Công tác thi hành án kéo dài vì tòa tuyên không rõ

20/10/2018 - 15:00

PNO - Một số bản án, quyết định của tòa tuyên không rõ nên khó khăn cho việc thi hành án chính, theo UBND TP.HCM.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM gửi Bộ Tư pháp về công tác thi hành án hành chính năm 2018, toàn thành phố có 67 bản án và quyết định thi hành án hành chính. Trong đó, có 15 trường hợp TAND thành phố đã ban hành quyết định buộc thi hành án hành chính (chiếm hơn 22%).

Cong tac thi hanh an keo dai vi toa tuyen khong ro
Ảnh minh hoạ

Tính đến ngày cuối tháng 9/2018, cơ quan thi hành án đã thi hành xong 26 vụ, đạt tỷ lệ 38,8%, số còn phải thi hành là 39 vụ (58,2%). Cụ thể, số vụ việc tòa tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính liên quan lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ vượt trội, lên đến 43 vụ (chiếm 65,7%). Số vụ tòa tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính liên quan lĩnh vực thuế là 3 vụ (4,5%) và 5 vụ liên quan lĩnh vực khác chiếm 7,5%. Ngoài ra, có 16 vụ tòa ban hành quyết định khẩn cấp tạm thời.

Về kết quả thi hành các bản án hành chính có hiệu lực trước ngày 1/10/2017, có 6 vụ việc thi hành án hành chính thuộc trách nhiệm tổ chức thi hành của Chủ tịch UBND thành phố (1 vụ), Chủ tịch UBND Q.2 (3 vụ) và UBND Q.7 (2 vụ). Trong đó, UBND Q.2 đã thi hành xong 1 vụ thuộc Bản án số 578/2017/HCST ngày 15/5/2017 của TAND TP.HCM. Hiện còn 5 vụ chưa thi hành xong.

Theo UBND thành phố, thực tiễn công tác thi hành án hành chính hiện nay phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, một số đơn vị trên địa bàn thành phố chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Luật Tố tụng hành chính 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 nên việc triển khai, phổ biến luật chưa đạt kết quả cao. Việc kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án đôi lúc chưa kịp thời, sâu sát. Vẫn còn trường hợp, UBND quận huyện không thông báo kết quả thi hành án hành chính cho Cơ quan Thi hành án dân sự và TAND đã xét xử sơ thẩm.

Thứ hai, một số bản án, quyết định của tòa tuyên không rõ nên khó khăn cho việc thi hành án hành chính. Nhiều bản án chỉ tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính nhưng nội dung bản án cũng không thể hiện rõ quyết định hành chính đã được thực hiện trên thực tế hay chưa, không tuyên rõ nghĩa vụ của người phải thi hành án trong trường hợp quyết định hành chính bị hủy một phần hoặc toàn bộ. Điều này cũng gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án hành chính của các cơ quan, tổ chức cũng như công tác theo dõi án hành chính của Cơ quan Thi hành án dân sự.

Thứ ba, hầu hết bản án, quyết định về hành chính liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thì sau khi tòa tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính liên quan, các cơ quan chức năng phải thực hiện lại trình tự, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ chức thương lượng, làm việc với người dân nên mất nhiều thời gian. Có trường hợp, UBND đã ban hành quyết định bồi thường mới, nhưng người dân vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại kéo dài.

UBND TP.HCM đề nghị Bộ Tư pháp sớm có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án hành chính. Tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát công tác thi hành án hành chính. Trong đó, đề cao vai trò giám sát của Quốc hội, các đại biểu quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Về xét xử các vụ kiện hành chính, đề nghị tòa án có thẩm quyền khi xét xử các vụ kiện hành chính cần tuyên rõ ràng, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự để việc thi hành án hành chính đạt hiệu quả.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI