Công tác hậu kiểm cần được tiến hành thường xuyên

20/06/2013 - 16:08

PNO - PN - Vụ hơn 700 du khách Việt bị Công ty TNHH MTV dịch vụ Cuộc Sống Du Lịch (Travel Life) bỏ rơi ở Bangkok (Thái Lan) cho thấy đơn vị tổ chức tour quá vô tình, công tác quản lý của cơ quan chức năng cũng chưa chặt chẽ.

Đến 21g hôm qua (18/6), khoảng 100 người cuối cùng trong số hơn 700 du khách bị bỏ rơi tại Bangkok (Thái Lan) đã về đến TP.HCM trên chuyến bay VN602 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.

Bà T. (Hà Nội), một trong số những khách hàng tham gia chuyến du lịch Thái Lan do Travel Life tổ chức cho biết, ngay khi đoàn sang đến Bangkok thì Công ty TNHH du lịch Thai 2020 (đối tác của Travel Life) đã không nhận khách. Sau khi hai bên đàm phán, 2020 chấp nhận lo phần ở và đi lại cho đoàn, phần ăn thì đoàn phải tự lo. Bà T. cho biết thêm, đoàn qua Thái Lan với mục đích tham dự hội nghị khách hàng của Công ty Herbalife toàn cầu (trụ sở tại Mỹ), hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp về thực phẩm dinh dưỡng. Để tránh ảnh hưởng đến mọi người, các trưởng đoàn đã không thông báo sự cố mà âm thầm thỏa thuận với 2020. Đến tối 17/6, khi hội nghị khách hàng kết thúc, các trưởng đoàn mới họp thông báo sự thật, đồng thời gom tiền để trả cho 2020.

Được biết, giá tour mà Travel Life đưa ra từ 7,7 triệu đồng đến 8,1 triệu đồng, tùy thời gian đặt tour sớm hay muộn. Trước khi khởi hành, phía Travel Life đã cho người đến thu đủ tiền của khách.

Bà T. khẳng định rằng, bà sẽ khởi kiện Travel Life để đòi quyền lợi của mình. “Chi phí tour trọn gói từng người đã thanh toán cho Travel Life rồi. 2020 cũng không có trách nhiệm gì với đoàn cả, vì 2020 chỉ hợp đồng miệng với Travel Life”, bà T. nói.

Cong tac hau kiem can duoc tien hanh thuong xuyen

Các hành khách vui mừng khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất

Đại diện Phòng Lữ hành (Sở VH-TT-DL TP.HCM) cho biết, việc hậu kiểm gần 3.000 công ty có đăng ký kinh doanh lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP.HCM là điều không đơn giản, dù công việc này vẫn được tiến hành thường xuyên. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đăng ký hoạt động du lịch nhưng không hoạt động cũng khá nhiều. Do đó, chỉ đến khi doanh nghiệp thông báo cho Sở VH-TT-DL, thì cơ quan này mới biết và tiến hành hậu kiểm. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành hậu kiểm thường xuyên hơn, kỹ hơn nhằm loại bỏ những doanh nghiệp lừa như Travel Life. Tuy nhiên, việc hậu kiểm phải nhận được sự phối hợp của nhiều cơ quan, trong đó quan trọng nhất là các quận, huyện, vì họ là đơn vị nắm rõ nhất”, đại diện Phòng Lữ hành nói.

Theo ông Trương Đức Hải, Tổng giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, việc kết nối để kiểm tra hoạt động giữa các cơ quan chức năng hiện còn nhiều kẽ hở, khiến không ít doanh nghiệp vẫn hoạt động chui. Doanh nghiệp đăng ký với Sở Kế hoạch - đầu tư, nộp thuế đàng hoàng, nhưng nếu không thông báo cho Sở VH-TT-DL thì cũng không thể quản lý. Theo ông Hải, cơ quan chức năng chỉ nắm được những doanh nghiệp “có tóc” vì theo quy định, doanh nghiệp du lịch muốn kinh doanh lữ hành quốc tế phải được Tổng cục Du lịch cho phép từ đề xuất của VH-TT-DL. Ngoài ra, doanh nghiệp phải ký quỹ 250 triệu đồng. Vì thế, nếu không đăng ký và không “tự nguyện” thông báo, cơ quan quản lý du lịch sẽ khó mà biết.

Cho đến chiều qua, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã làm việc với Sở về vụ việc. Bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Phó chánh Thanh tra Bộ chỉ cho biết, đến chiều 18/6, toàn bộ du khách đã về đến Việt Nam an toàn và chưa thể thông báo gì thêm về vụ việc. Cơ quan thanh tra của Bộ và Sở đang tiến hành kiểm tra Travel Life và các đơn vị liên quan.

 Ca Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI