Phóng viên: Thưa ông, số vụ trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục từ năm 2021 đến nay giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, tính chất, mức độ của vụ việc lại phức tạp, nghiêm trọng hơn. Ông nhận định gì về điều này?
Ông Cao Thanh Bình: Chúng ta đều rất vui khi nghe Công an TPHCM báo cáo số vụ trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục giảm. Nhưng phân tích kỹ, ta sẽ thấy các vụ việc rất thương tâm, độ nguy hiểm cao, như có em ức chế đến nhảy lầu, có em bị cha mẹ hành hạ đến chết… Khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc thì chuyện đã rồi. Lúc đó, nếu may mắn bảo vệ được tính mạng thì dư chấn tâm lý mà các em phải gánh chịu rất lớn. Thực tế này cho thấy, công tác trẻ em, sự phối hợp, nắm địa bàn để kịp thời ngăn ngừa, can thiệp vẫn còn rất chậm.
* Xin ông nói rõ hơn về thực trạng công tác phòng ngừa, phối hợp để bảo vệ trẻ em ở TPHCM thời gian qua?
- Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát về công tác trẻ em. Chúng tôi ghi nhận, các đơn vị, địa phương đều có sự tập trung triển khai kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương và thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần lưu ý thêm: các đơn vị, địa phương cần tham mưu kịp thời các nhóm giải pháp đối với những mặt còn hạn chế, rà soát lại công tác phối hợp giữa các đơn vị. Chúng ta có Quyết định 2017/QĐ-UB của UBND TPHCM (ban hành ngày 8/6/2020) về quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục nhưng các địa phương, đơn vị đều thừa nhận việc thực hiện chưa đạt hiệu quả cao.
|
Các tổng đài, đường dây nóng để thông báo khi xảy ra vụ trẻ bị bạo hành, xâm hại (ảnh: Sở Lao động, Thương binh & Lao động TPHCM) |
TPHCM có hơn 11.000 cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em và hầu hết trường học trên địa bàn đều có tổ tư vấn tâm lý. Thế nhưng, khi phát hiện những em có biểu hiện bất thường, trong diện nguy cơ, tổ tư vấn tâm lý không nhanh chóng thông tin cho cán bộ, cộng tác viên trẻ em của địa phương để kịp thời tiếp cận gia đình các em nhằm có giải pháp can thiệp. Một khó khăn nữa là nghiệp vụ của các thành viên tổ tư vấn tâm lý trong trường học chưa cao, không được đào tạo bài bản, kiêm nhiệm quá nhiều việc dẫn đến không nhạy bén. Về điều này, tôi cho rằng, mỗi quận/huyện nên có thêm ít nhất một tổ tư vấn cấp quận với các thành viên chuyên nghiệp, như chuyên gia tâm lý, bác sĩ giỏi để tùy theo sự phức tạp của vụ việc mà tham vấn kịp thời và giải quyết tốt hơn.
* Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phối hợp, phòng ngừa chưa hiệu quả là do không có cán bộ cấp phường chuyên trách lĩnh vực trẻ em, thưa ông?
- Khi triển khai Nghị định 34/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, TPHCM gặp khó khăn lớn là do quá đông dân. Khối lượng công việc và lượng hồ sơ trễ hạn nhiều, đòi hỏi cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều vị trí và phải làm ngoài giờ mới hết việc.
Cán bộ làm công tác trẻ em hầu hết “gánh” thêm lĩnh vực dân số, kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới, thậm chí kiêm nhiệm nhiều việc khác do ủy ban giao. Họ hầu như không còn thời gian để tư duy, sáng tạo các mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt hơn hoặc nắm tình hình trẻ em trên địa bàn sát hơn. Thu nhập của họ cũng rất thấp. Áp lực như thế thì dù có tâm huyết, họ vẫn ít muốn gắn bó. Do đó, gần đây, nhân sự ở các địa phương thay đổi nhiều. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ, bởi thiệt thòi cũng thuộc về trẻ em.
* Theo ông, cần những giải pháp gì để cải thiện công tác trẻ em?
- Đối với công tác trẻ em, cần xác định can thiệp để phòng ngừa là chính. Do đó, đầu tiên, chúng ta cần mạnh dạn nhìn vào thực tế, tức công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em ở TPHCM thời gian qua hiệu quả đến đâu, có những thách thức và giải pháp gì để làm tốt hơn. Mỗi giải pháp cần phải phân công cho tổ chức, cá nhân cụ thể và quy rõ trách nhiệm.
Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá cụ thể về công tác trẻ em. Đơn cử, vừa qua, nguồn vận động tài trợ hoặc nguồn hỗ trợ phi chính phủ dành cho các trung tâm bảo trợ xã hội nơi quá nhiều, nơi không có. Một số cơ sở bảo trợ tư thục làm rất tốt, nhưng nếu không được hướng dẫn về pháp lý, đất đai thì e sau này dễ xảy ra tranh chấp bởi những cơ sở này do nhiều người tự nguyện góp đất. Tài liệu tổ chức giảng dạy cho trẻ hòa nhập cộng đồng cũng chưa ổn, cần có giáo trình riêng.
Trước mắt, Ban Văn hóa Xã hội sẽ tổng hợp thực trạng khó khăn, đề xuất, kiến nghị của các đơn vị, địa phương và báo cáo cho Thường trực HĐND TPHCM. Ban cũng dự kiến tổ chức hội thảo để lắng nghe sâu hơn, cụ thể hơn thực trạng và giải pháp từ các chuyên gia về công tác trẻ em. UBND TPHCM đang tập trung đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục đề xuất Trung ương ban hành nghị quyết khác thay thế, bao gồm cho phép TP.HCM chủ động bố trí cán bộ ở địa phương, đơn vị theo hướng các lĩnh vực quá tải thì tăng cường, lĩnh vực tập trung được nhóm ứng dụng công nghệ thì giảm tối đa cán bộ. Hy vọng qua đó, cán bộ làm công tác trẻ em sẽ bớt kiêm nhiệm, có nhiều thời gian hơn để làm tốt nhiệm vụ.
* Xin cảm ơn ông.
Tuyết Dân (thực hiện)