp 12, em bỏ học, nhốt mình trong phòng. Em ngứa, đau nhức lắm nhưng không dám gãi vì chỉ cần đụng tay vào mụn sẽ vỡ, chảy nước. Tối ngủ, em phải nhờ ba trói hai tay lại, mẹ cứ ôm em khóc suốt”. Sau gần hai năm điều trị, giờ Hậu đã lấy lại được làn da ban đầu, sự tự tin, vui tươi vốn có của mình.

Là nhân viên bán hàng tại một trung tâm thương mại, với Nguyễn Phúc Lan Anh (24 tuổi, Q.1), gương mặt rất quan trọng. Cứ đinh ninh, những gì chiết xuất từ thiên nhiên sẽ an toàn, Lan Anh lên mạng tìm mua mặt nạ thuốc Bắc về sử dụng. Mới đắp được một tuần và làn da căng bóng, mịn màng như da em bé, Lan Anh tin chắc đã “dùng đúng thuốc, trị đúng bệnh”. “Ai ngờ một tháng sau, mặt tôi nổi đầy mụn. Sau khi đi khám, bôi thuốc của BS cho, tình trạng mụn càng nặng. Mụn cứ nổi thành chùm, đầy mủ, đau nhức khiến tôi không thể rửa mặt, tối ngủ phải nằm ngửa, không dám nằm nghiêng. BS cho biết do bị nhiễm độc corticoid với lượng nhiều nên thời gian điều trị phải lâu, kiên trì. Cuối cùng tôi điều trị thành công” - Lan Anh vui mừng chia sẻ.

Nhận biết sản phẩm có corticoid

Buổi tọa đàm vẫn tiếp tục “nóng” bởi những thắc mắc của bạn đọc đặt ra cho diễn giả trong phần giao lưu. Một bạn đọc băn khoăn: “Nếu không dùng mỹ phẩm chứa corticoid thì sẽ không bị viêm da do nghiện corticoid?”, BS Cẩm Anh cho biết: Không chỉ tấn công vào sản phẩm làm đẹp, corticoid cũng có thể hiện diện trong các chế phẩm thuốc Nam, thuốc Bắc, ăn các loại hoa quả hay thịt gia súc… do nhà sản xuất đưa vào sản phẩm hoặc dùng thuốc kích thích tăng trưởng.

Trả lời câu hỏi “làm sao để nhận biết sản phẩm có chứa corticoid”, BS Cẩm Anh hướng dẫn: Cần tránh các sản phẩm không nhãn mác; các loại kem dưỡng da lợn cợn, có mùi hăng hắc hoặc thơm nồng nặc vì chúng thường được sản xuất từ các nguyên liệu không rõ xuất xứ, nhập lậu. Nếu mỹ phẩm có nhãn mác nhưng cùng lúc ghi trên bao bì rất nhiều nguồn gốc như Paris, London, NewYork thì khả năng chứa corticoid cũng rất cao; cần loại trừ cả những sản phẩm có bao bì in lem nhem, thủ công, thông tin không rõ ràng.

Người dùng có thể trải nghiệm để kiểm tra. Cụ thể, nếu sử dụng sản phẩm mà thấy hiệu quả chỉ trong vài giờ, vài ngày (ví dụ như hết dị ứng, mụn cám biến đi nhanh, trắng nhanh…) thì tạm ngưng thử ba-năm ngày. Khi thấy da có dấu hiệu khô nhăn, đỏ, nổi mụn thì thoa lại. Nếu tình trạng da lại cải thiện nhanh chóng trong vài giờ đến vài ngày thì có thể khẳng định chắc chắn sản phẩm đó có chứa corticoid.

Nếu nghi ngờ nhiễm corticoid, người dùng có thể đi soi da vi thể, phóng đại bề mặt da từ 80-100 lần. Da khỏe biểu hiện bằng hình ảnh cấu trúc bề mặt da có nhiều vân ô đan chéo nhau. Bề mặt da không còn vân ô, căng, phù bóng chứng tỏ đã bị ngậm nước do nhiễm corticoid; thậm chí có thể thấy rõ cả những mạch máu đỏ.

Tham gia buổi tọa đàm, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt), nhà báo Mộng Hoài và MC Đông Quân đều cùng quan điểm: Giữ được làn da khỏe mạnh và tâm hồn đẹp, người phụ nữ sẽ trở nên quyến rũ nhất.

 An Hà - Hoa Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI