Công viên cây xanh cho TP.HCM: Chờ đến bao giờ?

13/12/2018 - 06:00

PNO - Với tiến độ hiện nay, TP.HCM cần đến... 1.000 năm mới hoàn thành quy hoạch công viên cây xanh.

Đây là kết luận được đưa ra tại buổi giải trình về việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch các khu vực có chức năng giáo dục, công viên cây xanh trong đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức cuối tháng 11/2018.

“Nhưng nếu cứ chờ ngân sách thì các khu công viên cây xanh (CVCX) không biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực. Thành phố cần những giải pháp thực tiễn để thu hút các nhà đầu tư tham gia ngay lúc này”, kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa, người có tám năm công tác tại Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, nói.

Cong vien cay xanh cho TP.HCM: Cho den bao gio?
Kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa

Ông cho biết: qua khảo sát thực tế cho thấy, các khu CVCX công cộng của thành phố được quy hoạch nhưng chưa thực hiện, hầu hết là những khu đất trống rậm rạp, ao hồ... không thể tiếp cận sử dụng hoặc đất trống xen cài với các công trình xây dựng, thuộc quyền sử dụng của người dân hoặc các tổ chức kinh doanh, một số ít là đất công, nằm rải rác khắp nơi, đặc biệt là các quận ven.

* Phóng viên: Vậy ai là người có trách nhiệm đầu tư thực hiện và quản lý khai thác các quy hoạch CVCX công cộng?

- Kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa: Các nhóm nhà ở hiện hữu thường không xác định được chủ đầu tư, không có đất để bố trí quy hoạch cây xanh nên không thể xác định đối tượng có trách nhiệm đầu tư thực hiện quy hoạch cây xanh. Các nhóm nhà ở xây dựng mới thì hầu hết các chủ đầu tư dự án bất động sản chịu trách nhiệm thực hiện quy hoạch cây xanh, nhưng quy mô các khu công viên - vườn hoa này khá khiêm tốn.

Hầu hết quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng quy mô lớn đều thuộc trách nhiệm đầu tư thực hiện và quản lý khai thác của thành phố. Các chủ đầu tư dự án bất động sản thường tránh mua các khu đất được quy hoạch là CVCX sử dụng công cộng, vì với cơ chế hiện nay việc làm này khó khả thi, chưa có nguồn lực kinh tế để triển khai thực hiện.

* Có thể thấy tốc độ triển khai thực hiện các khu cây xanh tập trung quy mô lớn còn rất chậm so với tốc độ gia tăng dân số...

- Và chậm so với cả tốc độ đô thị hóa, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống đô thị. Từ sau năm 2000 đến nay, ngoại trừ một số công viên đã có từ trước (như Tao Đàn, Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ, Thảo Cầm viên, Suối Tiên, Ðầm Sen, Kỳ Hòa...), việc đầu tư xây dựng mới công viên có quy mô lớn còn hạn chế. Chỉ phát triển thêm công viên Gia Định giai đoạn 1 và 2 khoảng 21ha và công viên 23 Tháng 9 khoảng 9ha.

Cong vien cay xanh cho TP.HCM: Cho den bao gio?
Người dân thành phố đang trông chờ quy hoạch mảng xanh trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Mặt khác, quy hoạch cây xanh đã trở thành nỗi ám ảnh, bức xúc của người dân có đất bị quy hoạch vì họ không được cấp phép xây dựng bất cứ công trình nào và bán cũng không ai mua. Thành phố chưa có kế hoạch đền bù để triển khai thực hiện dự án CVCX, nhiều khu đất người dân phải chờ đợi đến nay đã gần 20 năm kể từ lúc bắt đầu chính thức quy hoạch.

Quy hoạch cây xanh cũng là nỗi trăn trở của các cơ quan quản lý nhà nước làm công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch, vì quy hoạch không khả thi nhưng không thể điều chỉnh hoặc hủy bỏ và cũng không thể trả lời cho người dân về kế hoạch triển khai.

* Vì sao quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng triển khai chậm trong thời gian qua, thưa ông?

- Dù biết cây xanh luôn cần thiết cho đô thị, nhưng việc đầu tư vấn đề này không phải là ưu tiên hàng đầu của thành phố. Thành phố không thể thiếu đường, trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội thiết yếu... nên phải ưu tiên giải quyết trước. Nhu cầu có độ bức thiết ít hơn như CVCX phải gác lại sau.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, chỉ tiêu cây xanh công cộng tại thành phố hiện đạt mức bình quân 1,6m2/người, chỉ bằng 1/10 so với tiêu chuẩn chung của một thành phố hiện đại - văn minh. Con số này cũng còn thấp xa so với quy hoạch được phê duyệt là khoảng 6,3m2/người theo Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025.

Tuy nhiên, vấn đề này đã đến lúc phải được giải quyết nếu chúng ta muốn hướng đến một thành phố văn minh, hiện đại, nhân văn và thông minh. Thành phố thiếu vốn để thực hiện các quy hoạch CVCX tập trung, thì phải có giải pháp để tạo vốn, tạo động lực để thực hiện CVCX theo quy hoạch. Cụ thể, thành phố cần có giải pháp thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực của xã hội tham gia vào việc đầu tư, quản lý, khai thác CVCX một cách hiệu quả.

* Vậy đâu là giải pháp thu hút nguồn lực từ xã hội?

- Tôi đề xuất ba giải pháp: thứ nhất, không giảm diện tích cây xanh quy hoạch. Theo quy hoạch hiện hay, quanh các khu CVCX ở vùng ven thường là những khu dân cư thấp tầng. Người dân và nhà đầu tư thường mua làm nhà ở hay dự án một cách manh mún và họ không có động lực kinh tế để đầu tư thực hiện các khu đất được quy hoạch là đất CVCX.

Vì vậy, thành phố nên chủ động điều chỉnh quy hoạch để hình thành các dự án quy hoạch khu nhà ở phức hợp cao tầng, ưu tiên chức năng thương mại - dịch vụ, văn phòng, bãi đậu xe, hạn chế chức năng ở làm tăng dân số - kết hợp khu CVCX - thể dục thể thao (TDTT) tập trung phục vụ công cộng, với phần lõi trung tâm là các khu CVCX trên phạm vi toàn thành phố như là các dự án trọng điểm để mời gọi đầu tư.

Cong vien cay xanh cho TP.HCM: Cho den bao gio?

Thành phố sẽ đền bù giải tỏa toàn bộ diện tích các dự án nêu trên bằng nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, kết hợp phát hành trái phiếu với cam kết mức lãi suất ưu đãi cao hơn lãi suất trần của ngân hàng. Đồng thời, mời gọi các nhà đầu tư bất động sản có năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá để thực hiện dự án. Chủ đầu tư dự án được lựa chọn có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí đền bù giải tỏa của dự án cho thành phố ngay sau khi trúng đấu giá thực hiện dự án và bắt đầu thực hiện dự án.

Khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư sẽ bàn giao toàn bộ khu CVCX - TDTT công cộng cho thành phố để quản lý, khai thác, vận hành.

* Hai giải pháp còn lại là gì, thưa ông?

- Giải pháp thứ hai là điều chỉnh giảm tạm thời hoặc lâu dài một phần diện tích cây xanh quy hoạch. Để giảm tạm thời một phần diện tích cây xanh quy hoạch, thành phố chủ động đề xuất Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch giảm tạm thời khoảng 50% diện tích các khu CVCX - TDTT tập trung phục vụ công cộng (cấp đô thị, cấp khu ở, cấp đơn vị ở) để chuyển thành các khu thương mại - dịch vụ phức hợp cao tầng (văn phòng, khách sạn, căn hộ dịch vụ, bãi đậu xe...) kết hợp khu CVCX - TDTT tập trung.

Sau khi dự án hoàn thành giai đoạn 1, chủ đầu tư dự án sẽ quản lý, khai thác, vận hành 50% diện tích dự án khu phức hợp cao tầng, đồng thời sẽ tiến hành bàn giao khu CVCX - TDTT của dự án (tương ứng 50% diện tích các khu CVCX - TDTT tập trung ban đầu phục vụ công cộng) cho thành phố để quản lý, khai thác, vận hành. Sau khoảng thời gian sử dụng có thời hạn (khoảng 20-30 năm), chủ đầu tư sẽ tháo dỡ toàn bộ công trình phức hợp và bàn giao 50% diện tích CVCX tập trung còn lại cho thành phố.

Giải pháp thứ ba là giảm một phần diện tích cây xanh quy hoạch. Thành phố đề xuất Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch giảm khoảng 30% diện tích các khu CVCX - TDTT tập trung phục vụ công cộng (cấp đô thị, cấp khu ở, cấp đơn vị ở) để chuyển thành các khu nhà ở phức hợp cao tầng (ưu tiên chức năng thương mại - dịch vụ, văn phòng, bãi đậu xe, hạn chế chức năng ở để hạn chế tăng dân số) kết hợp khu CVCX - TDTT tập trung.

Công tác đền bù giải tỏa, mời gọi đầu tư và đấu giá cũng được thành phố tiến hành với cách làm tương tự như ở giải pháp nêu trên. Sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư dự án sẽ bàn giao toàn bộ khu CVCX - TDTT của dự án (tương ứng 70% diện tích các khu CVCX - TDTT tập trung ban đầu phục vụ công cộng) cho thành phố để quản lý, khai thác, vận hành. Công tác đền bù giải tỏa, mời gọi đầu tư và đấu giá cũng được thành phố tiến hành với cách làm tương tự như ở giải pháp nêu trên.

Thành phố nên sử dụng kết hợp cả ba nhóm giải pháp tùy theo vị trí, hiện trạng sử dụng đất. Thực hiện các nhóm giải pháp này cũng sẽ tạo điều kiện để thành phố thu hút được các nguồn lực xã hội tích cực tham gia vào các dự án đầu tư thực hiện quy hoạch CVCX cho đô thị mà không phụ thuộc vào nguồn ngân sách hạn hẹp.

* Xin cảm ơn ông.

Xuân Lộc thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI