Công tác giảm nghèo đã làm thay đổi tâm lý trông chờ vào sự trợ giúp

25/02/2025 - 19:46

PNO - Ngày 25/2, UBND TPHCM đã có báo cáo gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tổng kết thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2021-2025 và đề xuất chương trình giai đoạn 2026-2030.

Đảng bộ thành phố đã có nghị quyết phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm nghèo trước ngày 30/4 tới và đến năm 2030 nâng mức chuẩn nghèo của thành phố cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước.

UBND thành phố đã ban hành giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả Chương trình Giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2021-2025, đảm bảo chính sách an sinh xã hội và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả và thiết thực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Ban chỉ đạo Giảm nghèo TPHCM phúc tra việc hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại khu vực nội thành - Ảnh: T.U.
Ban chỉ đạo Giảm nghèo TPHCM phúc tra việc hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 ở nội thành - Ảnh: T.U.

Sự phối hợp của các sở, ban, ngành xây dựng các chỉ tiêu, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo theo tỉ lệ chiều nghèo thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn được lồng ghép vào kế hoạch thường xuyên của đơn vị. Công tác giảm nghèo đã góp phần kéo giảm các chiều, chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi về nếp nghĩ, bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước và xã hội. Họ cũng biết sắp xếp cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm việc làm... Đặc biệt, họ quan tâm học hỏi cách làm ăn để tận dụng các cơ hội trợ giúp của chương trình.

Tuy nhiên, theo UBND TPHCM, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, nhân sự làm công tác giảm nghèo ở phường, xã, thị trấn có nhiều thay đổi do luân chuyển vị trí công tác hoặc nghỉ việc, đồng thời phải kiêm nhiều lĩnh vực.

Cán bộ lao động, thương binh và xã hội tại UBND cấp xã phải phụ trách chung các mảng về lao động, trẻ em, bình đẳng giới… công tác giảm nghèo không có cán bộ phụ trách riêng, do đó hiệu quả có phần bị ảnh hưởng.

Vẫn còn hộ tái nghèo do COVID-19 kéo dài, tác động đến thu nhập của các hộ, kinh tế gia đình bị kiệt quệ dẫn đến sự gia tăng nghèo tạm thời về thu nhập và đẩy các hộ nghèo, hộ cận nghèo lún sâu hơn vào tình trạng nghèo thu nhập và tăng các chiều thiếu hụt.

Ngoài ra, vẫn còn một số thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ chính sách.

Dù các chỉ số thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cơ bản hoàn thành như bảo hiểm y tế, tình trạng đi học của trẻ em… nhưng tỉ lệ kéo giảm một số chiều thiếu hụt xã hội còn chưa cao, như thiếu hụt về nhà ở, bảo hiểm xã hội, trình độ giáo dục và đào tạo của người lớn.

Việc kéo giảm bảo hiểm xã hội tự nguyện phụ thuộc vào nhận thức của hộ và chính sách thụ hưởng khi tham gia còn hạn chế. Việc kéo giảm thiếu hụt trình độ giáo dục và đào tạo của người lớn khó khăn do đa số các thành viên tập trung cho việc mưu sinh.

Kéo giảm chỉ số thiếu hụt nhà ở phụ thuộc vào việc sửa chữa và xây dựng nhà có thủ tục, liên quan đến quyền sở hữu tài sản, quy định về xây dựng, quy hoạch, kế hoạch chỉnh trang đô thị của địa phương và thành phố...

Đối với hộ có thành viên mắc hội chứng down, tâm thần, bại não hoặc thành viên thiếu hụt chỉ số tình trạng đi học của trẻ em (do không học đúng cấp học), hiện không có giải pháp hỗ trợ phù hợp đã ảnh hưởng đến việc kéo giảm các chỉ số thiếu hụt.

Trong thực hiện chính sách giảm nghèo thông qua các hoạt động tín dụng còn tồn tại một số khó khăn về đối tượng vay vốn Quỹ Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án (Quỹ 34) thường không ổn định. Một số hộ thường xuyên di chuyển chỗ ở hoặc không xác định được chỗ ở mới, địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác theo dõi, quản lý và lập hồ sơ xử lý nợ gặp rủi ro.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI