Công ước giải quyết tranh chấp mới nhất của Liên Hiệp Quốc hướng đến sự hoà giải

08/08/2019 - 18:52

PNO - Đó là quan điểm của Công ước Hòa giải Singapore liên quan các vấn đề tranh chấp xuyên biên giới.

Bốn mươi sáu quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã ký một hiệp ước quốc tế mới về hòa giải mang tên Singapore ngày 7/8. Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore đã mô tả đó như là “tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ chủ nghĩa đa phương”.

Củng cố chủ nghĩa đa phương

Theo đó, hiệp ước mới sẽ cho phép thực thi các thỏa thuận hòa giải giữa các quốc gia ký kết. Bộ trưởng Nội vụ và Luật pháp K Shanmugam, đại diện cho Singapore, là người đầu tiên đặt bút ký Công ước Hòa giải Singapore của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về các thỏa thuận hòa giải quốc tế.

Hơn 1.500 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự Hội nghị và lễ ký kết Công ước Singapore, do Bộ Nội vụ và Luật pháp Singapore cùng Ủy ban Luật thương mại quốc tế LHQ tổ chức tại khách sạn Shangri-La.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lý Hiển Long cho rằng hiệp ước là một bước đột phá, chứng tỏ các quốc gia có khả năng đạt được sự đồng thuận cùng nhau nhờ sự nỗ lực, sáng tạo và năng lực lãnh đạo. “Công ước Singapore là một tuyên bố mạnh mẽ nhằm ủng hộ và củng cố chủ nghĩa đa phương", ông Long khẳng định.

Theo ông, hiệp ước sẽ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế vào thời điểm mà hợp tác đa phương đang phải gánh chịu nhiều sức ép.

Có thể nói nhiều thể chế đa phương đang tồn tại cần phải cải cách khẩn cấp, vì mất niềm tin hoặc có những thực tế và tổ chức không còn phù hợp với mục đích ban đầu. Thế nhưng, giải pháp không phải là từ bỏ chủ nghĩa đa phương, mà phải nâng cấp nó, theo Thủ tướng Singapore.

“Chúng ta phải thừa nhận rằng các thể chế này đã cùng nhau mang lại sự phát triển và thịnh vượng cho cả thế giới và đã đóng góp vào nền hòa bình, an ninh và trật tự quốc tế mà chúng ta đã hưởng trong nhiều thập kỷ qua”, ông Long nói.

Cong uoc giai quyet tranh chap moi nhat cua Lien Hiep Quoc huong den su hoa giai
Thủ tướng Lý Hiển Long và Trợ lý Tổng thư ký LHQ về các vấn đề pháp lý Stephen Mathias tại hội nghị ký kết Công ước Hoà giải Singapore. Ảnh: Bộ Nội vụ và Luật pháp Singapore

Sự thay thế bằng một thế giới không có thể chế đa phương và các quy tắc “có thể đúng” được chấp nhận rộng rãi, đang gây bất lợi cho tất cả các quốc gia. Điều này đặc biệt thách thức đối với các quốc gia như Singapore, theo ông Long.

“Các điều ước quốc tế và nhà nước pháp quyền là hết sức quan trọng đối với chúng tôi. Khi ký một hiệp ước, chúng ta sẽ nghiêm túc duy trì những gì chúng ta đã long trọng cam kết hôm nay. Do vậy, mỗi từ ngữ trong công ước đều được cân nhắc bởi nó sẽ làm cho mọi thứ trở nên khác biệt”, ông lưu ý.

Và ông thêm: “Theo đó, các quốc gia đã cùng nhau công khai theo đuổi chủ nghĩa đa phương và tuyên bố rằng sẽ mở của cho các doanh nghiệp, chúng ta đã sẵn sàng thực hiện các ràng buộc và cam kết giữ gìn các mối quan hệ”.

Hòa giải là con đường tin cậy và hiệu quả

Thủ tướng Lý Hiển Long gọi Công ước Hòa giải Singapore là công cụ thứ ba vừa được bổ sung cho khuôn khổ thực thi giải quyết tranh chấp quốc tế. Hiện đối với các tranh chấp xuyên biên giới, nhiều doanh nghiệp hoặc dựa vào trọng tài quốc tế được thi hành thông qua Công ước New York, hoặc tiến hành kiện tụng.

Việc ký kết Công ước Singapore đánh dấu sự khởi đầu của một cam kết lâu dài đã được Đại hội đồng LHQ thông qua từ tháng 12 năm ngoái. Trước đó, để đi đến ký kết công ước, hơn 100 đoàn đại biểu, bao gồm đại diện các quốc gia và các chuyên gia, đã cùng nhau tham dự các hội nghị từ năm 2015 đến 2018.

“Tranh chấp thương mại kéo dài có thể phá vỡ nghiêm trọng hoạt động kinh doanh thông thường, tổn thương danh tiếng, thiệt hại giá cổ phiếu và làm cho các công ty khó tăng vốn hơn, làm giảm sự tự tin và tinh thần của nhân viên, cổ đông và các bên liên quan khác. Công ước đưa ra khung pháp lý mạnh mẽ để quản lý và ngăn chặn các tranh chấp đang leo thang không cần thiết hoặc gây hậu quả ngoài ý muốn”, ông Long đánh giá.

Ông Stephen Mathias - Trợ lý Tổng thư ký LHQ về các vấn đề pháp lý - cho biết, trở ngại chính là sự không chắc chắn xung quanh việc thực thi các thỏa thuận đạt được, nên cần một công cụ hòa giải nhiều hơn.

Gọi hiệp ước là đổi mới, ông Mathias lặp lại lời nhận xét của ông Long và nói rằng đó là những gì còn thiếu trong khuôn khổ quốc tế để giải quyết tranh chấp.

“Việc thiết lập hòa giải là con đường đáng tin cậy và hiệu quả cho các bên giao thương, để không chỉ giải quyết các tranh chấp thương mại, nhưng còn để duy trì các mối quan hệ lâu dài của nhau… Bằng cách thống nhất các quy tắc liên quan đến việc thực thi, công ước mới quy định rõ ràng và đơn giản hơn cơ chế thực thi”, ông nói.

Hội nghị ký kết công ước, theo ông Mathias, chắc chắn sẽ giúp việc hòa giải được hướng đến nhiều hơn, từ đó thúc đẩy việc tiếp cận công lý. “Công ước này là bước đầu tiên trong việc kết nối các hệ thống pháp lý và tái lập sự đồng thuận trên toàn thế giới bất chấp các khác biệt về văn hóa”, ông cho hay.

Trong số 46 nước đầu tiên ký công ước có Hàn Quốc, Ấn Độ và Brunei. “Đây là hy vọng của chúng tôi rằng nhiều quốc gia sẽ thông qua Công ước Hòa giải Singapore và góp phần tăng cường hơn nữa luật pháp, phát triển thương mại quốc tế và sự phát triển bền vững ở tất cả các khu vực”, ông Mathias nói.

Quốc Ngọc (Theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI