Công ty dược phẩm Trung Quốc sử dụng nhân viên để thử nghiệm vắc-xin COVID-19

17/07/2020 - 10:32

PNO - Trong cuộc đua toàn cầu để sản xuất vắc-xin COVID-19, một công ty nhà nước của Trung Quốc tự hào rằng các nhân viên của mình, bao gồm các giám đốc điều hành, đã tiêm thử nghiệm trước cả khi chính phủ phê duyệt thử nghiệm trên người.

Trong một bài đăng trực tuyến từ công ty SinoPharm, mọi người dễ dàng nhìn thấy hình ảnh của những người lao động xếp hàng thử nghiệm vắc-xin, kèm theo dùng chữ: “Chung tay tôi rèn thanh gươm chiến thắng”.

Cho dù đó được coi là sự hy sinh anh hùng hay vi phạm các chuẩn mực đạo đức quốc tế, hình ảnh này nhấn mạnh việc Trung Quốc không ngừng cạnh tranh với các công ty Mỹ và Anh để trở thành quốc gia đầu tiên sở hữu vắc-xin giúp chấm dứt đại dịch - một chiến công vừa mang tính khoa học vừa thể hiện sức mạnh về chính trị.

Công ty SinoPharm quyết định tiền trảm hậu tấu bằng cách cho nhân viên thử nghiệm vắc-xin trước cả khi được chính phủ phê duyệt.
Công ty SinoPharm quyết định "tiền trảm hậu tấu" bằng cách cho nhân viên thử nghiệm vắc-xin trước cả khi được chính phủ phê duyệt

Lawrence Gotin - chuyên gia về luật y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ) cho rằng: “Vắc-xin ngừa COVID-19 đang là cuộc chiến giành "Chén Thánh". Cuộc cạnh tranh chính trị này quan trọng không kém cuộc đua giành mặt trăng giữa Mỹ và Nga”.

Trung Quốc định vị mình là một ứng cử viên mạnh mẽ trong việc chế phẩm vắc-xin. Tám trong số gần hai chục loại vắc-xin tiềm năng trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau trên toàn thế giới là từ Trung Quốc, cả SinoPharm lẫn một công ty Trung Quốc khác đều tuyên bố họ đang bước vào thử nghiệm cuối cùng.

Trung Quốc và SinoPharm đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ điều chế vắc-xin bất hoạt - phát triển toàn bộ vi-rút trong phòng thí nghiệm và sau đó giết chết chúng trước khi đưa vào cơ thể nhằm kích hoạt hệ thống tự miễn dịch. Các đối thủ cạnh tranh hàng đầu tại phương Tây sử dụng công nghệ mới hơn, ít được chứng minh hơn nhắm mục tiêu vào protein gai bám che phủ virus.

SinoPharm tuyên bố rằng 30 tình nguyện viên đặc biệt đã tình nguyện xắn tay áo ngay cả trước khi công ty được phép nghiên cứu lâm sàng trên người, làm tăng mối lo ngại về đạo đức trong giới quan sát phương Tây.

Yanzhong Huang - một chuyên gia y tế toàn cầu tại tổ chức phi lợi nhuận Council on Foreign Relations (Mỹ) - nhận xét, “Ý tưởng về những người sẵn sàng hy sinh bản thân là phương pháp tuyên truyền quen thuộc của Bắc Kinh. Nhưng khi các quan chức doanh nghiệp và chính phủ tham gia tiêm phòng, các nhân viên khác có thể cảm thấy áp lực phải tham gia. Điều đó vi phạm nguyên tắc tự nguyện, vốn là nền tảng của đạo đức y học hiện đại”.

Vòng thử nghiệm đầu tiên ở người - thử nghiệm giai đoạn 1 - cần có sự cho phép của cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia, quyết định xem liệu có đủ bằng chứng trong phòng thí nghiệm và trên động vật để củng cố hoạt động này hay không.

Trung Quốc hiện đang dẫn đầu về số chế phẩm vắc-xin tiềm năng.
Trung Quốc hiện đang dẫn đầu về số chế phẩm vắc-xin tiềm năng

Phương án “tự nguyện” không phải là lối tắt duy nhất mà Trung Quốc đang sử dụng. Vào cuối tháng 6, chính phủ đã cho phép quân đội sử dụng một loại vắc-xin thử nghiệm được sản xuất bởi công ty khác, CanSino Biologics, bỏ qua thử nghiệm cuối cùng cần thiết để chứng minh vắc-xin hiệu quả. CanSino tiết lộ rằng công ty đang đàm phán với bốn quốc gia khác về việc thực hiện nghiên cứu vắc-xin này.

Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết rằng bất kỳ loại vắc-xin nào do Trung Quốc sản xuất sẽ là hàng hóa công cộng toàn cầu.

William Lee thuộc Viện Milken - một nhóm chuyên gia phân tích ở California (Mỹ) đang theo dõi tiến trình sản xuất vắc-xin COVID-19 – nhận xét rằng, dựa trên những vụ bê bối dược phẩm trong quá khứ của Trung Quốc, nếu họ thành công với chế phẩm vắc-xin đầu tiên trên thị trường, thế giới sẽ sẵn sàng mua nó với điều kiện mọi thứ đều được minh bạch.

Tấn Vĩ (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI