Công việc khó nhằn của những người “Phụ nữ của biển”

30/01/2022 - 08:16

PNO - Tại Jeju, hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc, việc phụ nữ làm nghề lặn tự do đã trở nên phổ biến trong nhiều thập niên qua.

Phụ nữ ở đảo Jeju, nhiều người trong số họ là lao động chính trong gia đình, từ lâu đang chịu trách nhiệm trong việc đánh bắt hải sản tươi sống.

Jeju haenyeo, tạm dịch là "phụ nữ của biển", là những người săn bắt hải sản bằng cách lặn tự do mà không hề sử dụng bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào, họ có thể nín thở trong thời gian dài để bắt bào ngư, ốc… từ đáy biển.

Những phụ nữ Jeju làm nghề lặn biển hàng thập kỷ.
Những phụ nữ Jeju làm nghề lặn biển hàng thập niên

Bà Koh Bok-im (73 tuổi) đã làm công việc haenyeo từ năm 18 tuổi theo mẹ và bà của mình, chia sẻ: "Mọi người thường gọi chúng tôi là "jomnyeo" - có nghĩa là phụ nữ lặn biển trong phương ngữ Jeju”.

Bà tâm sự khi mới bắt đầu vào nghề, bào ngư rất phổ biến nhưng giờ lại trở nên khan hiếm. Ngày nay, bà và mọi người thường thu hoạch khoảng 30kg ốc biển cho các chuyến lặn, thời gian đánh bắt thường từ tháng 11 đến tháng 4.

"Mùa hải sâm là vào khoảng tháng 2 và tháng 3 khi thời tiết trở lạnh. Ngày may mắn, tôi bắt được tới 5 con bạch tuộc. Nhưng haenyeo thường không được tận hưởng thành quả thu hoạch vì chúng tôi phải bán chúng” - bà Koh, người đã nuôi năm đứa con của mình bằng nghề lặn biển, cho biết.

Làm việc như một haenyeo thực sự là một công việc khó khăn và không phải ai cũng có thể làm được

"Tôi đã lặn trong tất cả năm lần mang thai của mình. Vào ngày tôi sinh đứa con thứ ba, nước ối của tôi bị vỡ trong quá trình lặn. Tôi đã bỏ tất cả mọi thứ và vội vã về nhà để sinh con trai" - bà Koh trải lòng.

Quá trình lặn tìm hải sản thường kéo dài khoảng ba phút, những người phụ nữ tìm kiếm mục tiêu của mình trên đường lặn xuống vùng nước sâu rồi bắt bào ngư, hải sản trước khi trở lên mặt nước nhưng đôi lúc cũng lên tay không.

Bà Kok tâm sự dù bạn có giỏi đến đâu cũng cần một người làm việc cùng bạn khi ở dưới nước: “Haenyeo phải tựa lưng vào nhau khi lặn ở vùng biển nguy hiểm”.

Bà nhớ lại khoảng 10 năm trước, trong một cuộc thi lặn haenyeo giữa các đại diện từ một số ngôi làng, đã xảy ra một sự cố khó quên: "Một haenyeo từ khu vực Seogwipo đang lặn dưới nước gần tôi và cô ấy quá tham lam. Khi cô ấy bất tỉnh và bắt đầu chìm, tôi đã kéo cô ấy lên khỏi mặt nước. Rất may, cô ấy đã tỉnh dậy và mọi người mắng cô là người quá tham vọng”. 

Vụ suýt chết này khiến mọi cuộc thi lặn biển Jeju haenyeo sau đó phải dừng lại.

Không chỉ đánh bắt ở Jeju, nhiều haenyeo cũng từng làm việc ở Nhật Bản. "Những năm 40 tuổi, tôi đã làm việc ở Nhật, nơi tôi có thể kiếm được thành quả gấp 10 lần cho cùng một công việc. Vùng biển Nhật Bản đầy ắp hải sản vì chúng chưa được đánh bắt quá mức" - bà Koh cho biết.

Công việc của một haenyeo thực sự đối mặt không ít khó khăn và thử thách.
Công việc của một haenyeo thực sự đối mặt không ít khó khăn và thử thách

Cho đến khoảng 10 năm trước, các haenyeo ở Jeju vẫn mặc những bộ đồ tắm bằng vải được gọi là "mulsokot" và "muljeoksam" với khăn trùm đầu là "kkaburi". Bây giờ thì họ thường dùng đồ bơi. Để mặt nạ lặn không bị mờ sương, haenyeo thường chà tinh chất ngải cứu vào trong ống kính, phần ngải cứu giúp làm thông thoáng hơi thở hơn. Ngoài ra, họ cũng hay sử dụng các công cụ đơn giản gọi là geolgaengi, homaengi và bitchang để thu hoạch bào ngư. 

Tiếp tục truyền thống mẫu hệ, con gái út của bà Koh và con dâu của bà đã quyết định trở thành haenyeo. Con gái út, cô Jwa Geum-ok (41 tuổi) gần đây đã cùng mẹ làm haenyeo thực tập sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện.

"Tôi đã ra khơi khoảng 8 lần và đôi khi trở về với thu hoạch chưa đầy 5kg. Có lần tôi bắt chưa đầy 1kg và trở về tay không trong 5 lần liên tiếp. Khi tôi xuống nước thì tai tôi lại đau, trong khi mẹ tôi ở tuổi 73 vẫn là một thợ lặn đáng gườm. Khi tôi theo bà xuống biển, mẹ tôi tiếp tục lặn xuống trong khi tôi phải quay lại và ngoi lên mặt nước".

Minh Hương (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI