Công ty Vinatexmart (tập đoàn dệt may Việt Nam) nhùng nhằng quỹ khen thưởng phúc lợi

15/09/2016 - 10:46

PNO - Nhiều người lao động từng làm việc tại công ty Vinatexmart phản ánh, quỹ khen thưởng phúc lợi lên đến 11,58 tỷ đồng của công ty đã không được chi trả đúng theo quy định của pháp luật.

Nhiều người lao động (NLĐ) từng làm việc tại công ty Vinatexmart (tập đoàn dệt may việt nam - TĐDMVN) phản ánh, quỹ khen thưởng phúc lợi (KTPL) lên đến 11,58 tỷ đồng của công ty đã không được chi trả đúng theo quy định của pháp luật; hơn hai năm khiếu nại, quyền lợi của  hàng trăm NLĐ chưa được giải quyết thỏa đáng thì vinatexmart đã bị bán cho một doanh nghiệp (DN) khác.

Chia phúc lợi không hợp lý?

“Tôi và hàng trăm NLĐ khác đã nhiều lần gửi đơn đến TĐDMVN đề nghị chi trả tiền quỹ KTPL đúng quy định nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Tiền quỹ tuy lớn nhưng chia cho hàng trăm NLĐ thì mỗi người cũng chỉ nhận được rất ít, nhưng đó là tiền mồ hôi, nước mắt nên NLĐ phải được chi trả đầy đủ và đúng quy định” - bà Nguyễn Thị Hồng Hương, một NLĐ từng làm việc tại Vinatexmart nói.

Theo bà Hương và nhiều NLĐ khác, Vinatexmart thành lập từ năm 2001. Năm 2011, Bộ Công thương có quyết định cổ phần hóa TĐDMVN. Ngày 28/6/2013, TĐDMVN chính thức công bố kết quả xác định giá trị DN, trong đó Kiểm toán nhà nước kết luận số dư quỹ KTPL của Vinatexmart tại thời điểm 31/12/2011 là 11,58 tỷ đồng. Theo quy định tại điều 19, Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ thì: “Số dư bằng tiền của quỹ KTPL, sau khi bù đắp các khoản đã chi vượt quá chế độ cho NLĐ, được chia cho NLĐ đang làm việc ở DN tại thời điểm xác định giá trị DN theo số năm công tác tại DN cổ phần hóa”.

Cong ty Vinatexmart (tap doan det may Viet Nam) nhung nhang quy khen thuong phuc loi
Bà Hương - người lao động từng làm việc tại công ty

Như vậy, số dư 11,58 tỷ đồng này là số tiền đã được chốt để chia cho 1.643 NLĐ có mặt tại thời điểm 31/12/2011. Theo quy định của khoản 3 và 5, điều 48 Nghị định 59/2011/NĐ-CP số tiền này phải được chia ngay sau thời điểm 28/6/2013, tuy nhiên, Vinatexmart không thực hiện.

Tháng 8/2013, NLĐ của Vinatexmart làm việc ở khu vực Bình Dương đã gửi đơn yêu cầu làm việc trực tiếp với lãnh đạo Vinatexmart và lãnh đạo TĐDMVN đề nghị chi trả quỹ KTPL cho NLĐ; nhưng chỉ nhận được ý kiến trả lời bằng miệng là chờ hướng dẫn của TĐDMVN. Liên tiếp trong hai năm 2014-2015, NLĐ tiếp tục khiếu nại, vẫn chỉ nhận được những lời hứa là TĐDMVN đang làm phương án chi trả.

Vụ việc chưa được giải quyết thì ngày 8/4/2015, TĐDMVN đã ký hợp đồng chuyển nhượng, bàn giao Vinatexmart cho một DN khác… Mãi đến tháng 8/2015, TĐDMVN mới thành lập tổ công tác để giải quyết chế độ chính sách cho NLĐ. Đến tháng 1/2016, tổ công tác thông báo cho NLĐ về việc chi tiền quỹ KTPL nhưng chỉ chi hơn 6,8 tỷ đồng thay vì hơn 11,58 tỷ đồng.

Không đồng ý với việc chi trả này, NLĐ đã kiến nghị lên Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN). Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, Tổng LĐLĐVN đã có công văn 841/TLĐ và 1243/TLĐ gửi TĐDMVN đề nghị xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc. Tổng LĐLĐVN cũng có công văn 582/TLĐ gửi CĐ Dệt May VN; công văn 842/TLĐ gửi LĐLĐ TP.Hà Nội đề nghị “xem xét, tham gia giải quyết đơn theo thẩm quyền và báo cáo kết quả về Tổng LĐLĐVN”.

Cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo trong việc chi trả 

Ngày 8/7/2016, TĐDMVN đã có văn bản 701 trả lời Tổng LĐLĐVN, LĐLĐ TP.Hà Nội. Theo đó, TĐDMVN cho rằng, trong quá trình triển khai cổ phần hóa, tập đoàn đã có nhiều buổi làm việc và có văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ chính sách cho NLĐ, trong đó có hướng dẫn phân chia quỹ KTPL. Tuy nhiên, do thời điểm có quyết định phê duyệt giá trị DN (28/6/2013), Vinatexmart không tiến hành chia quỹ KTPL cho NLĐ vì khó khăn về tài chính.

Số dư quỹ tại thời điểm 30/6/2013 chỉ còn lại hơn 4,6 tỷ đồng, số dư quỹ tại thời điểm 12/2014 chỉ còn lại 1,27 tỷ đồng. TĐDMVN cho biết, quỹ KTPL đã được dùng để chi cho các năm 2012, 2013, 2014 hết hơn 10,3 tỷ đồng; nên số để chi cho NLĐ chỉ còn hơn 1,2 tỷ đồng. Vinatexmart đã đề nghị TĐDMVN hỗ trợ thêm 5,4 tỷ đồng để chia cho NLĐ.

Tuy nhiên, NLĐ tại Vinatexmart cho rằng: “Việc lấy quỹ KTPL để chi cho các năm là không đúng tinh thần của Nghị định 59/2011/NĐ-CP và thỏa ước lao động tập thể không cho phép. TĐDMVN đã chi trả quỹ KTPL cho NLĐ không đúng theo quy định của pháp luật”. Về vấn đề này, một lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN cho biết, khiếu nại của NLĐ là có cơ sở.

Căn cứ Nghị định 59 ngày 18/7/2011 của Chính phủ thì số dư của tiền quỹ KTPL, sau khi bù đắp các khoản chi đã vượt quá chế độ cho NLĐ, được chia cho NLĐ đang làm việc ở DN tại thời điểm xác định giá trị DN theo số năm công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa. “Theo quy định này, rõ ràng NLĐ phải được chi trả tiền quỹ KTPL là hơn 11,5 tỷ đồng. Đề nghị TĐDMVN thực hiện theo quy định pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tránh việc khiếu nại kéo dài” - vị lãnh đạo này nói.

Theo luật sư Hồ Thành Đại, Đoàn Luật sư TP.HCM, cần xem xét, thanh tra xem liệu việc TĐDMVN không thực hiện chi và chậm chi trả số tiền quỹ KTPL hơn 11,5 tỷ đồng có xuất phát từ nguyên nhân sai phạm các hoạt động tài chính của tập đoàn hay không? Cần xem xét trách nhiệm cá nhân lãnh đạo đối với việc chậm thực hiện quyền và lợi ích của NLĐ? Luật sư Đại cho rằng, những kiến nghị của NLĐ phải được TĐDMVN giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật và hai bên cần phải ngồi lại để bàn bạc. Nếu NLĐ không đồng ý với trả lời của TĐDMVN, có thể kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI