Công Trí: Giữa Kẻ Lạ và Tôi

31/01/2017 - 19:00

PNO - Ở một cự ly gần, Trí sẽ hiện nguyên hình là một người nồng ấm, dịu dàng và tận tụy. Đứng xa hơn chút, thấy Trí là kẻ đáng sợ được tôi luyện bởi thứ đam mê không ngừng nghỉ, không thỏa hiệp, không dừng gây kinh ngạc.

Còn lùi hẳn lại để chiêm ngưỡng hành trình của Nguyễn Công Trí, sẽ thấy sừng sững một “đế chế” gây ảnh hưởng lớn đến nền thời trang đương đại Việt Nam suốt 10 năm qua.

TÔI

“ Tôi nhìn lại đứa trẻ có tên Nguyễn Công Trí, tôi thấy thương nó. Vì lúc nào nó cũng phải chỉn chu, ngăn nắp, trách nhiệm. Một đứa trẻ chuẩn mực với học giỏi, sạch sẽ, nghiêm túc - không có chỗ nào cho sự nhảm nhí bắng nhắng làm phiền ắt phải có của bọn nhóc - trong thằng bé Công Trí. Một gia đình nghèo lại đông con (tận bảy đứa), ba má chỉ có cách “quản trị” yên tâm nhất là dạy mỗi đứa bọn tôi thật kỹ lưỡng, tự chịu trách nhiệm về mình, hãy lo phận sự của mình tốt nhất trước khi trông chờ vào người khác.

Ngay từ bé, tôi đã phải tập nấu ăn, biết tự giặt tự ủi đồ để đi học luôn thẳng thớm, quần áo tôi mặc cũng do tôi tự ra chợ chọn vải và tính kiểu may. Chỉ có tôi biết trong đầu của thằng bé nghiêm ngắn và trách nhiệm ấy là cuồn cuộn những tưởng tượng điên rồ.

Năm học lớp 9, một tờ tạp chí có in bài về nhà thiết kế Minh Hạnh đến tay tôi. Giống như một luồng sáng mạnh rọi thẳng vào mắt khiến tôi choáng váng. Và ngay lập tức, tôi biết mình phải TRỞ THÀNH GÌ. Tôi sẽ làm thời trang, không có lựa chọn khác! Thi ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, khoa Thiết kế thời trang - tôi trượt. Thì tôi học ĐH Kiến trúc TP.HCM, để “đi vòng” đến con đường của tôi.

Cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix năm 2000, bộ sưu tập (BST) “Lá Xanh” của tôi đoạt giải; cũng trong năm đó, tôi tiếp tục được giải Bay FM cuộc thi Asia Collection Makuhari tại Nhật Bản. 2001, BST “Sự thăng hoa của Đất và Nước” - được giải nhì tại Singapore Fashion Connection, đó là câu chuyện kể của tôi về cánh đồng miền Trung quê mình.

Ừ, nếu hỏi tôi tự hào gì về phẩm chất miền Trung - thì đó là sự nhẫn nại. Bằng cách nào đó, cậu trai non nớt đã linh cảm được cách bảo vệ mình tốt nhất và cách để mình đi đến đích nhanh nhất, chính bằng sự lao động tận tụy và nhẫn nại. Và đừng thỏa hiệp với chính mình, trung thực tận cùng với phẩm cách của mình - đến mức trở thành một thứ “chữ ký” của tôi trên đời này.

Tôi xem mình như một người thợ. Có thể cắt may, thêu, kết cườm, khâu smocking trên vải và làm mọi thao tác thủ công của một người thợ với tất cả niềm say mê. Tôi yên ấm và tràn trề hạnh phúc khi trò chuyện với chỉ, nút và lụa. Đó là thế giới an toàn của tôi, ngôi nhà của tôi, hơi ấm của một thứ tình yêu có thể chạm được, những sinh thể sống động đẹp đẽ và kỳ diệu dần lên dưới đôi tay mình. Tôi có linh cảm tuyệt vời về nguyên liệu.

Cong Tri: Giua Ke La va Toi
 

Trước một mặt vải, tôi biết được sau bao lần xuống nước, miếng vải sẽ mềm đi, sợi dai hơn hay xốp hơn…Tôi luôn cảm động vì nhận ra một đời sống - nguyên liệu ấy sẽ già đi, hay trẻ hơn như thế nào - khi trở thành thứ mà người đời gọi là “trang phục”.

Năm 2007, tôi bắt đầu đánh số BST của mình. Tôi ý thức việc đánh số như thực hiện những bài kiểm tra, tôi đến với thời trang bằng tự học. Ai mà chẳng phải tốt nghiệp khóa học của đời mình, mỗi BST là một bài tập, một cánh cửa, một con đường khác nhau. Tôi - Nguyễn Công Trí, đi xuyên qua các cánh cửa ấy, để nhận ra thế giới cuồn cuộn tưởng tượng điên rồ của thằng bé con ở Đà Nẵng vẫn lộng lẫy, bất tận và xanh non như thế.

Và tôi đã hoàn thành chín bài tập, trong hành trình 10 năm.

KẺ LẠ

10 năm và chín bài kiểm tra của “người thợ may” Công Trí, là chuyến viễn du qua các phong cách - trường phái - concept không lặp lại. Xuyên qua tất cả những “cánh cửa” ấy là Công Trí của sự tỉ mỉ, thao tác thủ công tinh xảo cầu kỳ, kỹ thuật xử lý chất liệu độc đáo và luôn luôn tôn vinh yếu tố con người. Bứt phá mọi giới hạn, 10 năm Công Trí chưa bao giờ ngừng gây kinh ngạc. 10 năm điên rồ, mơ mộng và nhẫn nại đã đưa cái tên Nguyễn Công Trí trở thành niềm kiêu hãnh và là nhà thiết kế duy nhất mang đẳng cấp của một couturier đích thực của thời trang nước nhà. Trong số 100 nhà thiết kế đương đại nổi bật nhất thế giới, có Công Trí đến từ Việt Nam.

Công Trí nói trong anh luôn tồn tại hai con người của tỉnh táo và điên rồ. Thế giới trong tâm trí anh khá hỗn độn, Trí thường độc thoại và bày hết ra sòng phẳng với mình. Con người nhẫn nại tỉnh táo nhiều phen phải nhường chỗ cho “Kẻ Lạ” điên rồ kia tham lam kéo hết phần về vương quốc của hắn. “Thằng điên nó làm phiền tôi, nhưng nó khiến cuộc sống thật sự tưng bừng và tuyệt vời, nó làm tôi mọc chồi ở trong đầu - mà tôi nghĩ cuộc đời mình không thể làm hết được những gì thằng điên ấy bày ra…”.

Thiết kế của Trí “Tây đặc”, truyền thống luôn ẩn đằng sau, lặng và câm nín, tuyệt đối không phô trương - giống như những người yêu nhau sâu sắc, họ không khoe khoang về tình yêu ấy. Với Công Trí, điều mà anh học ở truyền thống là sự nhọc nhằn và nhẫn nại, là thái độ với nghề. Trí ví von: “truyền thống như cái nhà kho mà tất cả chúng ta đều có thể vào đó kiếm đồ, có người nhìn thấy đồ cổ quý giá, có người đi ra tay trắng…”. Trí thì nhặt từ “nhà kho” ký ức ấy những vụng về thuần phác, đôi khi cả sự lẩm cẩm.

Trí yêu truyền thống bằng hài hước và âu yếm, thương như thương bố mẹ già của mình, thân thuộc như da thịt mình. Nên chẳng bao giờ thấy Trí nghiêm trọng cây đa bến nước hay họa tiết trống đồng. Trí bền bỉ đi bên cạnh truyền thống bằng vẻ nhẹ nhõm và thư thả, nhìn gạch lát đường thành hoa văn, nhìn bu gà thành form váy, nhìn đan lát tre trúc hay bông lúa trĩu hạt mà thành các chi tiết thủ công tinh xảo haute couture của riêng Trí. 

Hỏi Trí rằng giấc mơ hoang tưởng nhất mà Kẻ Lạ vẽ ra là gì? Trí ngập ngừng: “Một ngôi làng Việt của tôi! Nơi có những mái nhà hiền hòa dưới bóng cây xanh, người ta sống thật chậm, thanh bình và vui vẻ trong đó. Nơi hội hè và tinh thần người Việt còn nguyên vẹn thuần khiết, có trồng dâu nuôi tằm dệt lụa nhuộm lãnh, những người đàn bà tự may quần áo và ngồi thêu…”. Giấc mơ ấy là thế giới đã mất, đã thất lạc đâu đó, nhưng nó vẫn còn tồn tại day dứt trong tâm hồn của những kẻ thương nhớ ký ức như Trí.

Cong Tri: Giua Ke La va Toi
 

IM LẶNG XANH NON

Trong môi trường nhiều ảo giác của các giá trị hư danh của showbiz - Công Trí đã chọn im lặng. Nhu cầu trình diễn bản thân, những ham hố lấp lánh về quyền lực, Trí thanh thản bỏ lại phía sau. Cục im lặng ngày càng lớn, Trí không còn cần thiết nói về mình hay thứ mình đang làm, thậm chí anh thích thú khi mình tiến gần đến câm nín. “Khi biết mình đầy năng lượng và quá nhiều sức mạnh, tôi phải im lặng”.

Hơn 10 năm qua, Trí là người kể chuyện “ngàn lẻ một đêm” bằng thời trang, đó là một thế giới chưa bao giờ thôi kinh ngạc và hết mơ mộng. Trí bảo, “để xanh non phải nhẹ nhõm, hài hước và thư giãn. Hành trình dài thì cầm theo ít hành lý thôi, để nhẹ tay thanh thản mà đi bền. Cần vứt bớt đầu tiên là cái Tôi kiêu ngạo rườm rà, hành trang không thể thiếu là sự rộng lượng không tị hiềm. Cuộc sống chỉ cần giữ sự vui vẻ và lòng tử tế. Nơi duy nhất phải giữ sự khó tính đến tận cùng, thì đó là nghề nghiệp...”.

 Trí phải lo cơm áo cho 100 con người. Dù công việc của họ là thiết kế, may cắt, thêu, kết cườm, khâu smocking… thì bài học đầu tiên (và cuối cùng) ở xưởng thời trang của Công Trí luôn luôn là: hãy kỹ lưỡng và trung thực, hãy cố gắng làm tới lúc mình không thể tốt hơn được nữa, tử tế hết mức có thể, không chấp nhận kém phẩm chất.

Trí yêu bàn thiết kế, xưởng may đầy bụi vải, những căn phòng mở máy lạnh 24/24 hút ẩm giữ hơn 300 bộ váy áo lộng  lẫy bọc trong ni lông - chín BTS nhất định không bán. Thế giới của hoang tưởng ấy là tổ ấm là gia đình của Trí – người đàn ông mãi cô đơn và phấn khích giữa cái TÔI tỉnh táo nhẫn nại và KẺ LẠ điên cuồng mơ mộng.

Và Nguyễn Công Trí ở giữa hai cánh cửa ao ước: gia nhập thời trang Haute Couture của thế giới, như một đại diện kiêu hãnh đến từ Việt Nam; và bên kia là ngôi làng Việt an bình hiền hòa tự tay anh gầy dựng lên. Tin rằng Công Trí không phải lựa chọn, bởi tất nhiên người như anh xứng đáng có trọn vẹn giấc mơ rực rỡ của mình... 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI