Công ty G.N.N: 'Chỉ tạm dừng hoạt động, chứ không phá sản'?

06/09/2018 - 12:30

PNO - Mới đây, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty G.N.N Hoàng Mai Nam cho biết sẽ thanh toán nợ tiền thu hộ cho khách hàng. Ngoài ra, theo đại diện G.N.N, doanh nghiệp này chỉ tạm dừng hoạt động chứ không phá sản.

Trong thông báo, ông Nam cho biết G.N.N đang tạm dừng hoạt động do thiếu hụt tài chính bởi lỗi điều hành của giám đốc là ông Hoàng Ngọc.

“Một lần nữa, chúng tôi xác nhận lại: G.N.N chỉ thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh mà KHÔNG tuyên bố phá sản. Việc tạm dừng kinh doanh sẽ KHÔNG làm cho quý khách “mất trắng” tiền hàng”, trích thông báo của G.N.N.

Cong ty G.N.N: 'Chi tam dung hoat dong, chu khong pha san'?
Ngày 5/9, nhiều khách hàng đã đến trụ sở làm việc của GNN tại Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) để yêu cầu giải quyết khoản nợ COD. Trong ảnh: Chủ tịch HĐQT Hoàng Mai Nam (bên trái) và người em ruột, TGĐ Hoàng Ngọc đang đối thoại với khách hàng. Ảnh: Infonet.

HĐQT cũng cân nhắc việc quy trách nhiệm hoặc khởi kiện giám đốc Hoàng Ngọc tại Tòa Kinh tế - Hà Nội. Tuy nhiên, quyết định thế nào còn tùy thuộc thái độ hợp tác của ông Ngọc trong việc thực hiện những công việc được giao trong thời gian tới.

Cụ thể, HĐQT cho biết vẫn sẽ ủy quyền để ông Hoàng Ngọc tiếp tục giải quyết tồn đọng hàng hóa, nợ tiền thu hộ của khách hàng. Cuộc khủng hoảng của G.N.N khiến hàng hóa của khách hàng bị thất lạc trong các ngày từ 30/8 - 4/9. Công ty cho biết sẽ tiến hành khắc phục vấn đề này từ 5/9/2018. Đồng thời, công ty cam kết sẽ hỗ trợ giải quyết, đền bù thỏa đáng đối với hàng hóa bị lạc.

Đại diện G.N.N cho biết sẽ ưu tiên dứt điểm nợ đối với những khách hàng có khoản nợ dưới 2 triệu đồng trước ngày 15/9. Đối với những khách hàng có khoản nợ trên 2 triệu đồng, G.N.N sẽ thanh toán tối thiểu 20% (trong tháng 9) và mỗi tháng tiếp theo thanh toán 10% cho đến khi tất toán.

Đồng thời, trong thông báo công ty cũng cho biết, sẽ trích 200 triệu đồng để thanh toán lương cho nhân viên.

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, cho biết cần xem xét kỹ các mục đích, động cơ, tình tiết, hành vi của G.N.N để xác định đây là tranh chấp dân sự hay hình sự.

Theo luật sư Hậu, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;

Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175), phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

"Xét về mặt hình sự, G.N.N có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cần xác định ý thức chiếm đoạt tài sản xuất hiện trước hay sau khi G.N.N nhận được tài sản từ khách hàng. Nếu ý thức xuất hiện trước khi nhận được tài sản thì có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu xuất hiện sau thì có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", luật sư Hậu cho biết.

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho biết, bản chất của giao dịch, riêng khoản thu hộ, có nghĩa là tiền bán hàng của một số doanh nghiệp hay cá nhân khác nhưng được công ty G.N.N đứng ra thu hộ. Vậy tất nhiên là thuộc sở hữu của bên nhờ thu hộ. Công ty G.N.N có dấu hiệu “quỵt tiền” của doanh nghiệp, cá nhân khác thì vi phạm đầu tiên thuộc về người điều hành doanh nghiệp sai quy định pháp luật. Còn đối với trường hợp phá sản, không trả tiền cho khách thì quy về chiếm đoạt, tức là lấy của người khác mà không trả lại cho họ được.

Cũng theo luật sư Phượng, với Luật Phá sản doanh nghiệp thì doanh nghiệp có phá sản đi nữa vẫn phải trả số tài sản thu hộ về cho chủ. Trường hợp của G.N.N, hướng xử lý phải phụ thuộc vào cơ quan điều tra, làm rõ hết tất cả dấu hiệu có liên quan. Nếu G.N.N chỉ thông báo dừng hoạt động thì vẫn phải có trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng.

Cong ty G.N.N: 'Chi tam dung hoat dong, chu khong pha san'?
Công ty chuyển phát nhanh G.N.N tuyên bố dừng hoạt động vì "không còn đủ khả năng tài chính".

“Nếu công ty phá sản, không còn khả năng chi trả thì tòa sẽ quyết định vào kiểm tra. Do đó, khách hàng có quyền nhờ cơ quan điều tra hoặc kiện công ty đó ra tòa. Cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ vấn đề, phụ thuộc vào đối tượng có khả năng chi trả hay không”, luật sư Phượng nói thêm.

Trước đó, như báo Phụ Nữ TP.HCM đã thông tin, trong đơn tự thú gửi cơ quan chức năng được đăng tải trên fanpage của công ty G.N.N, ông Hoàng Ngọc – Tổng giám đốc G.N.N thừa nhận "lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản".

Ông Ngọc cho biết, do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty đã không cân đối được thu chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền COD của khách hàng vào các hoạt động khác. Con số nợ hiện lên đến 5,5 tỷ đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay cả nước có hàng trăm doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản và bỏ trốn, để lại những khoản nợ thuế, nợ ngân hàng, bảo hiểm và lương công nhân lên đến hàng trăm tỷ đồng. 

Đơn cử, tháng 2/2016, công ty Công nghiệp bảo trì dịch vụ tổng hợp ngoài khơi Amanda phá sản, để lại một khoản nợ hơn 100 tỷ đồng bao gồm lương công nhân, bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng và các công ty tài chính.

Đầu năm 2017, công ty cổ phần Thép Quatron do làm ăn thua lỗ đã bỏ trốn để lại khoản nợ lên đến 100 tỷ đồng và hàng trăm công nhân mất việc, mất toàn bộ quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Công ty TNHH Ado Vina trước khi bỏ trốn nợ 4 tháng lương công nhân, 3 năm đóng bảo hiểm xã hội với số tiền lên đến 1,4 tỷ đồng, một số ngân hàng nước ngoài hơn 1 triệu USD và một hãng bảo hiểm tài chính khác gần 90 tỷ đồng.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI