Công ty Tân Thành Phát 'xài' lao động 5 năm không ký hợp đồng

19/04/2015 - 07:48

PNO - PN - Bị tai nạn lao động (TNLĐ), anh bị mất một bàn tay phải với tỷ lệ thương tật là 52%. Sức lao động bị giảm sút, khó có thể lao động như một người bình thường khác, đã đành, suốt quá trình làm việc, công ty (CT) còn không...

edf40wrjww2tblPage:Content

Có mặt tại nhà anh Hải, hình ảnh người đàn ông chỉ còn một tay, khóc rưng rức khi cầm cuốn sổ vay ngân hàng ba triệu đồng để lo chi phí sinh hoạt trong gia đình khiến chúng tôi ngậm ngùi. Anh nói: “Trước đây, tôi là trụ cột chính trong gia đình, vợ làm công nhân, từ khi tôi bị TNLĐ thì tất cả sinh hoạt trong gia đình, chi phí cho hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn đều một mình vợ tôi choàng gánh”.

Anh Hải kể: anh bắt đầu làm việc tại CT TNHH cơ khí XD TM XNK Tân Thành Phát (CT Tân Thành Phát) vào tháng 5/2011 (có trụ sở tại Q.Gò Vấp, địa điểm làm việc: 251A Lê Thị Riêng, P.Thới An, Q.12, TP.HCM) với công việc chính là thợ sơn, mức lương 180.000đ/ngày. Trong quá trình làm việc, ngoài công việc chính, anh còn làm các công việc khác theo yêu cầu của giám đốc, trong đó có việc chỉnh sửa vít tải.

“Vào lúc 13g ngày 21/8/2012, ông Nguyễn Lê Hùng - nhân viên CT, đồng thời là em họ giám đốc Lương Công Nguyên, nói với tôi về việc phó giám đốc kỹ thuật yêu cầu tôi hiệu chỉnh vít tải (giống cối xay thịt có bánh răng xoắn) để cho máy chạy êm. Để đảm bảo an toàn, trước khi thực hiện, tôi đề nghị anh Hùng đóng cầu dao điện và giám sát không cho ai mở. Lúc đó, giám đốc Nguyên cũng có mặt và biết sự việc này.

Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, anh Hùng đã bỏ đi chỗ khác để ông Lương Công Quốc, em ruột giám đốc Nguyên mở cầu dao điện. Trong tích tắc, tay tôi bị cuốn vào máy, đứt lìa bàn tay phải. Tôi được đưa đi sơ cứu tại Bệnh viện đa khoa Anh Dũng, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cấp cứu và điều trị” - anh Hải cho biết.

Theo anh Hải, sau khi xảy ra TNLĐ, CT không tổ chức điều tra, lập biên bản sự việc mà đã nhanh chóng cho thu dọn hiện trường. Buổi chiều cùng ngày, giám đốc Nguyên đến bệnh viện đề nghị anh không làm lớn chuyện, đồng thời cho biết sẽ lo toàn bộ viện phí; bố trí việc làm cho anh đến hết tuổi lao động.

Cong ty Tan Thành Phat 'xai' lao dong 5 nam khong ky hop dong

Anh Hải đang soạn đơn cầu cứu cơ quan chức năng

Anh Hải nói: “Ngày 18/2/2013, tôi trở lại CT làm việc. Ông Nguyên bố trí cho tôi đảm nhiệm công việc quản lý vật tư với mức lương 195.000đ/ngày. Tuy nhiên, từ thời gian này, ông Nguyên cùng người nhà làm việc tại CT bắt đầu có thái độ khó chịu với tôi, tỏ ý muốn cho tôi nghỉ việc. Trước Tết 2015, ông Nguyên cho tôi nghỉ việc khoảng một tháng hưởng 70% lương. Sau tết, tôi trở lại làm việc thì không được bố trí công việc".

Chưa hết, trong suốt thời gian anh Hải làm việc tại CT Tân Thành Phát từ tháng 5/2011 đến nay, CT đã không ký kết HĐLĐ, không thực hiện đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cũng như thực hiện chế độ nghỉ hàng năm của người lao động cho anh Hải.

Anh Hải chua xót: “Hiện nay, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Hai con tôi còn nhỏ, cháu lớn 12 tuổi, cháu nhỏ chưa đầy ba tuổi. Ngoài lo cho các cháu ăn học, tôi còn nuôi mẹ già ở quê. Gia đình tôi phải vay vốn theo diện hộ nghèo. Tôi bị tai nạn mất một bàn tay phải với tỷ lệ thương tật là 52%, sức khỏe, sức lao động bị giảm sút, khó làm việc như một người bình thường khác, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn. Nay tôi làm đơn khiếu nại những hành vi vi phạm pháp luật lao động của CT Tân Thành Phát; đồng thời yêu cầu CT thanh toán các khoản tiền: nợ lương, bồi thường TNLĐ và các chế độ khác về chính sách của người lao động mà tôi được hưởng trong thời gian làm việc tại CT, với tổng số tiền là 144.167.840đ".

Trao đổi với chúng tôi, giám đốc CT Tân Thành Phát Lương Công Nguyên xác nhận, anh Trần Quang Hải có bị TNLĐ tại CT. “Chuyện TNLĐ là chuyện ngoài ý muốn, và nhiệm vụ đó (chỉnh sửa vít tải - PV) không phải của anh Hải. Sau khi anh Hải bị TNLĐ, toàn bộ chi phí nằm viện, chăm sóc CT đều lo hết. Khi anh Hải về nhà, CT đã hỗ trợ 20-25 triệu đồng gì đó, tôi không nhớ" ông Nguyên khẳng định.

Cũng theo ông Nguyên, đến nay, CT vẫn bố trí công việc cho anh Hải ở xưởng, tuy nhiên anh không đảm bảo được công việc. Còn chuyện CT không ký HĐLĐ, không đóng BHXH là bởi anh Hải làm công việc tạm thời, do bạn của người quen xin vào CT, không có đơn xin việc nên không có HĐLĐ. "Chuyện anh Hải khiếu nại là chuyện của anh ấy".

Ngày 6/4/2015, anh Hải đã nộp đơn lên phòng LĐ-TB-XH Q.Gò Vấp nhưng bị từ chối và được hướng dẫn nộp ở thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP. Sau đó, anh Hải gửi đơn theo đường bưu điện, được nhân viên Phòng LĐ-TB-XH Q.Gò Vấp gọi điện thông báo đã nhận được đơn. Tuy vậy, anh Hải chưa được cho biết các diễn tiến tiếp theo liên quan việc xử lý đơn khiếu nại.

QUỲNH MAI 

Luật sư Hồ Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Anh Trần Quang Hải làm việc ổn định, có tính chất thường xuyên từ tháng 5/2011 đến nay nhưng công ty không ký HĐLĐ là không đúng quy định pháp luật. Căn cứ điều 27 Bộ luật Lao động năm 1994, sửa đổi bổ sung năm 2002 và điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012 thì anh Hải đủ điều kiện để pháp luật công nhận quan hệ lao động giữa anh và công ty là HĐLĐ không xác định thời hạn, phải được đóng BHXH, y tế, thất nghiệp, cũng như hưởng chế độ nghỉ hàng năm của người lao động.

Do đó, anh Hải có quyền yêu cầu công ty ký HĐLĐ, truy đóng các chế độ bảo hiểm, truy trả tiền lương chế độ nghỉ hàng năm từ tháng 5/2011 đến nay. Nếu công ty không thực hiện thì anh có quyền đề nghị phòng LĐ-TB-XH địa phương giải quyết.

Trường hợp hòa giải không thành, anh Hải có quyền khởi kiện đến tòa án giải quyết theo thẩm quyền. Ngoài ra, anh Hải có thể kiến nghị thanh tra lao động thuộc sở LĐ-TB-XH địa phương tiến hành thanh, kiểm tra công ty về việc chấp hành quy định pháp luật về lao động.

Đường dây khẩn 0966.18 27 27 - 0913.15 93 15

Email: duongdaykhan@baophunu.org.vn

Tư vấn pháp luật miễn phí tại tòa soạn từ 8g đến 11g các ngày thứ hai và thứ năm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI