Nhiều công trình trễ hẹn
Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa đưa vào hoạt động Trung tâm Chuyên sâu về can thiệp tim mạch cho trẻ em, nhưng tiến độ xây dựng Trung tâm Chuyên sâu sơ sinh (khối 5B) và Khoa Khám bệnh - Khối Điều trị ngoại khoa (khối 4A) của bệnh viện đang bị chậm. Bệnh viện phải tổ chức đấu thầu lại để tiếp tục thi công, hoàn thiện hai công trình này.
|
Các công trình y tế chậm tiến độ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khám chữa bệnh (trong ảnh: bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong không gian chật hẹp) - Ảnh: An Khuê |
Đối với công trình cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, việc giải ngân vốn ách tắc, bệnh viện vẫn đang chờ Sở Xây dựng chấp thuận chủ trương xin gia hạn dự án. Đại diện bệnh viện này cho biết, do dịch COVID-19 kéo dài nên chủ đầu tư gặp khó khăn về nguyên vật liệu (nhập khẩu khó, giá tăng). Việc chậm hoàn thành công trình ảnh hưởng đến hiệu quả khám chữa bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống sốt xuất huyết ở nơi thi công.
Bác sĩ Lưu Hiếu Thảo - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho hay công trình xây dựng khu điều trị nội trú của bệnh viện này cũng chưa thể hoàn thành đúng hạn. Ngoài nguyên nhân dịch bệnh, chiến sự ở Đông Âu cũng khiến chuỗi cung ứng nguyên vật liệu xây dựng bị đứt gãy, làm chậm tiến độ thi công. Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, lãnh đạo bệnh viện thường xuyên làm việc với nhà thầu thi công để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Từ đầu năm 2022, việc thi công dần ổn định và ban giám đốc bệnh viện hy vọng, công trình sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2023.
Theo bác sĩ Lưu Hiếu Thảo, hiện tại, các phòng trưởng khoa, phòng hành chính cũng phải dùng để phục vụ bệnh nhân nặng dù trước đó, bệnh viện đã thành lập các dãy nhà tạm để phục vụ bệnh nhân nội trú. Khu vực điều trị hiện tại chật hẹp, bệnh nhân phải nằm hành lang; bác sĩ cũng gặp bất tiện trong công tác khám, chữa bệnh, sinh hoạt, nghỉ ngơi.
Các bệnh viện có công trình ngổn ngang đã tổ chức phun hóa chất, diệt lăng quăng ở nơi thi công nhưng một số bệnh viện phải gửi bệnh nhân sốt xuất huyết đến các khoa khác để chăm sóc, theo dõi. Lãnh đạo bệnh viện cũng tích cực xử lý, hạn chế tối đa, không để sốt xuất huyết thành dịch.
Tìm cách gỡ khó khăn, vướng mắc
Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, thời gian qua, sở cũng đã có những tác động tích cực nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, cũng như đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình y tế trọng điểm của thành phố.
Về việc chậm tiến độ hoàn thành các công trình y tế, báo cáo sơ kết hoạt động sáu tháng đầu năm 2022 của sở đã nêu rõ khó khăn cũng như các giải pháp khắc phục trong công tác xây dựng cơ bản và công tác mua sắm. Theo đó, ngoài các công trình y tế trọng điểm của thành phố đã khánh thành và đưa vào hoạt động như cơ sở 2 của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Trung tâm Chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi Đồng 1, vẫn còn một số công trình chậm tiến độ so với kế hoạch. Đó là Khoa Khám bệnh - Khối Điều trị ngoại khoa và Trung tâm Chuyên sâu sơ sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1; dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Răng Hàm Mặt; dự án xây dựng Khối Điều trị nội trú của Bệnh viện Nhân dân Gia Định; dự án mở rộng Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi...
|
Cơ sở 2 của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học là một trong số ít công trình y tế trọng điểm của TPHCM được đưa vào hoạt động kịp tiến độ - Ảnh: H.L. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như tình hình chiến sự trên thế giới khiến giá xăng dầu tăng, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng khiến các nhà thầu không thể tiếp tục thi công vì sẽ lỗ vốn. Thậm chí, chủ thầu thi công tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từng nói thẳng, nếu làm tiếp sẽ bị lỗ khoảng 50 tỷ đồng nên thà đền hợp đồng để cắt lỗ còn hơn tiếp tục thi công. Bên cạnh đó, sau đợt dịch COVID-19, nhiều công nhân về quê và không quay lại TPHCM nên các công trình cũng đang thiếu hụt nhân lực. Như công trình tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi có quy mô 13 tầng nổi nhưng chỉ có 120 công nhân làm việc tại công trình.
Do tiến độ thi công chậm, các dự án không có khối lượng thi công hoàn thành để làm căn cứ cho việc giải ngân vốn. Tỷ lệ vốn giải ngân đến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2022 chỉ đạt khoảng 10%, thấp nhất trong 10 năm qua.
Trước tình trạng trên, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết: “Trong hai năm 2021-2022, Sở Y tế TPHCM liên tục họp để chủ động tháo gỡ khó khăn cho các công trình trọng điểm này. Hầu như tháng nào, sở cũng họp với lãnh đạo các bệnh viện, yêu cầu báo cáo chi tiết việc giải ngân, tìm cách hỗ trợ”.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tỷ lệ giải ngân quá thấp là do một số dự án hết thời gian thực hiện, phải chờ quyết định gia hạn mới tiếp tục thi công; một số chủ đầu tư chậm thực hiện chủ trương đầu tư dù đã có trong danh sách đầu tư trung hạn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân các gói đấu thầu trang thiết bị không chấm được nhà thầu hoặc không có đơn vị dự thầu.
An Khuê