Quen biết trên mạng và sau những lần lữa hẹn hò, một cuộc chạm mặt đã thành hiện thực giữa đôi bên. Thế nhưng, khi được hỏi “gặp rồi thấy ảnh thế nào, ô kê chứ?”, người bạn gái bối rối: “Em cũng chẳng biết nữa. Cứ sao sao ấy. Thôi cứ để… tùy duyên”. Chữ “tùy duyên” vừa có vẻ thuận tự nhiên vừa khá bị động.
|
Anthony - Kasara Di Benedetto - cặp đôi đại sứ của phát triển trí tuệ cảm xúc, chương trình Plus minus code và kết quả tình yêu của hai vợ chồng |
Có cái gì đó ngăn mình lại bởi chưa thực sự sẵn sàng đứng cạnh ai đó, bản thân mình cũng chưa thể biết việc cần làm bây giờ là gì. Nếu học cách đọc - hiểu cảm xúc của mình và người đối diện, bạn sẽ không phải vò đầu bứt tóc trước những câu hỏi và tự tin với quyết định của mình.
Nên duyên cũng nhờ… điểm cộng
“Bạn thích ăn món gì?”, “Bạn nghĩ mười năm nữa, bạn sẽ trở thành người thế nào?”, “Bạn muốn sống ở thành thị hay nông thôn?”, “Bạn thích có con không?”… Trong mối quan hệ lứa đôi, nếu các cặp đến với buổi hẹn hò và mang theo nhiều câu hỏi như thế thì sẽ càng tương đồng khi cả hai có nhiều điểm tích cực giống nhau, được xem là một điểm cộng.
Trong chương trình Giáo dục nhân cách bằng trí tuệ cảm xúc do Công ty cổ phần đào tạo trí tuệ cảm xúc Indigo tổ chức cuối năm 2019 tại TP.HCM, Anthony Di Benedetto (người Pháp, Phó chủ tịch tổ chức nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc - EQ) thú thật rằng ngay từ buổi đầu gặp gỡ, chị Kasara, vợ anh, đã luôn “cộng điểm” cho anh. Anh lấy được vợ nhờ nhận nhiều điểm cộng từ quan điểm sống đến tiếng nói, nụ cười, giao tiếp, ứng xử. Mãi đến bây giờ, anh vẫn thấy mình thật vui và hạnh phúc với phép cộng đó.
Cộng và trừ đem lại cho cặp đôi này mối quan hệ bình an tuyệt vời. Ví dụ vợ chồng định nuôi một con mèo, họ sẽ bắt đầu cộng trừ những tích cực và tiêu cực có thể đem lại từ con mèo đó đối với nhà mình. Vợ chồng cùng giúp con gái nhỏ nhận biết tác hại của rác thải nhựa và điều kỳ lạ là bé đã sớm có hành động nhặt rác vứt vào sọt. Là đại sứ, diễn giả quốc tế, chuyên gia về khoa học trí tuệ cảm xúc, vợ chồng nắm tay nhau đi khắp thế giới chia sẻ những giá trị, cụ thể là chương trình giáo dục hiện đại Plus minus code (mã cộng trừ) dành cho tất cả trẻ em và người lớn muốn phát triển trí tuệ cảm xúc thông qua khả năng giải mã cảm xúc, cải thiện kỹ năng lãnh đạo, gia tăng khả năng phản xạ và quyết định trong cuộc sống (www.plusminuscode.com với ba ngôn ngữ Anh - Pháp - Việt).
Theo anh Anthony Di Benedetto, khả năng cộng trừ giúp ta lưu trữ mã đúng cho chính mình, giúp nhận biết sâu sắc, đọc được cảm xúc của bản thân và người khác, từ đó có thái độ giao tiếp phù hợp. Mã cộng trừ không phải để “vạch lỗi”, để xóa bỏ, mà để tìm về cội nguồn của cảm xúc, lần giở từng lớp nguyên nhân và sẽ soi chiếu, thấu cảm. Cảm xúc là một dạng trí tuệ, cho chúng ta thông minh, hạnh phúc hơn, cảm nhận về cuộc sống nhạy bén, sâu sắc và toàn diện. Có hàng loạt vấn đề gây ra từ trí tuệ cảm xúc thấp: tăng động giảm chú ý, béo phì, bạo lực, trầm cảm, tự tử, thiếu chung thủy và những vấn đề về tâm thần.
|
|
Nếu hình ảnh đập vào mắt vợ là người chồng đang trầm tư lo nghĩ, có vẻ tiến thoái lưỡng nan, thì người vợ nên làm gì? Xộc vào không gian tĩnh lặng ấy, khuấy động mọi thứ để tìm ra bí mật, hay tôn trọng, để yên cho chồng một mình đối diện với vấn đề của anh ấy, còn mình sẽ dõi theo từ xa, sẵn sàng nâng đỡ, san sẻ? Kích hoạt trí tuệ cảm xúc để biết giữ chừng mực nào khi bạn đời có vẻ nổi nóng, kiểm soát kém (có nghĩa là đáp án “trừ”), người còn lại tạm hoãn binh hay lấn tới, thách thức. Trí tuệ cảm xúc thấp sẽ góp tay cho đổ vỡ.
Ôm và ôm thật chân thành…
Cộng trừ còn giúp tái lập mã sai của bạn, vượt qua khó khăn cảm xúc. Chị Huyền N. (42 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông ở TP.HCM) không tin cuộc đời còn đàn ông tốt. Hôn nhân với chị là “con số âm” buồn bã, chán chường. Chị thẳng thừng từ chối tình yêu bởi thuở nhỏ từng bị một người đàn ông lớn tuổi tấn công tình dục, ba chị từng phụ bạc, bỏ rơi mẹ con chị… Nhãn đen ấy, chị đã dán cho tất cả đàn ông.
Hằng ngày, chị góp nhặt những mẩu chuyện trên báo chí, mạng xã hội, ngoài thực tế để củng cố thêm “mệnh đề” đàn ông là sinh vật tồi tệ, nguy hiểm. Một liệu trình thanh lọc ký ức, phá bỏ chướng ngại tâm lý, cải thiện trí tuệ cảm xúc là rất cần thiết với chị và những người “mắc nợ” quá khứ.
Francis L. Kaya, (người Thụy Sỹ, bố của chị Kasara, nhà dẫn đầu tư tưởng trong lĩnh vực EQ, Chủ tịch chương trình Plus minus code (The +|- CODE) về EQ dành cho học đường) chia sẻ, nước mắt ông đã chảy khi đọc những con số về tỷ lệ trầm cảm, tự tử ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã đề cao điểm số, bắt con cái học đến mười giờ khuya mà quên bồi đắp trí tuệ cảm xúc. Ta gia tăng công nghệ mà để giảm sút bữa ăn gia đình. Ta đang “nhấn nút” các thiết bị công nghệ, đồng nghĩa với tích lũy sự tức giận, sự cô lập, cảm xúc tiêu cực, chỉ muốn chiến đấu, kháng cự, dễ dẫn đến trầm cảm, tự tử. Đồng nghĩa với ta nhấn nút “giết người”.
Người lớn luôn bận rộn và khắc phục điều này bằng cách làm cho con cái bận rộn theo (giao điện thoại cho con chơi chẳng hạn). Chúng ta tạo ra nhiều thiên tài, nhưng cả cái ôm sao cho chân thành nhất cũng không làm được. Thế hệ trẻ khó để đi vào mối quan hệ, khó để hiểu mình, hiểu người bên cạnh, bởi kém về trí tuệ cảm xúc - chất keo gắn chặt con người trong hôn nhân, gia đình, cộng đồng… Chúng ta có những máy tính cấp tiến nhất, nhưng thiếu vắng hệ điều hành mang tên tình yêu và sự hiểu biết đúng đắn.
Những nguyên nhân đưa đến bất hạnh được cho là áp lực, kỳ vọng, thiếu năng lực tự bảo vệ… chỉ là bề nổi của tảng băng. Nguyên nhân sâu xa chính là công nghệ phát triển mang con người đến sự mở rộng của tâm thức dẫn đến sự đa lựa chọn, mong muốn, nhưng thiếu chuẩn bị và hiểu biết cảm xúc của bản thân để đi đến tự chủ cũng như các chức năng cảm nhận, ra quyết định. Học cách giải mã và chuyển hóa cảm xúc trở nên tích cực, đó chính là phát triển khả năng phân biệt điểm cộng điểm trừ toàn diện của sự việc, khả năng thấu hiểu cảm xúc vượt khỏi hình thức mà không phán xét, từ đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và cân bằng.
Tô Diệu Hiền